MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chất lượng chung cư: Lời cảnh báo từ những cái chết không đáng có

Sau những vụ tai nạn thang máy thương tâm xảy ra mới đây tại TP HCM và Hà Nội, một lần nữa dư luận lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về chất lượng thang máy hiện đang sử dụng tại các thành phố lớn.

“Hồn bay phách lạc” vì thang máy

Chiều ngày 21/9, tại chung cư CT3 Constrexim khu đô thị Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng. Chiếc thang máy đang vận hành bỗng nhiên mất điện, treo lơ lửng giữa khoảng lưng chừng tầng 4, tầng 5 của tòa nhà. Trong lúc cố gắng tìm cách thoát ra ngoài, nạn nhân Nguyễn Văn Hòa bị trượt chân, rơi thẳng xuống hầm cầu thang và tử vong tại chỗ. Sau vụ tai nạn này, người dân sống tại đây đã đồng loạt "tố" đơn vị quản lý tòa nhà về chất lượng dịch vụ kiểu "treo đầu dê bán thịt chó".

Theo phản ánh của những hộ dân, tòa nhà CT3 đã được xây dựng xong tháng 6/2006. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào vận hành, hệ thống thang máy của tòa nhà này đã có vấn đề. Chuyện gặp sự cố xảy ra như cơm bữa, lúc thì bị mất điện đang chạy bỗng dưng đứng khựng lại; khi thì hệ thống cửa tự động bị kẹt, không thể sử dụng được; một số nút điều khiển trong thang máy bị rơi, vỡ... Không ít lần, cư dân tòa nhà phản ánh lên tổ bảo vệ và Ban Quản lí tòa nhà, đề nghị sửa chữa, thay mới nhưng không được thực hiện.

Anh Trần Phong Hoàng (phòng 902) cho biết, một tháng thang máy lại dở chứng trung bình từ 2-3 lần. Anh kể: "Có lần, tôi cùng cậu con trai lúc ấy mới 3 tuổi đi thang máy từ tầng 1 lên tầng 9 để vào nhà. Khi thang máy chạy quá tầng 7 thì đột ngột mất điện, đứng khựng lại, cửa đóng kín không thể mở được. May sao lúc đó tôi mang theo một cái thước kẻ. Dùng thước cậy cửa mãi mới mở được. Lúc này sàn thang máy còn cách sàn tầng 7 khoảng 30 cm. Tôi bế con nhảy xuống. Cũng may hai bố con đi cùng nhau. Nếu chỉ có mình cháu thì chẳng biết sẽ như thế nào".

Cũng theo anh Hoàng, sự  cố phổ biến nhất là tình trạng mất điện, kẹt cửa ra vào. Trong những hoàn cảnh ấy, cách duy nhất để thoát hiểm là tự thân vận động. Được biết, trong tòa nhà CT3 có nhiều trẻ em. Để tránh nguy hiểm cho con cái, các bậc phụ huynh lúc nào cũng phải dẫn con đi cùng.

Bà Doãn Thị Hạnh, đại diện các hộ dân trong tòa nhà cho rằng, nhiều khả năng thang máy này là hàng kém chất lượng, đồ cũ "mông má" lại. Nếu là thang máy mới thì không bao giờ có chuyện hỏng hóc thường xuyên như vậy được. Tôi đã từng sử dụng thang máy ở nhiều nhà chung cư khác, chất lượng khác xa so với ở đây", bà Hạnh bức xúc.

Sự cố thang máy tại chung cư CT3 chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thực tế, tại những chung cư được đánh giá là khá cao cấp, thang máy cũng không ít lần dở chứng khiến người dân không khỏi phen "hồn bay phách lạc". Đầu tháng 8 vừa qua, cư dân sống tại tòa nhà Keangnam đồng loạt "tố" chủ đầu tư về chất lượng được quảng cáo là cao cấp của tòa nhà. Trong đó, thang máy chỉ mới đưa vào hoạt động đã liên tục "nhốt" người. Tại một số chung cư, không chỉ nhốt người thỉnh thoảng thang máy lại "nổi hứng" rơi tự do hàng vài tầng khiến người sử dụng rợn tóc gáy...

Hoạt động kiểu sống chết mặc bay

PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết: "Thang máy dùng trong các tòa nhà nói chung, dù là thang cuốn, thang cuộn hay thẳng đứng là một trong những thiết bị bắt buộc phải được kiểm định. Nếu đạt chỉ tiêu về chất lượng mới được đưa vào khai thác, sử dụng. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy điện của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì bất kể loại thang máy nào đều phải được các tổ chức pháp nhân kiểm định, xem xét, đánh giá”.

PGS.TS Chủng cũng cho hay, “những thông số về vận tốc, độ nhạy, những yếu tố liên quan đến an toàn về tầng không, hệ thống điện phòng phải phù hợp với thiết kế của tòa nhà. Nếu thông số thỏa mãn mới được đưa vào khai thác. Trong quá trình khai thác phải tiến hành bảo trì, bảo dưỡng vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng của người dân".

Liên tiếp các sự cố về thang máy xảy ra khiến cho người dân lo lắng mỗi khi đi thang máy

Về tai nạn thương tâm xảy ra tại chung cư CT3 (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), PGS Trần Chủng nhận định: "Những vụ tai nạn thương tâm liên quan đến thang máy xảy ra gần đây, trách nhiệm trước mắt thuộc về các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, thuộc về lỗi của những đơn vị cung cấp thang máy, có thể thiết bị không đảm bảo, cũng như đơn vị thẩm định, đánh giá chất lượng. Khi lắp đặt thang máy, sẽ có những trung tâm kiểm định. Với sự việc của chung cư CT3 (Yên Hòa, Cầu Giấy) cần phải xem xét lại, có được cấp chứng chỉ vận hành hay không, đơn vị nào cấp, cấp trên cơ sở nào để có thể quy trách nhiệm cho các bên liên quan".

Đồng quan điểm, PGS. TS Phạm Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết, thang máy lắp đặt cho các tòa nhà, chung cư đều phải có quy chuẩn và có đơn vị thẩm định chất lượng. Định kỳ phải có các đơn vị kỹ thuật chuyên ngành thang máy kiểm tra, bảo trì tối thiểu một lần /tháng.

Tuy nhiên, theo PGS Phạm Hùng Cường, quy định là vậy, nhưng thực tế không phải đơn vị nào cũng tuân thủ. Thang máy hiện nay có giá từ vài trăm triệu đến một tỷ đồng. Để tiết kiệm kinh phí, nhiều đơn vị thường lắp đặt thang kém chất lượng, chế độ bảo trì không đúng quy định. Thêm vào đó, hệ thống thang máy tại nhiều bệnh viện, tòa nhà đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Nhìn nhận về cách quản lý hệ thống thang máy, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: "Cách quản lý thang máy của chúng ta hiện còn rất nhiều điều thiếu xót. Thang máy là thiết bị tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Nó là phương tiện vận chuyển tương tự như ô tô, tuy nhiên phương thức vận chuyển theo chiều đứng.

Với phương tiện ô tô, người ta rất coi trọng chất lượng của nó, đều có định kỳ kiểm tra. Tuy nhiên với phương tiện vận chuyển theo chiều đứng này thì công tác kiểm tra còn bị bỏ ngỏ, đặc biệt là các đơn vị quản lý chung cư. Công tác huấn luyện, ứng phó với sự cố cho các nhân viên vận hành kỹ thuật, quản lý thang máy cũng chưa được chú trọng, gần như là sống chết mặc bay".

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, thang máy liên quan đến giao thông của cả tòa nhà, vì vậy đòi hỏi tính an toàn rất cao. Nếu lắp thang máy chất lượng kém hoặc bớt một số tiêu chuẩn thì hậu quả thật khôn lường, có thể dẫn đến chết người.

Vì vậy, để bổ khuyết thực trạng này, tại những thành phố lớn, lượng thang máy được sử dụng nhiều nên có một bộ phận thanh tra. Định kỳ đến kiểm tra, cấp chứng chỉ vận hành và khai thác.

Việc kẹt thang máy cũng không phải quá lạ, trên thế giới cũng thường xuyên xảy ra, tuy nhiên, tại nước ta những tai nạn xảy ra chủ yếu do khâu cứu hộ không đúng. Cần tập huấn cho nhân viên kỹ thuật phương thức ứng cứu, không thể cứ gặp sự cố là lôi gậy gộc, dao rựa ra cậy thang đưa người thoát hiểm. 

                       

Công tác duy tu bảo trì hoặc thay thế đã không được chú trọng

Theo PGS Trần Chủng, về nguyên tắc tất cả các công trình đều có tuổi thọ nhất định. Muốn duy trì hoạt động, cần đánh giá hiện trạng mức độ an toàn, nếu thiết bị nào đã quá cũ và lỗi thời phải tiến hành thay thế. Đồng thời có chế độ bảo dưỡng hàng năm. Tuy nhiên, thực tế tồn tại tại các tòa nhà, chung cư, đặc biệt là các bệnh viện hiện nay là công tác này chưa được đảm bảo đúng quy trình. Thang máy sử dụng trong những công trình này hầu hết đã quá thời gian sử dụng hoặc xuống cấp. Công tác duy tu, bảo trì chưa được chú trọng nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với người sử dụng.

Theo Anh Đức

Người Đưa Tin


ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên