MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói tín dụng 30.000 tỷ: Doanh nghiệp dễ “xơi”, người dân khó “nuốt”

Trong khi dự án rầm rộ khởi công vừa qua, các ngân hàng cũng cam kết giải ngân hàng nghìn tỷ đồng, thì người mua nhà xã hội lại tiếp cận vốn vay rất nhọc nhằn.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được NHNN chỉ định 5 ngân hàng gồm BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank và MHB hỗ trợ cho vay lãi suất 6%/năm đối với lĩnh vực BĐS. Mục đích nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường theo tinh thần của Nghị quyết 02 của Chính phủ hồi đầu năm.

Đến tháng 5/2013, NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng cùng ra thông tư 11 của NHNN và 07 của Bộ Xây dựng để hướng dẫn cho vay cũng như xác định đối tượng, điều kiện cho vay. Gói tín dụng này bắt đầu có hiệu lực từ 1/6. Tuy nhiên, cho đến nay vì nhiều lý do vướng mắc thủ tục nên việc giải ngân vốn rất chậm trễ cho người vay mua nhà, trong khi đó các DN làm dự án thì rất dễ dàng tiếp cận.

Hàng nghìn tỷ đang chảy vào doanh nghiệp

Theo như công bố của Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 5/2013 cả nước có 48 dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội. Trong đó, tại Hà Nội có 21 dự án, bao gồm một số dự án lớn như CT2 Kim Văn Kim Lũ, AZ Thăng Long, 143 Trần Phú Hà Đông, CT01-CT02 của HUD tại Nam An Khánh, dự án HH3 của Sudico tại Nam An Khánh, Sunny Garden của C.E.O,…

Tại Tp.HCM có tổng số 24 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, một số dự án lớn như khu nhà ở Tân Kiên, khu căn hộ 584, khu dân cư Hưng Điền, Vĩnh Lộc A, Lê Thành, Anh Tuấn, Vạn Phát Hưng, Hoàng Quân Plaza, Hiệp Thành,…

Cũng mới đây thì hàng loạt dự án nhà ở xã hội động thổ, khởi công trên cả nước như Tây Nam Linh Đàm, Sunny Garden,…

Theo BIDV, với trách nhiệm của một NHTM lớn của Nhà nước, BIDV đăng ký và dành nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở. Theo đó, trong 2-3 năm đầu, trọng số cho vay đối với doanh nghiệp và người mua nhà dự kiến ở mức khoảng 60%/40%, sau đó giảm dần vào năm thứ tư khoảng 30%/70%.

Gần đây, trong buổi lễ động thổ dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm, đại diện BIDV cũng đã cam kết sẽ giải ngân khoảng 3000 tỷ cho HUD phát triển nhà xã hội trong 3 năm tới. Ngân hàng này cũng đã cam kết năm 2013 sẽ giải ngân khoảng 2700 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Cũng nằm trong kế hoạch triển khai cho vay theo chương trình này, Agribank  mới đây đã công bố danh sách 13 dự án mà ngân hàng này cam kết cho vay, trong đó Agribank cam kết giải ngân khoảng 400 tỷ đồng cho Sudico phát triển dự án nhà xã hội HH3 tại Nam An Khánh.

Và mới đây nhất, NHNN đã công bố 2 doanh nghiệp nằm trong danh sách tài trợ vốn qua tái cấp vốn là Hoàng Quân và Vicoland.

Theo đó, BIDV cho Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland vay 117.709.000.000 đồng để đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Ngoài ra, ngân hàng này cũng dành 540 tỷ cho Hoàng Quân vay để đầu tư dự án chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh.

Người dân nhọc nhằn với các thủ tục

Trong khi các DN đầu tư dự án nhà ở xã hội tiếp cận với gói tín dụng 30.000 tỷ này tương đối “dể thở”, thì người dân trực tiếp mua nhà xã hội lại gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận vốn vay bởi những rào cản trong xét duyệt hồ sơ với những yêu cầu khắt khe như điều kiện vay, tài sản thế chấp, hợp đồng 3 bên,…

Đối tượng, điều kiện vay được quy định khá rõ ràng trong 2 thông tư của NHNN và Bộ Xây dựng, tuy nhiên, trên thực tế thì người mua nhà lại đang vướng khá nhiều thủ tục để được ngân hàng giải ngân.

Thứ nhất, đối tượng thu nhập thấp: Mặc dù đối tượng vay vốn đã được quy định là Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân,...thuộc diện được vay vốn nhưng khi đến ngân hàng, nhiều trường hợp không được giải ngân, mà lý do theo các ngân hàng là vì đa phần các trường hợp thiếu xác nhận về thu nhập thấp.

Tuy nhiên, để tháo gỡ vấn đề này Bộ Xây dựng đã gửi công văn 1250 đến các ngân hàng để hướng dẫn thêm về điểm này. Theo đó Bộ Xây dựng cho biết: “cơ quan nơi đối tượng đang công tác xác nhận về nơi công tác và thực trạng về nhà ở theo mẫu quy định tại Phụ lục 1, Thông tư số 07/2013/TT-BXD và phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình, không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập”.

Thứ hai, tình trạng nhà ở: Khi Bộ Xây dựng không yêu cầu xác nhận điều kiện thu nhập thì người vay lại vướng “tình trạng nhà ở”. Theo phản ánh của đại diện một phòng giao dịch của BIDV tại khu Cầu Giấy thì đa phần người đến nộp hồ sơ vay vốn đều thiếu xác nhận về tình trạng nhà ở của cơ quan mình đang công tác nên không thể giải ngân.

Thứ ba, hợp đồng 3 bên: Người mua nhà thu nhập thấp,  nhà xã hội để được vay vốn ngân hàng thì bắt buộc phải có hợp đồng ký với chủ đầu tư, ngoài ra để đảm bảo việc dụng vốn vay đó sẽ trả nợ cho ngân hàng, tránh nợ xấu sau này thì phải ký kết hợp đồng 3 bên. Quy định này đã khiến rất nhiều hồ sơ đang bị "ngâm" tới gần tháng nay.

Thứ tư, phương án trả nợ: Những thủ tục, điều kiện rất khắt khe đã khiến nhiều đối tượng không thể tiếp cận nguồn vốn vay, mặc dù ngân hàng chấp nhận cho người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp  có thể dùng căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp đã hoàn thành hoặc sẽ hình thành trong tương lai để làm tài sản bảo đảm khoản vay với Ngân hàng.

Tuy nhiên, điều trớ trêu cho người thu nhập thấp là để được ngân hàng “rút hầu bao” thì họ phải chứng minh được phương án trả nợ khoản vay.

Theo một Giám đốc sàn BĐS lớn tại Hà Nội (xin giấu tên), đơn vị này đang phân phối khá nhiều dự án căn hộ thương mại đủ điều kiện được vay vốn từ gói 30.000 tỷ. Theo vị này ngay sau khi có thông tin ra gói tín dụng 30.000 tỷ đã có rất nhiều hồ sơ đăng ký mua căn hộ qua sàn của ông, họ đều chờ đợi để được giải ngân. Tuy nhiên, sau nhiều tuần đi vào thực tiễn thì không có khách hàng nào được giải ngân mặc dù hồ sơ đã gửi đến ngân hàng do vướng quá nhiều thủ tục.

Vì thế, nhiều khách hàng vì quá mệt mỏi với các giấy tờ, thủ tục nên họ đã quyết định vay vốn theo các chương trình ưu đãi theo lãi suất thông thường trên thị trường, cũng chỉ khoảng 9-10%.

Phạm An

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên