MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời bao cấp những "đường dây" buôn bán tư nhân với Liên Xô và Đông Âu hoạt động như thế nào?

Trên nguyên tắc việc xuất nhập khẩu (XNK) của tư nhân vào thời kỳ cuối thập kỷ 70 và trong suốt thập kỷ 80 là điều không thể có vì Nhà nước thực hiện độc quyền ngoại thương từ năm 1959. Nhưng cuối thập kỷ 70, đã xuất hiện những kênh XNK tư nhân với những lượng hàng khá lớn. Kênh này không phải là kênh chính thức, nhưng cũng không phải bất hợp pháp.

Nó được thực hiện bởi cá nhân người Việt Nam xuất nhập cảnh vì những lý do chính thức như đi học, đi công tác, xuất khẩu lao động, lái xe quá cảnh.

Những kênh XNK này rất đa dạng: Buôn bán của những người đi Liên Xô và các nước XHCN, buôn bán của những thủy thủ tàu Vosco, buôn bán của những lái xe quá cảnh đi Lào, đi Campuchia, buôn bán qua biên giới Trung Quốc.

Cuộc buôn bán với Liên xô và Đông Âu gắn liền với những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Đó là những khó khăn của Việt Nam từ 1979, việc xuất khẩu lao động như một tất yếu để trả nợ cho những món tiền đã vay và giải quyết nạn thất nghiệp trong nước, sự nứt rạn trong bản thân cơ chế kinh tế của các nhà nước XHCN, những cơ chế thông thoáng trong nước từ đầu thập kỷ 80 cho phép có thể khai thác những nguồn hàng mang đi như một phương tiện thanh toán không thể thiếu để có hàng mang về. Nó đã có nhiều tác dụng, cả tiêu cực lẫn tích cực, trong việc kích thích nền kinh tế Việt Nam.

Giai đoạn tiền sử

Thực ra trao đổi hàng hóa từ Liên Xô và các nước Đông Âu về nước thực ra cũng đã có lác đác từ rất lâu, nhưng không mang tính chất thương nghiệp.

Từ 1955, Nhà nước đã cử người đi các nước Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp, Cộng hòa Dân chủ Đức, Bungari, Rumani, Bungari, Ba Lan… Họ thường là học sinh, sinh viên, cán bộ được cử đi học.

Ở giai đoạn này, sự hạn chế chủ yếu là do sức mua của bản thân những người đi nước ngoài. Lúc này, họ không có nhiều tiền để mua sắm nhiều hàng hóa. Hàng mang đi gần như không có gì. Sức mua hoàn toàn chỉ lệ thuộc vào học bổng những người đi học,hay sinh hoạt phí của người đi công tác mà nước ngoài tài trợ theo định mức.

Thời kỳ bão táp

Thời kỳ bão táp bắt đầu từ những năm 1979-1980 và lên đến đỉnh cao vào những năm từ 1983-1984 cho tới khi Liên Xô sụp đổ, thậm chí còn kéo dài thêm một số năm sau đó nữa.

Đây là thời kỳ Việt Nam bắt đầu vào khối SEV. Số chỉ tiêu cho sinh viên và người đi học tiếp tục tăng lên. Các Bộ hằng năm đều cử cán bộ tham quan, học tập. Cũng từ thời kỳ này, Việt Nam đã quyết định xuất khẩu lao động. Trong vòng 10 năm (1980-1990) đã có 277.183 người đi lao động có thời hạn ở nướcngoài.

Từ những năm 1983-1984, xuất khẩu lao động bắt đầu phát triển sang cả khu vực II: Iraq, Algérie, Congo... Số lao động và chuyên gia sang làm việc ở khu vực II, cho đến năm 1990 là 19.301 người.

Trừ các khoản phải đóng góp và chi phí cho sinh hoạt hằng ngày, trung bình mỗi năm 1 người lao động còn tiết kiệm được một khoản tiền khoảng 1.000 USD, chưa kể các khoản thu khác ngoài lương.

Phần lớn số tiền đó không được chuyển trực tiếp về nước, mà chuyển về dưới hình thức các hàng hóa. Như vậy, với trên 250 ngàn người lao động ở các nước XHCN, hằng năm có một lượng hàng tối thiểu tương đương với 250 triệu USD được gửi về nước, mà hầu hết là các hàng tiêu dùng.

Con số đó có ý nghĩa rất quan trọng, nếu so sánh với tổng mứcnhập khẩu hằng năm của những năm nửa đầu thập kỷ 80 chỉ vào khoảng 1,4-1,5 tỷ USD.

Đây chính là nhân tố quan trọng nhất làm cho lực lượng buôn bán tư nhân với các nước XHCN đột ngột tăng lên.

Cũng từ đầu thập kỷ 80, Việt Nam bắt đầu nới lỏng một số thể chế kinh tế. Việc liên doanh liên kết, chế độ ba kế hoạch ra đời từ Quyết định 25-CP của Chính phủ, cơ chế nhiều giá trong kinh doanh đã tạo điều kiện để huy động và khai thác hàng mang đi cũng như tiêu thụ những hàng nhập về.

Về phía các nước Liên Xô và Đông Âu, thời kỳ này cũng bắt đầu có một quá trình chuyển đối. Những khó khăn kinh tế của Liên Xô và các nước Đông Âu đã buộc người dân và cả các tổ chức kinh tế các nước này cũng phải tự bung ra.

Để có thể mua được hàng mang về thì phải có tiền rúp, mác, currone, zloty, leva... Để có loại tiền này, chỉ có một con đường duy nhất là mang hàng sang bán. Như vậy, thị trường hàng xuất là tiền đề số một của thị trường hàng nhập.

Tuỳ theo từng thời kỳ, mặt hàng xuất có khác nhau: Quần bò Thái, áo phông Thái, đồng hồ Quartz của Hongkong hoặc của Thái Lan; kính râm của Sài Gòn hoặc Thái Lan; son, phấn và bút chì vẽ mắt của Thái Lan; áo kimono bằng lụa tơ tằm Việt Nam...

Một cách bán hàng tại Nga (Báo Văn nghệ, số ra ngày 23/02/1985)

Một cách bán hàng tại Nga (Báo Văn nghệ, số ra ngày 23/02/1985)

Sức hấp dẫn của việc đánh hàng đi thể hiện qua mức lãi suất. Ví dụ ở thời điểm tháng 5/1990 khi đó tỷ giá là 16,5 rúp/USD và 6.100 đồng/USD thì: 1 cassette mini mua ở Việt Nam giá 300 ngàn đồng, tương đương 49 USD, sang Liên Xô bán được 1.700 rúp, tức trên 100 USD; 1 bộ váy bò Thái Lan mua ở thị trường Hà Nội là 40 ngàn đồng tương đương 8 USD, sang Liên Xô bán buôn là 390 rúp, bán trực tiếp cho người tiêu dùng là 400 rúp, tức 31-32USD.

Nhưng vào những năm đầu thập kỷ 80 thì Nhà nước chưa hề cho phép tư nhân được xuất khẩu hàng hóa.

Tất cả hàng hóa mang đi, về nguyên tắc, chỉ được coi là hành lý cá nhân trên đường đi công tác. Do vậy, hàng hóa xuất khẩu đều phải núp dưới hình thức hành lý cá nhân: một số đồng hồ, một ít quần áo, một vài bộ trang sức để làm quà...

Nhưng trong thực tế thì những người đi lao động xuất khẩu thường có rất nhiều hình thức để vượt mức quy định của Nhà nước.

Cụ thể người ta phải mặc 2-3 chiếc quần bò để làm thủ tục xuất cảnh, mắc tới 5-6 chiếc áo phông để làm thủ tục lên máy bay. Đồng hồ người ta có thể giấu trong túi áo, túi quần hoặc trong hành lý và đeo 4-5 chiếc trên tay, có khi đeo cả lên tận cánh tay.

Sao bác phải đeo nhiều đồng hồ thế/ Ồ, tôi đi qua rất nhiều múi giờ khác nhau. (Báo Văn nghệ, ngày 23/08/1985)

Sao bác phải đeo nhiều đồng hồ thế/ Ồ, tôi đi qua rất nhiều múi giờ khác nhau. (Báo Văn nghệ, ngày 23/08/1985)

Cũng có một số cá nhân đã thông đồng với một số nhân viên hải quan để có thể đem được những số lượng lớn hàng qua cửa khẩu. Còn phần lớn những người lao động xuất khẩu và cán bộ hay học sinh chỉ đem được những khối lượng nói chung không quá 1.000 USD.

Nhưng với số lượng người đi lớn nên tổng số lượng hàng được xuất khẩu là một khối lượng đáng kể.

Từ giữa thập kỷ 80, đã dần dần thành những đường dây liên hệ có tổ chức ở cả hai phía. Đã có những đường dây để chuyển những lô hàng lớn từ trong nước ra nước ngoài bằng đường biển, theo những container lớn.

Thị trường hàng nhập trái ngược với thị trường hàng xuất ở chỗ: khâu khó khăn nhất lại là khâu mua hàng. Đối với hàng xuất thì việc mua hàng như quần bò, áo phông, đồ trang sức ở Việt Nam không gặp một khó khăn nào, miễn là có tiền. Nhưng, việc mua tại Nga, Đức Tiệp thì không đơn giản.

Thời kỳ đầu khi số người mua không nhiều, số tiền tung ra để mua cũng không lớn, chưa đủ sức gây ra những mất cân đối giữa cung và cầu.

Nhưng khi số người Việt Nam sang quá đông, họ mua vét hàng quá nhiều, thì sự mất cân đối đã phát sinh. Nhiều cửa hàng đã đưa ra biện pháp bằng cách treo bảng không bán hàng cho người Việt Nam. Nhưng biện pháp đó không bao lâu cũng bị hủy bỏ, vì người Việt Nam nhờ người Nga đi mua hộ.

 Cảnh xếp hàng ở Liên Xô thời ấy

Cảnh xếp hàng ở Liên Xô thời ấy

Tuy nhiên, đến cuối thập kỷ 80, hàng về không còn được ưa chuộng lắm, vì giá bán tại gốc ở các nước sản xuất cung đã nâng cao lên, lãi mang về không nhiều.

Do đó, phát sinh một mâu thuẫn ngược lại với mâu thuẫn của thời kỳ trước. Trước đây, người dân khổ sở vì không có tiền mua hàng. Bây giờ, số tiền thu được do bán hàng từ Việt Nam sang lại lớn hơn nhiều lần so với khả năng nhập hàng về nước.

Để khắc phục sự mất cân đối này, những nhà buôn Việt Nam lại phải mở những "cửa" để chuyển tiền về nước dưới dạng đô la, vàng, bạc và bạch kim.

Đình Phương (Lược ghi)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên