MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ GTVT: Có tiêu cực trong dự án trọng điểm

15-11-2013 - 08:45 AM | Xã hội

Thừa nhận có tiêu cực trong các dự án trọng điểm, biến công trình 91 tỉ thành dự án nghiên cứu khoa học, coi bảo hành là hình thức phạt đối với nhà thầu chậm tiến độ, thi công ẩu...

Là những vấn đề đã được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nói tới. 

Có tiêu cực trong các dự án trọng điểm
 
PV:  Thưa ông, hàng loạt công trình giao thông như Láng-Hòa Lạc, cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, cao tốc TPHCM-Trung Lương , đường vành đai 3, cầu Vàng Đà Nẵng… nhiều đoạn vừa hoàn thành đã xuống cấp ngay. Phải chăng vấn đề giám sát có vấn đề nên mới xảy ra tình trạng này, thưa ông? 
 
Ông Nguyễn Hồng Trường: - Chúng tôi đánh giá giám sát thời gian vừa qua là vấn đề rất nghiêm trọng. Về nguyên tắc, đơn vị tư vấn giám sát cũng phải thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên hiện nay, một số nhà thầu tư vấn giám sát nước ngoài, khi trúng thầu, đã thuê lại các tư vấn giám sát của Việt Nam. 
 
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường
 
Nên đã xảy ra  hiện tượng một số tư vấn có năng lực hạn chế gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Đối với những trường hợp này, chúng tôi cương quyết yêu cầu thay thế. Thậm chí có những tư vấn giám sát chúng tôi đã tước hẳn giấy phép hành nghề và yêu cầu học tập lại, kiểm soát lại thì mới được cấp phép tiếp. Trên thực tế vừa rồi, Bộ cũng đã phân lại các tổ tư vấn giám sát trong nước.
 
Đối với tư vấn giám sát nước ngoài, chúng tôi cũng đã yêu cầu trình danh sách tư vấn thuê Việt Nam thông qua tổ chức đánh giá của Việt Nam. 
 
 - Hiện tượng chạy thầu, chạy dự án, phần trăm, phong bì thực chất là tham nhũng , Bộ GTVT nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Có hay không trong các dự án xây dựng của Bộ GTVT?
 
Nói chung trong các dự án xây dựng cơ bản hiện tượng thông thầu, tạo những kẽ hở sinh ra những tiêu cực tôi khẳng định trong thời gian qua là có.
 
Để hạn chế được hiện tượng này, tôi cho rằng vấn đề minh bạch là yêu cầu cao nhất. 
 
Minh bạch trong vấn đề quy hoạch, minh bạch trong khảo sát thiết kế, đấu thầu, minh bạch trong vấn đề liên quan đến chất lượng, tiến độ kỹ thuật thì tôi cho rằng giải quyết được vấn đề minh bạch, công khai cũng như thực hiện thường xuyên giám sát, kiểm tra thì tôi cho rằng sẽ giảm thiểu được hiện tượng tiêu cực như bạn nói. 
 
- Bộ trưởng Thăng đã bức xúc lên tiếng hiện tượng bảo kê vật liệu xây dựng, làm giá… trong các dự án, công trình giao thông trọng điểm là nguyên nhân khiến tiến độ công trình bị chậm, chất lượng kém. Vấn đề này đã được Bộ GTVT giải quyết thế nào? 
 
Trên thực tế, khi có các công trình giao thông xây dựng thì tại các địa phương đã có những nhà thầu của địa phương sản xuất nguồn vật liệu. Khi các nhà thầu vào thì bản thân các nhà thầu địa phương ép các nhà thầu giao thông phải mua nguồn vật liệu đó với giá không đúng quy định. 
 
Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã đặt ra hai vấn đề: Một là, yêu cầu địa phương tiếp tục cấp các mỏ vật liệu mới để các nhà thầu tự khai thác nhằm đảm bảo đúng chất lượng và kịp tiến độ. 
 
Trong trường hợp không thể có những mỏ vật liệu mới, mà phải dùng nguồn vật liệu tại chỗ thì Bộ GTVT yêu cầu phải có sự thỏa thuận, bàn bạc với nhau trên cơ sở đảm bảo một giá thành hợp lý, để người dân có thể kinh doanh được mà nhà thầu cũng có thể chấp nhận được. 
 
Quan trọng tôi cho rằng quan hệ giữa địa phương với chủ đầu tư cũng rất tốt thì sẽ giải quyết được vấn đề vướng mắc vừa rồi. 
 
Mặt cầu Thăng Long là...bài học
 
Bổ GTVT khẳng định, tới nay chưa phát hiện trường hợp nào ăn bớt vật liệu trong xây dựng các công trình trọng điểm. Trong khi đó, đại biểu QH lại cho rằng nếu số tiền đầu tư tại các công trình được thực hiện 50-60% tổng mức đầu tư dự án đã là quá tốt rồi, ông bình luận thế nào về ý kiến này, thưa ông?
 
Về mặt tổ chức, quy trình thì chúng ta khẳng định đã kiểm soát được tất cả vấn đề này. Từ khâu thực hiện các giải pháp để đảm bảo chất lượng nên không thể bớt được vật liệu. Bởi vì chúng ta có thiết kế, có giám sát, có thiết bị thu thanh kiểm soát.
 
Tuy nhiên, có hiện tượng nhà thầu chính mời nhà thầu phụ nên khó kiểm soát. Giải pháp Bộ GTVT đưa ra là hạn chế các nhà thầu phụ.
 
Liên quan tới câu chuyện thưởng 180 tỉ cho dự án đường vành đai 3 vượt tiến độ 18 tháng. Vậy, xin hỏi đã có trường hợp nào bị phạt vì chậm tiến độ hay chưa?
 
Phạt nhiều rồi chứ. Bảo hành chính là hình thức phạt. Dự án đường vành đai 3, là dự án đấu thầu quốc tế, việc thưởng phạt các nước trên thế giới cũng làm như vậy. Phía nhà thầu cũng thể hiện sự quyết tâm nên trong trường hợp này thưởng là hoàn toàn hợp lý. 
 
Hơn nữa, số tiền thưởng so với mức vượt thời hạn tới 15 tháng như vậy là không lớn lắm.
 
 - Vậy, nguồn thưởng này lấy từ đâu thưa ông?
 
Tiền thưởng đó trích từ tổng mức đầu tư dự phòng. Mức thưởng thì vẫn theo quy định của nhà nước.
 
 - Còn với dự án Cầu Thăng long thì sao?
 
Cầu Thăng Long không đặt vấn đề thưởng phạt vì đây là dự án áp dụng nhiều công nghệ rất mới, vừa làm vừa thử nghiệm. Mặt cầu Thăng Long sẽ là bài học để chúng ta không vấp phải nữa.
 
 - Chi phí đó ai phải chịu, thưa ông?
 
Trong nghiên cứu bao giờ cũng sẽ có một phần chi phí dành cho nghiên cứu chấp nhận thất bại nhưng cũng là để có được thành công tốt hơn. Chi phí đó nằm trong tổng thể đầu tư xây dựng.
 
Vừa rồi, trong một hội thảo thí nghiệm đưa bê tông  mác cao để giảm được chi phí bề dày bê tông. Một giáo sư đã cho rằng phải xây dựng một cầu nào đó bằng nguồn vốn nghiên cứu học và cho tải trọng khai thác tới khi sập cầu để biết được sức chịu đựng thực tế là như thế nào.
 
Khoa học là như vậy, phải trải qua nghiên cứu, trải nghiệm mới có được thành công.
 
 
Đại lộ Thăng Long, tuyến cao tốc dài và hiện đại nhất Việt Nam được khánh thành dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tổng đầu tư công trình 7.527 tỷ đồng, tới tổng chiều dài tuyến hơn 29 km. Chủ đầu tư công trình là Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị thi công là Tổng công ty Vinaconex.
 
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long có tổng đầu tư hơn 91 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 74 tỉ đồng. Dự án khởi công ngày 23/10/2009, hoàn thành vào 23/12/2009, vượt tiến độ 1 tháng. Song chỉ 2 tháng sau, đến tháng 2/2010 mặt cầu đã xuất hiện một số vết nứt và ngày càng lan rộng.
 
Ngày 17/10, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đã thống nhất với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, với kinh phí sửa chữa hơn 28 tỉ đồng.
 
Cụ thể, Tổng cục Đường bộ VN sửa chữa phần mặt cầu chính (trên nhịp dàn thép) với diện tích 14.500m2 có kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Sở GTVT sẽ sữa chữa phần mặt cầu dẫn (dầm bê tông) diện tích 22.000m2 với kinh phí hơn 18 tỷ đồng do TP. Hà Nội bố trí nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ năm 2013.
 
Các điểm hư hỏng bề mặt cầu sẽ được thực hiện bằng vật liệu bê tông nhựa polyme với chất dính bám Novabond của Công ty Hall Brother (Mỹ).
 

Theo Hiếu Lam

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên