MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị xã thuộc tỉnh đông dân nhất ĐBSCL, có cửa khẩu đường sông duy nhất trên biên giới Việt Nam - Campuchia sẽ lên thành phố

Đến năm 2030, thị xã Tân Châu là đô thị loại III, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh An Giang.

Thị xã thuộc tỉnh đông dân nhất ĐBSCL, có cửa khẩu đường sông duy nhất trên biên giới Việt Nam - Campuchia sẽ lên thành phố- Ảnh 1.

Theo quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, thị xã Tân Châu là đô thị loại III trở thành thành phố trực thuộc tỉnh; sau năm 2030, đạt tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại II.

Đồng thời, thị xã Tân Châu là đô thị động lực phía Bắc của tỉnh, tập trung phát triển về kinh tế biên giới: thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, đầu mối giao thương quốc tế tại cửa khẩu Vĩnh Xương.

Theo bản quy hoạch này, thị xã Tân Châu thuộc Vùng kinh tế - xã hội phía Đông, sẽ tập trung sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hàng hóa quy mô lớn của tỉnh; các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, trung chuyển hàng hóa với thị trường Vương quốc Campuchia (qua cửa khẩu Vĩnh Xương và Khánh Bình).

Về vị trí, Tân Châu là thị xã biên giới, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh An Giang. Đây là địa phương đầu nguồn con sông Tiền, có đường biên giới dài 6,33 km giáp với tỉnh Kandal, Campuchia với cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương - cửa khẩu đường sông duy nhất trên biên giới Việt Nam và Campuchia. Khu vực này chính là cửa ngõ giao thương kinh tế quan trọng của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông như Campuchia, Lào, Trung Quốc.

Về kinh tế, những năm qua kinh tế của thị xã này có những tăng trưởng mạnh, đặc biệt là xuất nhập khẩu. Riêng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các loại hình hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đạt hơn 884,5 triệu USD (tăng 43,95% so năm 2022). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 80,02% kế hoạch.

Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt 68,3 triệu đồng, tăng 3,2 triệu đồng so năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,48% (202 hộ), vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, hộ cận nghèo giảm 4,45% (969 hộ).

Về giao thông, hàng loạt các tuyến đường mang tính kết nối, tiêu biểu, gồm: Đường kênh Thần Nông đến huyện Phú Tân và Quốc lộ 91 trong trục giao thông Bắc - Nam của thị xã. Trong khi đó, tuyến đường nối 2 phường Long Thạnh và Long Sơn với Tỉnh lộ 954 đang thi công với nhiều kỳ vọng tương lai. Bởi, tuyến tránh này sẽ kết nối với Tỉnh lộ 953 đi TP. Châu Đốc và Tỉnh lộ 954 đi huyện Phú Tân trong trục giao thông Đông - Tây.

An Giang sẽ có 3 thành phố

Cũng theo quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.

Thị xã thuộc tỉnh đông dân nhất ĐBSCL, có cửa khẩu đường sông duy nhất trên biên giới Việt Nam - Campuchia sẽ lên thành phố- Ảnh 2.

Về kinh tế, An Giang phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 20%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 25%; khu vực dịch vụ khoảng 50%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 5%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng. 

Về xã hội, dân số tăng bình quân 0,9%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 39%. Tỷ lệ đô thị hóa trên 50%.

Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN; bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Phấn đấu đến năm 2030, khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định, toàn tỉnh có 27 đô thị, gồm: 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại III, 12 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V.

Ngoài thị xã Tân Châu sẽ lên thành phố, thành phố Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Thành phố Châu Đốc là đô thị xanh, hiện đại; là trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch cấp quốc gia gắn với quốc phòng - an ninh, tạo động lực hỗ trợ các huyện vùng Bảy Núi phát triển.

Thị xã Tịnh Biên là đô thị biên giới của tỉnh, đầu mối giao thương quốc tế qua cửa khẩu Tịnh Biên, liên kết chặt chẽ với tuyến hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên và hành lang biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu; là trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Các đô thị còn lại đóng vai trò là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội các đơn vị hành chính cấp huyện.

Nhật Minh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên