MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam nhiều học hàm Thạc sĩ, Tiến sĩ...tại sao sáng tạo trong kinh tế kém Lào?

16-09-2014 - 11:43 AM | Xã hội

Việt Nam là đất nước có số lượng người có học hàm thạc sĩ, tiến sĩ,..vào loại cao nhất thế giới.

Mới đây, ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) đã công bố báo cáo Chỉ số Năng suất Sáng tạo (CPI) của 24 nền kinh tế, trong đó có 22 nền kinh tế Châu Á thêm Mỹ và Phần Lan.

Trong 24 nền kinh tế được ADB nghiên cứu, Việt Nam bị đánh giá là nước có khả năng sáng tạo ở mức trung bình với thứ hạng 16/24. Cụ thể trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Theo đó, Việt Nam bị đánh giá thấp về nhân lực, giáo dục, số bằng sáng chế và ấn bản khoa học.

Báo cáo này đo khả năng sáng tạo và coi đây là yếu tố quan trọng trong việc củng cố nền kinh tế phát triển dựa trên tri thức. Cụ thể, chỉ số sáng tạo được đo dựa trên “Đầu vào” và “Đầu ra”. Theo đó “đầu vào” được tính theo 3 mức độ: mức độ sáng tạo, động cơ sáng tạo và độ thuận lợi của môi trường cho sáng tạo. “Đầu ra” được tính trên số lượng bằng sáng chế và các tiêu chí nhằm tạo ra tri thức.

ADB cho biết, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong việc cung cấp nhân lực chỉ với 27/100 điểm. Hệ thống trường lớp và chương trình học của Việt Nam đã lỗi thời. Chất lượng lao động trong các ngành IT và tài chính – ngân hàng, dịch vụ còn kém. Ở tiêu chí “Đầu ra” số bằng sáng chế, các ấn bản khoa học và sách ở mức trung bình. ADB cũng cho rằng Việt Nam cần cải thiện chất lượng và phương hướng bậc giáo dục đại học.

Nhiều người Việt đã cảm thấy "sốc" bởi xưa nay Việt Nam vẫn được coi là “người anh cả” giúp đỡ mọi mặt cho Lào, nhưng nay nghiên cứu lại chứng minh chỉ số sáng tạo trong kinh tế, giáo dục, nhân lực của Việt Nam kém nước bạn. Xung quanh vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam.

PV: ADB vừa công bố báo cáo chỉ số năng suất sáng tạo của 24 nền kinh tế Châu Á, theo đó Việt Nam đứng thứ 16/24. Ông có hoài nghi về báo cáo này?

TS. Lưu Bích Hồ: ADB công bố báo cáo chỉ số năng suất sáng tạo dựa trên nhiều chỉ số nghiên cứu khác nhau, báo cáo nghiêm túc và có lý lẽ tiêu chí riêng. Tôi cũng vừa mới đọc thông tin về báo cáo. Tuy nhiên, cần phải xem xét lại tính chính xác của báo cáo này. Truyền thông và người Việt không nên dựa vào một bản báo cáo để đánh giá năng lực sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam kém hơn Lào được. Sở dĩ tôi nói như vậy bởi nói Lào xếp thứ hạng cao hơn Việt Nam còn có lý chứ tôi không tin Lào có thể xếp cao hơn cả Singapore. Điều này hoàn toàn phi lý!
 

TS Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển VN


VDB tính chỉ số năng suất sáng tạo theo dựa trên tiêu chí “đầu vào” và “đầu ra” tức là về mức độ, động cơ, môi trường sáng tạo và các bằng sáng chế, tri thức. Ông nghĩ như thế nào về phương thức tính này?

TS. Lưu Bích Hồ: Theo bảng xếp hạng của World Bank, chỉ số sáng tạo trong kinh tế của Việt Nam kém lắm, đang có xu hướng thụt lùi. Quy trình xét duyệt của World Bank rất chặt chẽ dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau.

Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng này, tôi nghĩ phương thức tính toán dựa vào mức độ sáng tạo, động cơ sáng tạo, môi trường thuận lợi cho sáng tạo, các bằng sáng chế, các tiêu chí tri thức trong nền kinh tế cũng là một cách không có gì đáng bàn cãi. Về việc kinh tế Việt Nam kém sáng tạo hơn Lào, tôi nghĩ rằng ADB họ tính theo số bằng sáng chế bình quân trên đầu người mà Lào dân số thấp còn Việt Nam đông dân số nên trung bình lượng bằng sáng chế của Việt Nam sẽ kém Lào.

Việt Nam là nước có lượng học hàm thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư… vào bậc nhất thế giới vậy tại sao chỉ số sáng tạo trong kinh tế lại bị ADB đánh giá thấp hơn Lào như vậy, thưa ông?

TS. Lưu Bích Hồ: Nền giáo dục Việt Nam rất kém đặc biệt là giáo dục Đại học không có chất lượng. Giáo dục lỗi thời, việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy mang lại kết quả thấp. Thêm nữa giáo dục Đại học ồ ạt không theo quy luật cung cầu dẫn đến tình trạng các cử nhân ra trường thất nghiệp, quay quắt tìm việc làm. Có nhiều trong số đó, không tìm được việc làm lại tiếp tục con đường học hành nên ở Việt Nam có nhiều học hàm cũng là vì vậy.

Đặc biệt, trong nền kinh tế, giáo dục Việt không chú trọng sáng tạo, sáng chế. Không coi việc sáng tạo là mục tiêu, nhân tố cần đầu tư cho tương lai. Đây là một yếu tố làm thui chột động lực của người có mong muốn cống hiến.

Trong khi đó, phía các doanh nghiệp không chịu đầu tư nhiều cho khoa học công nghệ. Vì vậy sản phẩm làm ra chất lượng không cao. Điều này có thể do các doanh nghiệp thiếu vốn và sâu xa hơn là do cơ chế chính sách không hợp lý, không khuyến khích, thắp lửa cho lao động sáng tạo, cho doanh nghiệp chịu đầu tư. Doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tiền đầu tư đã đành còn khối doanh nghiệp nhà nước lúc nào cũng cứ nghĩ mình làm thế này đủ rồi, chỉ cần vậy thôi.

Chỉ số sáng tạo thấp có ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế?

TS. Lưu Bích Hồ: Tất nhiên là ảnh hưởng rất nhiều tới phát triển kinh tế. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đang diễn ra, yếu tố sáng tạo được coi là quyết định xem Việt Nam có vượt lên được hay không. Mình đã yếu rồi mà sáng tạo cũng yếu thì khó có thể vượt lên. Không có một nước nào họ vượt lên mà thiếu sáng tạo. Chẳng hạn như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…phát triển cũng phần nhiều do sáng tạo trong kinh tế, chất lượng giáo dục, nhân lực được đầu tư và ưu tiên tuyệt đối.

Tuy nhiên đặt yếu tố sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam tôi cho rằng vẫn còn mơ hồ và xa vời lắm. Nền kinh tế Việt Nam đang phải chống đỡ với hàng loạt các vấn đề về nợ xấu, ngân hàng, đầu tư công, phụ thuộc nước ngoài… Một khi các vấn đề đó được giải quyết tốt thì yếu tố sáng tạo mới được kể đến. Nhà nước cũng chưa có chính sách gì đáng kể để thúc đẩy sáng tạo trong kinh tế.

Vậy làm sao để kéo chỉ số sáng tạo trong nền kinh tế lên cao hơn, thưa ông?

TS. Lưu Bích Hồ: Tôi nghĩ không còn cách nào khác là phải đổi mới giáo dục. Mà chuyện đổi mới giáo dục đã bắt đầu chuyển động rồi như việc đề xuất có 1 kỳ thi vừa rồi tất nhiên còn phải xem xét kỹ. Chính Phủ cũng phải có những chỉ đạo cụ thể hơn để thúc đẩy sáng tạo. Muốn nâng chỉ số sáng tạo không chỉ phụ thuộc ngành giáo dục mà phải có sự vào cuộc của toàn bộ các ngành cùng chung tay làm. Theo tôi Việt Nam phải mất một thời gian khá dài nếu muốn cải thiện chỉ số sáng tạo trong kinh tế.

Xin cám ơn ông!

Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên