MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thúc đẩy chăn nuôi gia cầm bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi

13-04-2019 - 07:36 AM | Thị trường

Chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, tránh để phát sinh dịch bệnh trên gia cầm trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi.

Ngày 12/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì "Hội nghị thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gia cầm" với đại diện 32 tỉnh, thành phố trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đã và đang ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi lợn.

Thúc đẩy chăn nuôi gia cầm bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.


Các đại biểu tại hội nghị cho rằng, cơ sở để thúc đẩy sản xuất chăn nuôi gia cầm là ngành này đã hình thành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, với công nghệ giống siêu thịt, siêu trứng, cùng với đó lĩnh vực chế biến sâu đã liên kết được với nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.Trong những năm qua, số đầu gia cầm cả nước tăng bình quân mỗi năm hơn 6%, sản lượng thịt của gia cầm đạt trên 1 triệu tấn, trứng đạt hơn 11 tỷ quả. Trong rổ thực phẩm tiêu dùng hiện nay, thịt lợn chiếm đến 65% trong cơ cấu thực phẩm, tiếp đến là thịt gà chiếm 20%. Vì vậy, việc thúc đẩy sản xuất gia cầm vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước, vừa là cơ hội để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, "dư địa" của ngành chăn nuôi gia cầm còn rất lớn bởi nhu cầu của thị trường trong nước với dân số gần 100 triệu dân.

“95 triệu dân cùng với 15 triệu khách du lịch, nhu cầu của thị trường trong nước rất lớn, trong đó bình quân trứng cũng như bình quân sản lượng thịt của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Đây là cơ hội rất lớn để tiếp tục phát triển đàn gia cầm nhất là gà với vịt”.

Thúc đẩy chăn nuôi gia cầm bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi - Ảnh 2.

Các đại biểu tại hội nghị cho rằng, dư địa của ngành chăn nuôi gia cầm còn rất lớn.

 

Liên quan đến vấn đề xuất khẩu sản phẩm gia cầm, một số ý kiến cho rằng, cần thúc đẩy chăn nuôi những sản phẩm như: yến, gà chế biến và những sản phẩm chế biến sâu từ trứng gia cầm.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó tổng giám đốc công ty TNHH De Heus- doanh nghiệp đang xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản đề xuất: “Để đẩy mạnh xuất khẩu trong tương lai, trước hết phải xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh và có các cơ chế phù hợp để bảo vệ những trang trại chăn nuôi, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn đối với nhà nhập khẩu từ các nước”.

Đề cập đến các nhóm giải pháp để thúc đẩy sản xuất gia cầm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, thúc đẩy sản xuất gia cầm phải theo quy hoạch, không phát triển tràn lan. Theo đó, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, tránh để phát sinh dịch bệnh trên gia cầm trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn. Với từng quy mô ngành hàng phải phải định dạng được thị trường tránh cung vượt cầu.

“Bù đắp bằng sản phẩm gia cầm là hướng khả thi, tới đây chúng ta dự báo, nếu biện pháp tổ chức sản xuất thực phẩm không tốt, thịt lợn có thể bị thiếu hụt. Đảm bảo an toàn và hiệu quả là vấn đề phải tính toán cụ thể, yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ các chuỗi giá trị về sản xuất gia cầm. Trong khâu giống phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, giống phải chất lượng cao, đáp ứng từng phân khúc chăn nuôi. Cùng với đó kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn về thú y, không để dịch bệnh xảy ra”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý./.

Theo Minh Long

VOV

Trở lên trên