MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Tôi đã quyết "ôm lâu" cổ phiếu VCG và lỗ đau như thế nào?

VCG liên tục điệp khúc "3 giảm 1 nhích nhẹ, khiến lòng tôi như có kiến lửa đốt. Cái suy nghĩ đầu tư lâu dài dần bị lung lay. Tôi đã cố không quan tâm đến cổ phiếu đó, dồn sự chú ý sang các cổ phiếu khác, nhưng sự kiên nhẫn của tôi dần tan biến. Chỉ trong 1 tháng, tôi đã bay hơn 30% tài khoản.

Trong chúng ta, mỗi khi đầu tư thì ai cũng phải tự đặt ra câu hỏi cho mình: Phần nào lướt, phần nào ôm?”. Chúng ta cố gắng tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc và tỷ lệ đó, nhưng trên thực tế rất ít người làm đúng được như vậy.

Một lần mất tiền cay đắng gần đây của tôi chính từ nguyên nhân đó. Trong số các công ty niêm yết ở Việt Nam, có nhiều công ty tốt, đáng để chúng ta giữ cổ phiếu lâu dài. Tôi cũng đã hưởng lợi từ một số cổ phiếu như thế. Vấn đề ở đây là chúng ta mua lúc nào và bán lúc nào. Nếu mức giá ta mua vào quá cao thì dù giữ đến chục năm cũng vẫn lỗ.

Tôi vẫn thường tìm đọc những lời khuyên, tìm hiểu phong cách đầu tư của những nhà đầu tư nổi tiếng. Trong đó, câu nói của "Nhà hiền triết xứ Omaha" Warren Buffett làm tôi tâm đắc nhất. Ông nổi tiếng về thời gian dài giữ cổ phiếu, và bán vào những thời điểm chính xác. Nhưng vấn đề ở đây là tâm thế bình tĩnh đến kỳ lạ trước biến động ngắn và trung hạn của cổ phiếu. Tôi đã từng đọc đi đọc lại lời khuyên của ông "Nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi nắm giữ cổ phiếu trong 10 năm, bạn không nên nắm giữ nó trong 10 phút. Khoảng thời gian mà tôi thích nắm giữ cổ phiếu là mãi mãi".

Vậy mà tôi lại thua lỗ nặng vì nắm giữ cổ phiếu. tôi sai trong cả cách chọn cổ phiếu và thời điểm mua vào. Cổ phiếu tốt thì tôi lại bán nhanh, cổ phiếu xấu thì tôi lại cố ôm, kết quả là lỗ càng thêm lỗ. Vấn đề ở đây là do quá chú tâm vào việc nắm giữ, tôi quên mất rằng để đưa ra được sự lựa chọn cổ phiếu, các bậc hiền nhân đã phải nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, còn tôi chỉ xem qua, nghe theo "phím" đã vội xuống tiền. Do đó, việc tôi thất bại cũng không có gì quá ngạc nhiên.

Khi đó, tôi nghiên cứu khá kỹ các cổ phiếu đầu ngành và rút ra kết luận, nếu ta chọn đúng thì dù thị trường có xuống ta cũng không lỗ quá nhiều. tốt nhất, an toàn nhất chính là đầu tư các cổ phiếu đầu ngành, hoặc có sức ảnh hưởng lớn đến một ngành nào đó. Với suy nghĩ đó, tôi đã mua cổ phiếu VCG với ý định đầu tiên là lướt kiếm chút đỉnh, lỡ xui xẻo thì giữ luôn đó cũng chẳng sao. Và đó là suy nghĩ chết người khiến tôi cứ lỗ dù không làm gì.

Vâng, càng ôm thì càng lỗ, càng mất tiền. Do VCG cứ thế mà giảm sau vài ngày mua, tôi quyết định giữ luôn. Dù sao đó cũng là công ty lớn, có ảnh hưởng tới ngành xây dựng, lại có cơ cấu rộng lớn và nhiều hoạt động kinh doanh nổi bật. "Nếu nắm cổ phiếu một công ty thế này thì cứ yên tâm mà ôm thôi", chú gà con đã nghĩ như vậy.

Rồi VCG tiếp tục điệp khúc "3 giảm 1 nhích nhẹ, khiến lòng tôi như có kiến lửa đốt. Cái suy nghĩ đầu tư lâu dài dần bị lung lay. Tôi đã cố không quan tâm đến cổ phiếu đó, dồn sự chú ý sang các cổ phiếu khác, nhưng sự kiên nhẫn của tôi dần tan biến. Chỉ trong 1 tháng, tôi đã bay hơn 30% với cái nguyên tắc bảo thủ, càng ôm tôi càng nhận ra cái sai lầm của mình khi mua sai thời điểm.

Đến lúc đó, vô số lời khuyên từ đàn anh đến bạn bè đều nói tôi nên cắt lỗ, không nên quá cố chấp. Tôi ngày càng lung lay với quyết định giữ lâu dài của mình, rồi đến một ngày không chịu nổi, tôi đã bán VCG và chốt số "lỗ" của mình. Bao nhiêu thành quả kiếm được từng chút một từ trước đến nay đã tan thành mây khói chỉ vì tính cố chấp không chịu cut loss. Đến tận bây giờ khi nghĩ lại về hồi đó, tôi vẫn tự hỏi sao mình cố chấp đến vậy, không chịu lui ra xa một chút để nhìn lại bản thân mình. Biết ôm là lỗ mà cứ ôm, biết cắt lỗ thì sẽ không lỗ nhiều nhưng tôi đã không đủ dũng cảm để "hiện thực hóa" số lỗ. Bài học từ lần mất tiền đó đã được rút ra, đó là "đã nhát tay thì đừng có mua, đã mua thì đừng nhát tay cắt lỗ".

Trong quãng thời gian đầu tư, tôi đã ôm nhiều cổ phiếu của nhiều nhóm ngành khác nhau. Nhưng tựu chung lại thì những cổ phiếu tôi ôm hầu như không có lãi, lãi chủ yếu đến từ lướt sóng. Vậy tại sao đầu tư vào cổ phiếu cơ bản tốt, đầu ngành lại sai lầm? Tất cả vì tính thời điểm và sự nhát tay của một nhà đầu tư còn non.

Đinh Thành Trung

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên