MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Lọt hố game - Bay nửa gia tài

Một nhà đầu tư bình thường thì việc dùng margin không khác nào tự sát.

Bay nửa gia tài có lẽ là nỗi đau lớn bậc nhất của mỗi một nhà đầu tư. Trải qua rồi, ngấm nhức nhối và trị thương đủ rồi, nhà đầu tư Bùi Thị Hải Yến đã sẵn sàng chia sẻ việc mình bị lọt hố game như thế nào.

Kính mời quý độc giả đọc bài Lọt hố game - Bay nửa gia tài và đừng quên gửi bài dự thi cho chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn

***

Bất chấp kết quả kinh doanh đi xuống thảm hại, định giá đắt đỏ, tôi liên tục mua vào DRC. Để chỉ 2 tháng sau đó phải đau đớn cắt lỗ 50%.

DRC - cổ phiếu bị định giá cao trong khi kết quả kinh doanh đi xuống không phanh

Kết thúc năm tài chính 2017, DRC có kết quả kinh doanh tồi tệ nhất kể từ sau năm 2008, với doanh thu đạt 3.831 tỷ (+8,3% yoy) nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 166 tỷ (-58,1% yoy). Đáng nghiêm trọng hơn là tình trạng kết quả kinh doanh giảm liên tục 7 quý liền từ quý 2/2016 đến cuối năm 2017. Dấu hiệu giảm chưa có hồi kết, thậm chí tình hình ngày càng trầm trọng khi nửa năm 2017, DRC chỉ đạt có 56 tỷ giảm 74% so với cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ:

Thứ nhất: Cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm Trung Quốc.

Điều này dẫn đến giá bán giảm rất mạnh đến mức cho dù giá cao su tự nhiên (nguyên liệu đầu vào chiếm trên 60% giá vốn) liên tục tìm đáy thì DRC vẫn giảm biên lợi nhuận rất mạnh từ 20% năm 2016 xuống còn quanh 12% của năm 2017 & 2018

Thứ hai: Giá Carbon đen liên tục tăng cao.

Carbon đen là nguyên liệu chiếm khoảng 20% giá vốn hàng bán của DRC. Do vậy khi giá Carbon đen tăng liên tục góp phần làm tăng chi phí giá vốn.

Thứ ba: Chi phí đầu tư nhà máy Lốp Radian của DRC cao

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Lọt hố game - Bay nửa gia tài - Ảnh 1.

Bảng tóm tắt tình hình tài chính của DRC

Mặc dù tôi nhận thức được rằng với kết quả kinh doanh tệ hại và dự báo còn tiếp tục giảm mạnh vào các năm tiếp theo, thì định giá P/E = 20,1 lần và P/B = 2,3 lần là rất cao đối với DRC.

Vi phạm nguyên tắc đầu tư

Nếu tuân thủ theo nguyên tắc đầu tư của mình, tôi sẽ không bao giờ đầu tư DRC với cái giá 28.000đ/cp. Thế nhưng ngay lúc đó tôi được chia sẻ một thông tin liên quan đến DRC từ nguồn đáng tin cậy, đó là một Big game "Công ty mẹ của DRC - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chuẩn bị thoái vốn và đặc biệt người mua là VinGroup hoặc Trường Hải".

Ngay lúc đó tôi nghĩ đây chính là cơ hội hiếm có. Nếu Vin hay Trường Hải mua DRC cũng đều đảm bảo đầu ra cho toàn bộ sản phẩm của DRC và khi đó DRC sớm sẽ quay trở lại thời hoàng kim mà thôi. Bởi:

- Vingroup của Mr. Vượng đang lên như diều gặp gió: "VIC bán cổ phần và niêm yết tại VRE hay thông tin bán VHM cho đối tác, thu được cả gần chục tỷ USD". Mặt khác, nhà máy Vinfast là niềm tự hào về thương hiệu xe điện thay thế xe xăng, "ô tô của người Việt với công suất dự kiến hàng trăm nghìn chiếc xe điện và 500.000 chiếc ô tô mỗi năm". Như vậy cầu mỗi năm của Vinfast về lốp ô tô và lốp xe điện lên đến vài triệu chiếc.

- Trường Hải: Hiện đang là nhà lắp ráp sản xuất Ô tô của hàng chục thương hiệu bán chạy nhất và chiếm thị phần ô tô lớn nhất Việt Nam với gần 40%. Hiện THA tiếp tục mở rộng không ngừng về quy mô lắp ráp và sản xuất xe. Như vậy THA trong tương lai cũng cần cả triệu lốp xe mỗi năm.

Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu ô tô của người Việt chỉ là 18 xe/1000 dân, chưa bằng 1/10 của Thái Lan (200 xe/1000 dân). Điều này cho thấy dư địa còn rất lớn, và ngành săm lốp sẽ có điều kiện phát triển rất tốt trong tương lai.

Tôi đã rất nhiều lần nhận được thông tin về các game tương tự như VNM, SAB … nhưng đều bỏ lỡ. Do vậy, lần này tôi quyết tâm không thể bỏ qua cơ hội như này. Lòng tham trỗi dậy khiến tôi như mất đi lý trí và quên luôn nguyên tắc của bản thân: "không đầu tư vào cổ phiếu bị định giá cao và có tình hình kinh doanh đi xuống". Lúc này một chút lý trí còn sót lại trong tôi cũng bị gặt phăng bởi lòng tham, và bị phủ nhận bằng sự an ủi của tin đồn.

Sai một li – Đi ngàn dặm

Tôi đã bán bớt một ít cổ có sẵn trong tài khoản để quyết định chơi lớn, sử dụng toàn bộ 500 triệu đồng và dùng margin tỷ lệ 1:1 mua full tài khoản 1 tỷ đồng cổ phiếu DRC với giá 28.000đ được 35.500 cổ phiếu vào ngày 14/03/2018.

Sau đó nửa tháng, có những lúc tôi đã lãi được hơn 8% so với giá mua, tương ứng với lợi nhuận sau khi trừ phí margin là 15%. Nó đang đi đúng hướng mà tôi mong muốn, tôi cảm thấy may mắn về quyết định của mình. Nếu tình hình mà tiếp tục giá DRC có thể lên 4x -5x là bình thường, và lúc đó tôi có thể lãi được 300-500tr là điều không còn xa nữa.

Thế nhưng cả một thời gian dài sau đó thông tin công bố về thoái vốn thì chẳng thấy đâu trong khi KQKD của DRC được công bố gây thất vọng vô cùng. Do vậy DRC sau khi đạt đỉnh ngày 02/04/2018 đã liên tục đi xuống và chìm trong biển máu cùng với sự lao dốc của VNINDEX. Thị trường rơi vào trạng thái hoang mang cực độ, tâm lý tôi cũng bất ổn vô cùng, vài ngày sau đó tôi phải đau đớn bán bớt để tránh giải chấp do không còn tiền nộp vào.

Ngày 16/04/2018 tôi bắt đầu phải bán 5,5k cổ phiếu DRC giá 25.400đ/cp.

Ít ngày sau, cổ phiếu DRC tiếp tục giảm mạnh và tôi phải bán 2 lần nữa, mỗi lần 5k cổ phiếu để tránh giải chấp với giá trung bình là 22.300đ/cp.

Mọi chuyện chưa dừng ở đó, cổ phiếu tiếp tục giảm giá, cuối cùng không thể chịu được nữa, dưới áp lực tâm lý và áp lực của sự bào mòn tài khoản. Đầu tôi lúc nào cũng căng như dây đàn, ngồi cả ngày nhìn màn hình nhấp nháy. Thế nhưng thị trường chứng khoán thì liên tục lao dốc. Nỗi sợ hãi, stress, mệt mỏi lên đến đỉnh điểm, tôi đã bán 20k cổ phiếu còn lại với giá 20.000đ/cp vào ngày 21/05/2018, kết thúc một deal lỗ lớn nhất trong thời gian đầu tư chứng khoán của mình một cách cay đắng.

Tôi đã lỗ tổng cộng 248.9 triệu đồng trên tổng cộng 500 triệu đồng, tương đương lỗ gần 50%, trong đó lỗ:

- 231.3 triệu đồng tiền lỗ do giảm giá cổ phiếu

- 4.5 triệu đồng tiền phí giao dịch và thuế

- 13.1 triệu đồng tiền lãi vay margin

Chỉ vì một "Big game đồn thổi", tôi đã bất chấp nguyên tắc của mình và phải trả giá đắt. Một bài học đau đớn trị giá gần 250 triệu đồng.

Đúng là tham thì thâm, sai một li không còn đi một dặm nữa mà là trôi ngàn dặm. Bình thường tôi có tính tiết kiệm, không dám tiêu nhiều, thế mà chỉ vì cả tin vào một tin đồn thổi, chỉ vì tham lam mà tôi đánh mất nửa gia tài của mình chỉ trong vòng hơn 2 tháng ngắn ngủi.

Bài học rút ra

Thứ nhất: Không đầu tư cổ phiếu chỉ dựa trên các tin đồn đoán trên thị trường

- Xác suất thông tin sai lệch là rất cao, tam sao thất bản hoặc có thể đây chỉ là một chiêu đồn thổi ra bên ngoài của một kẻ nào đó nhằm mục đích chuộc lợi, đẩy giá thoát hàng.

- Nếu thông tin có chính xác đi chăng nữa thì khi đến tai chúng ta - những nhà đầu tư cá nhân thì thông tin này cũng qua rất nhiều tầng lớp rồi. Khi đó giá cũng đã cao và cơ hội đã trở thành rủi ro.

- Đầu tư theo game đội lái cho dù là những người đầu tiên thì đội lái cũng thường xuyên hỏng deal do đó cũng rất nguy hiểm (việc làm giá cổ phiếu của các đội lái cũng phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường, các cổ đông khác, sự phối hợp giữa đội lái và lãnh đạo công ty, margin do công ty chứng khoán cấp …).

Thứ hai: Hạn chế dùng margin trong đầu tư cổ phiếu

- Lãi suất margin rất cao. Lãi margin thường khoảng 14%, nếu margin tỷ lệ cao khoảng 16% - 22%, cao gấp 2-3 lần lãi suất ngân hàng; cao hơn rất nhiều so với lợi suất trung bình của thị trường chứng khoán (12,8%/năm trong 18 năm qua).

- Đặc biệt, người thành công về chứng khoán nhất thế giới như ngài Warren Buffett cũng không dùng margin để mua cổ phiếu trong suốt sự nghiệp của ông. Tính đến cuối năm 2017, lợi suất trung bình mỗi năm ông đạt được là 19,7%, cũng chỉ tương đương với mức lãi margin đó mà thôi. Do đó, một nhà đầu tư bình thường thì việc dùng margin không khác nào tự sát.

- Dùng margin của các công ty chứng khoán hoặc các kho margin thường chỉ cho chúng ta một hạn vay nhất định. Sau đó chúng ta phải giao dịch hoặc đảo nợ, điều này gây ra tốn rất nhiều phí giao dịch, phí vay và thuế.

- Vay nợ đầu tư cổ phiếu tạo ra cho chúng ta rất nhiều áp lực nếu diễn biến thị trường xấu. Điều này có thể là tác nhân gẫy nhiễu, ảnh hưởng tâm lý đầu tư và tạo nên nhiều quyết định vội vàng.

Thứ ba: Nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc đầu tư mà chúng ta đã trải nghiệm và đúc kết

Các nguyên tắc đầu tư đúng đắn được bản thân đúc kết từ các kinh nghiệm xương máu nên được tuân thủ nghiêm ngặt và bên cạnh đó không ngừng hoàn thiện nó. Việc phá vỡ các nguyên tắc đó trong một vài trường hợp có thể đem đến cho chúng ta lợi ích ngắn hạn, nhưng xét về dài hạn nó sẽ mang lại rất nhiều rủi ro và hiệu quả đầu tư giảm sút.

Hi vọng kinh nghiệm thất bại của bản thân tôi cũng như những bài học của cá nhân có thể giúp ích các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị sa đà trở thành quân tốt của các big game của các thành phần tổ lái.


Tuệ San

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên