MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ninh Vân Bay muốn bán Six Senses Saigon River vì gánh nặng tài chính

Theo ông Hoàng Anh Dũng, Tổng Giám đốc Ninh Vân Bay hiện có 2 đối tác quan tâm đó là một nhóm nhà đầu tư Six Senses ở Trung Đông và đối tác khác do CBRE giới thiệu.

Tóm tắt:

- Six Senses Saigon River là dự án lớn của Ninh Vân Bay đang trong giai đoạn triển khai, nằm tại Bến Cộ, xã Đại Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai. Dự án được quy hoạch là một khu nghỉ dưỡng 5 sao có tổng diện tích 55,3ha, tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng.

- Hiện dự án đang để dở dang, trở thành gánh nặng tài chính cho Ninh Vân Bay. Trong khi đó, công ty này đang có khá nhiều khoản nợ như 230 tỷ trái phiếu phát hành 2014, 78,5 tỷ vay ngắn hạn và cá nhân khác,...


Ninh Vân Bay đang triển khai giai đoạn 1 có quy mô 32,5ha với tổng mức đầu tư 723 tỷ, gồm các hạng mục 150 căn biệt thự diện tích 600m2 đến 2000m2, khu trung tâm vui chơi giải trí với bể bơi 2 tầng; khu chiếu phim ngoài trời; khu vui chơi trẻ em; khu nhà hàng ẩm thực,…

Gánh nặng tài chính

Ông Hoàng Anh Dũng, Tổng giám đốc Ninh Vân Bay chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của công ty này mới đây thì sau khi xây dựng xong khoảng 42% giá trị gồm nhà và nền móng biệt thự, nay dự án đang tạm dừng xây dựng.

Dự án này hiện do công ty con của Ninh Vân Bay là Công ty TNHH Hai Dung đầu tư. Năm 2014 do có khoản nợ đến hạn, nên Ninh Vân Bay đã phát hành 230 tỷ đồng trái phiếu để cơ cấu lại khoản nợ của Công ty THNN Hai Dung đối với ngân hàng Techcombank. Ngoài ra, phần vốn dùng để duy trì triển khai các dự án của công ty con, công ty liên kết.

Kỳ hạn trái phiếu 3 năm kể từ ngày phát hành, lãi suất 12%/năm trong năm đầu, các kỳ tiếp theo là 3,5% cộng với lãi suất cơ bản của Techcombank. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của Công ty Hai Dung đối với lô đất tại Đại Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai; Quyền đòi nợ, các khoản phải thu, lợi nhuận từ việc khai thác quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền trên đất, trang thiết bị thuộc Dự án Six Senses Saigon River; Phần vốn góp của công ty Hai Dung, phần vốn góp của ông Hoàng Anh Dũng, ông Lê Xuân Hải tại Hai Dung và 4.590.000 cổ phần của Ninh Vân Bay tại Công ty CP Du lịch Hồng Hải.

Mặc dù đã phát hành thành công 230 tỷ trái phiếu trong năm 2014 nhưng phần lớn là để cơ cấu nợ, vì thế Ninh Vân Bay không đủ tiềm lực tài chính để đầu tư vào một dự án lớn, ngốn hàng trăm tỷ đồng. Ngay cả kế hoạch đầu tư 2015 của Ninh Vân Bay cũng chỉ dự toán đầu tư khoảng 9 tỷ cho Six Senses Saigon River.

Tại Đại hội cổ đông của công ty, ông Hoàng Anh Dũng cho biết: “năm 2014 Ninh Vân Bay phát hành 230 tỷ trái phiếu để cơ cấu nợ, HĐQT cũng rất mong muốn thoái vốn nhưng năm qua chưa quyết tâm, chưa tìm được đối tác. Năm nay HĐQT công ty quyết tâm hơn, và đã có quyết sách chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ dự án Six Senses Saigon River sang đất ở đô thị nhằm tăng tính thanh khoản. Cách thức là bán biệt thự và chuyển quyền khai thác. Hiện đang chờ Thủ tướng phê duyệt.”

Ông Dũng cho biết thêm, do khó khăn về vốn nên bản thân Ninh Vân Bay không có khả năng tăng vốn chủ sở hữu tại Công ty Hai Dung, do vậy HĐQT đề xuất là thoái vốn cho đối tác. Hiện có 2 đối tác quan tâm, đó là nhóm chủ đầu tư Six Senses ở Trung Đông và đối tác khác do CBRE đang giới thiệu.

Tiến thoái lưỡng nan

Vấn đề của công ty này hiện nay là vốn chủ sở hữu của Ninh Vân Bay tại các dự án thấp hơn nhiều so với tổng mức đầu tư. Chẳng hạn ở Emeralda Ninh Bình vốn chủ sở hữu 150 tỷ nhưng tổng mức đầu tư 500 tỷ, ở Six Senses Saigon vốn chủ sở hữu 110 tỷ nhưng tổng mức đầu tư 950 tỷ…

Trong khi đó, Ninh Vân Bay lại đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, một mặt thiếu vốn đầu tư cho các dự án để đưa vào kinh doanh và áp lực nợ nần, mặt khác muốn bán dự án nhưng tìm được đối tác mua cũng không hề đơn giản.

Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng lý do khiến hoạt động kinh doanh của Ninh Vân Bay kém hiệu quả là bởi công ty đã đầu tư vào nhiều dự án đúng vào giai đoạn khủng hoảng, lãi suất cao, do đó, chi phí vốn vào dự án rất lớn. Trong khi, dự án lại đang dở dang là gánh nặng tài chính cho công ty.

Cách thức nhanh chóng nhất đó là bán các dự án, thậm chí bán lỗ để thu hồi vốn, khắc phục yếu kém của công ty, thu nhỏ hoạt động lại, chỉ giữ dự án đang hoạt động có lãi,…làm như vậy thì Ninh Vân Bay lại không phát triển được.” ông Dũng nói

Đứng trước kho khăn về việc tìm đối tác bán dự án, hiện Ninh Vân Bay còn phải chịu áp lực khá lớn về nợ vay. Ngoài 230 tỷ trái phiếu lãi suất 12%/năm, công ty này còn khoản dư nợ 59 tỷ đồng vay ngắn hạn tính đến 31/12/2014 với lãi suất từ 15%-17%/năm; Và khoản vay 19,5 tỷ từ 3 cá nhân lãi suất 10,3 -10,5%/năm trong năm đầu tiên; khoản vay 227.966 USD từ Ngân hàng Oceanbank chi nhánh Nha Trang, lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 48 tháng kể từ tháng 10 năm 2013.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Ninh Vân Bay không mấy khả quan, 4 năm gần đây liên tục lỗ và sụt giảm lợi nhuận. Năm 2011 lỗ hơn 85 tỷ, 2012 lỗ hơn 72 tỷ, 2013 lãi hơn 39,7 tỷ, năm 2014 lãi hơn 25,6 tỷ nhưng dự kiến 2015 lợi nhuận chỉ đạt khoảng 9 tỷ.

Đối với Ninh Vân Bay hiện nay có 2 giải pháp hoặc là chuyển phần vốn vay hoặc tăng vốn chủ sở hữu. Vừa qua công ty này cũng đã tiếp xúc một số đối tác nhưng chưa thành công, trong năm 2015 chắc chắn HĐQT của Ninh Vân Bay sẽ phải đẩy mạnh động thái này. Chuyển nhượng bớt dự án hiện tại là một trong những giải pháp được Ninh Vân Bay đặt ra nhằm tăng hiệu quả kinh doanh trên cơ sở các nguồn lực hiện có.

Gia Bảo

Kiều Thuật

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên