MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể né tránh mãi

03-03-2015 - 12:29 PM | Xã hội

Một con số “cực kỳ ấn tượng” vừa được công bố. Chỉ trong 365 ngày của năm 2014, Quảng Ninh đã giảm được 1.097 biên chế. Liền ngay với con số này là 300 tỉ đồng giảm chi thường xuyên mỗi năm.

Và, cần nhấn mạnh, việc giảm biên chế không những không làm ngừng trệ công việc, mà lại khiến bộ máy bớt cồng kềnh. Nói như lời Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính, càng tạo động lực và phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.

Bài toán tinh giản đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng đồng nghĩa với “phép trừ tinh giản” lại là cấp số cộng của những cái ghế công chức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) Bùi Sĩ Lợi có lần đưa ra một con số “té ghế”: Sau 5 năm tinh giản biên chế, bộ máy công chức nhà nước… phình thêm 20%.

Thường niên, trong các báo cáo tinh giản hay sắp xếp bộ máy là sự cồng kềnh: Sau 3 năm “tinh giản biên chế”, số biên chế hưởng lương từ NSNN “giảm 28.000, tăng 69.000”. Hay sau khi sắp xếp bộ máy thì “giảm được 4 bộ” nhưng số tổng cục tăng từ 82 lên thành 110. Trước QH, không kỳ nào vấn đề sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế không bị lôi ra chất vấn gay gắt.

Ngay kỳ họp cuối năm 2014, ĐBQH Bùi Thị An ta thán tình trạng mà bà gọi là “lạm phát cấp phó kéo dài”. ĐBQH Bùi Mạnh Hùng thì nói đến việc “sáng tạo” chức danh “hàm”: Hàm cục trưởng, hàm cục phó, hàm trưởng phòng, hàm phó phòng…

Cũng ngay trong phiên chất vấn ấy, chính Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn rằng “Nếu bộ máy nhà nước cứ y sì thế này, thì đội ngũ công chức, viên chức cứ tiếp tục tăng và tăng đến tận cơ sở thì không có cách gì giảm được”.

Trở lại Quảng Ninh, việc tinh giản được làm đơn giản đến không ngờ. Đó là Quảng Ninh nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch ở cấp xã và tiếp tục thí điểm ở cấp huyện. Nhất thể hóa một số chức danh thủ trưởng cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND…

Ngoài 1.097 biên chế được tinh giản, Quảng Ninh còn giảm được 2 chi cục, 39 phòng; 8 đơn vị sự nghiệp và chuyển đổi 32 đơn vị sang doanh nghiệp hoặc hợp tác công-tư…

Có lẽ từ lá cờ đầu Quảng Ninh, đã đến lúc chúng ta không thể cứ mãi “né tránh” - từ mà Phó Bí thư - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng đã nói trước QH khi bà đề nghị nhất thể hóa Đảng và chính quyền. Bởi, như bà Hoàng, việc nhất thể, sáp nhập này vừa đảm bảo tinh giản, vừa đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức Đảng và đảng viên, vừa tiết kiệm được nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân.

>>>Tinh giản biên chế: Cần giải pháp căn cơ và toàn diện

Theo Đào Tuấn

 

PV

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên