MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nhập tỉnh thành “mỗi nơi một phách”

04-12-2013 - 11:18 AM | Xã hội

Theo báo cáo (PEII) vừa được công bố cuối tuần qua đã đưa ra cái nhìn khá toàn cảnh về mức độ hội nhập của các tỉnh thành tại Việt Nam, sau gần một thập kỷ đẩy mạnh phân cấp.

Nhiều phát hiện thú vị

Lần đầu tiên thực hiện báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương (PEII) vào năm 2010, nhóm nghiên cứu gặp nhiều khó khăn do phương pháp đo lường khác nhau, mỗi tỉnh một phương pháp thống kê khác nhau, báo cáo khác nhau.

Thống kê của các cơ quan như Cục Xúc tiến thương mại, Cục Đầu tư nước ngoài cũng chỉ đưa ra dữ liệu thứ cấp, không phải phản ánh đời sống. Nhóm nghiên cứu phải tiến hành tìm hiểu thêm vấn đề quan điểm của người dân và doanh nghiệp về năng lực hội nhập.

Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Thành Trung nói bài toán đặt ra là phải làm sao có một phương pháp thống nhất, có kết quả đồng nhất để so sánh giữa các địa phương.

Có nhiều yếu tố để đánh giá các tỉnh như thu hút vốn đầu tư cho phát triển, thu hút được tri thức, nhân lực chất lượng cao đến địa phương, thúc đẩy thương mại, đặc biệt là xuất khẩu, sản xuất cho vùng khác và xuất khẩu cho thế giới, thu hút nguồn lực nước ngoài đến địa phương, sự dịch chuyển nguồn lực này sẽ tạo ra bức tranh khác biệt so với địa phương khác. Tuy nhiên, có những khó khăn lớn trong việc điều tra.

Mặt khác, lường trước phản ứng các địa phương khi thứ hạng so sánh cao thấp, ví dụ lĩnh vực văn hóa, khó mà nói địa phương này văn hóa hơn văn hóa khác. Trong khi đó, đối với đầu tư, có sự khác biệt quá xa giữa các chỉ tiêu, vốn đăng ký, vốn giải ngân, vốn pháp định...

“Một số tỉnh thành chỉ cần thu hút vài tỷ USD thì “lên hạng” khá nhiều ở chỉ tiêu về thu hút FDI, nhưng con số giải ngân thực sự thì các địa phương lại không nắm được”, ông Trung nói.

Một ví dụ được các chuyên gia nhắc tới là quy định dự án có casino phải đăng ký 4 tỷ USD trở lên. Trên thực tế, khi các địa phương trình dự án thì đều đăng ký trên 4 tỷ, thực chất chỉ để cho cấp phép, trong khi vốn thực sự thì “chưa chắc”. Năng lực thẩm thấu vốn, tiêu tiền ở các tỉnh rất hạn chế, không thống kê được.

Tuy nhiên, dường như các tỉnh đều có một điểm chung là phải đối mặt với lựa chọn giữa các mục tiêu ngắn hạn, đơn giản là vì hầu hết lãnh đạo tỉnh thành phải hội chứng “tư duy nhiệm kỳ”. Với cơ chế 4-5 năm một nhiệm kỳ thì tầm nhìn chiến lược 30-40-50 năm là không khả thi.

“Người ta đòi hỏi có mục tiêu ngắn hạn, để có thành tích ngay trong nhiệm kỳ. Các tỉnh trong cả nước đều muốn trong ngắn hạn có một vài dự án để nổi lên”, ông Trung cho biết.

Trước PEII, đã có một báo cáo khác khá nổi tiếng là báo cáo PCI. Liệu chừng có một sự dẫm chân giữa hai cuộc điều tra? Trên thực tế, theo các chuyên gia tham gia dự án, PEII và PCI khác nhau về mục tiêu nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và đặc biệt là khác nhau về giả thiết nghiên cứu nên các luận điểm đưa ra và các luận cứ chứng minh cũng khác nhau. Mặt khác, PEII không thừa hưởng được bất kỳ nội dung nào trong nghiên cứu của PCI.

Mỗi nơi một phách


Một trong 8 lĩnh vực được điều tra nghiên cứu là thể chế, theo đó các kết quả rút ra cho thấy ở mỗi địa phương là rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Chẳng hạn, một số địa phương đặt vấn đề về bằng cấp của cán bộ để coi đó là điều kiện cần để có thể làm “công bộc” của dân. Tuy nhiên, tại Tp.HCM, với quy mô lớn đòi hỏi lượng cán bộ nhiều hơn so với các tỉnh thành khác, tỷ lệ cán bộ có trình độ từ đại học trở lên chỉ đạt mức trung bình trong tương quan so sánh.

Ngược lại, Bắc Ninh là địa phương có ít số cán bộ công chức nhưng trình độ học vấn của phần lớn số cán bộ này đều ít nhất là từ đại học trở lên. Đồng thời, Bắc Ninh cũng là địa phương có số thủ tục được “một cửa” lớn.

Nghệ An, Cà Mau và Thái Bình là những địa phương có số lượng cán bộ công viên chức ở nhóm đầu nhưng tỷ lệ cán bộ có trình độ trên đại học thấp hơn so với các địa phương khác, cho thấy bộ máy hiện tại chủ yếu gồm những cá nhân có kinh nghiệm thực tế nhiều hơn là nền tảng cơ bản.

Điểm đáng chú ý là trường hợp của Hà Tĩnh, khi đây là địa phương có số cán bộ ở trình độ từ Đại học trở lên lớn nhưng tỷ lệ thủ tục hành chính áp dụng cơ chế một cửa theo Đề án 30 lại gần như thấp nhất.

Trái ngược lại với trường hợp của Hà Tĩnh là Cà Mau khi địa phương này mặc dù tỷ lệ cán bộ có trình độ Đại học trở lên thấp nhưng số thủ tục hành chính áp dụng cơ chế một cửa lại nhiều hơn.

“Kết quả này có ý nghĩa rằng việc thực hiện đề án 30 không chỉ phụ thuộc vào “tấm bằng” đẹp của cán bộ công chức, viên chức mà còn phụ thuộc vào phương thức thực hiện và sự chỉ đạo quyết liệt của địa phương, nhằm mang lại sự thuận tiện nhất cho người dân đang sinh sống và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong tương lai”, báo cáo PEII đưa ra nhận xét.

63 tỉnh thành và 4 nhóm


Đây là năm thứ hai của báo cáo PEII, để thấy sự thay đổi trong 3 năm qua mà mỗi địa phương đã nỗ lực kể từ sau khi có bản công bố xếp hạng đầu tiên thì 63 tỉnh thành phố được chia thành 4 nhóm chính: Nhóm Duy trì, Nhóm Phát triển, Nhóm Giảm hạng và Nhóm chưa có dữ liệu đối sánh.

Nhóm Phát triển gồm những địa phương đã có những bước tiến đáng kể trong bảng xếp hạng. Gồm: Bắc Kạn, Hà Giang, Gia Lai, Lai Châu, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Quảng Trị, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế.

Điểm chung là những địa phương này là những địa phương đang dần chuyển hoá thành công những lợi thế mà địa phương mình nắm giữ thành nguồn hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Như Bắc Ninh với tổ hợp nhà máy của Samsung, Quảng Trị với đường 9 nối liền giao thương trục Đông - Tây từ Đông Bắc Thái Lan - Lào - Việt Nam.

Nhóm Giảm hạng gồm những địa phương đã lùi bậc đáng kể trong bảng xếp hạng, hàm ý rằng địa phương chưa tận dụng và khai thác một cách hiệu quả nhất những lợi thế của địa phương mình nên kết quả chưa thật sự tích cực. Gồm: Cà Mau, Bến Tre, Điện Biên, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Đồng Nai, Hải Phòng, An Giang. Những địa phương này đều là những địa phương có những điểm nhấn về thành tựu kinh tế và an sinh xã hội nhưng xét trên tổng thể và đối sánh thì lại có sự suy giảm trong kết quả điểm.

Nhóm địa phương chưa có dữ liệu đối sánh ở năm đầu tiên của chương trình do hạn chế về phạm vi thực hiện và thu thập dữ liệu đánh giá. Gồm 13 tỉnh thành phố: Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Sơn La, Hoà Bình, Thái Nguyên, Ninh Thuận, Quảng Bình, Bình Phước, Tuyên Quang, Đắc Nông.

Trong khi đó, Nhóm Duy trì được thể hiện theo 2 hướng gồm những địa phương vẫn tiếp tục thể hiện được năng lực hội nhập kinh tế với các kết quả xếp hạng tiếp nối từ báo cáo năm đầu tiên (2010) như Tp.HCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Thanh Hoá, Nghệ An và những địa phương còn lại không có nhiều sự chênh lệch đáng kể như Lạng Sơn, Đồng Nai, Cần Thơ hay Hậu Giang, Cao Bằng.
Theo Hoài Ngân

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên