MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tích cực nhập và xuất khẩu, nghi vấn 5 quốc gia này đang "rửa dầu" Nga rồi bán cho các nước phương Tây?

21-04-2023 - 07:12 AM | Thị trường

Tích cực nhập và xuất khẩu, nghi vấn 5 quốc gia này đang "rửa dầu" Nga rồi bán cho các nước phương Tây?

Theo CREA, 5 quốc gia nói trên đã tăng nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển lên tới 140%, tức khoảng 10 triệu tấn so với năm trước.

Theo một nghiên cứu được công bố hôm 19/4 từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), các quốc gia phương Tây cấm vận dầu Nga đã cùng nhau nhập khẩu các sản phẩm dầu trị giá gần 46 tỷ USD. Điều đáng nói là số dầu này có nguồn gốc từ các quốc gia đã tích cực mua hàng từ Moscow.

Các nhà nghiên cứu của CREA cho biết Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Singapore đã tăng cường nhập khẩu dầu của Nga trong năm 2022 và tăng xuất khẩu các sản phẩm tinh chế sang các nước phương Tây như Liên minh Châu Âu, Úc và hầu hết các nước thuộc Nhóm G7 bao gồm: Nhật Bản, Vương quốc Anh, Canada và Mỹ.

Tích cực nhập và xuất khẩu, nghi vấn 5 quốc gia này đang "rửa dầu" Nga rồi bán cho các nước phương Tây? - Ảnh 1.

Dầu Nga được nhập khẩu vào các nước UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Ấn Độ và Trung Quốc, sau đó lại xuất khẩu sang khu vực EU, Úc và hầu hết các quốc gia G7.

Isaac Levi, chuyên gia phân tích năng lượng và đồng tác giả của báo cáo cho biết: "EU, G7 và Australia... tiếp tục nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga dưới dạng sản phẩm dầu tinh chế từ các nước thứ 3, cho phép vận chuyển trên tàu và sử dụng bảo hiểm của họ".

Theo CREA, dầu của Nga tìm đường vào các quốc gia áp giá trần dưới dạng dầu diesel, nhiên liệu máy bay và gas. Và hầu hết các sản phẩm được "rửa" đã và đang được vận chuyển trên các con tàu châu Âu.

Cụ thể hơn theo báo cáo, ngay trong 1 năm sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, 5 quốc gia "rửa dầu" nói trên đã tăng nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển lên tới 140% so với năm trước, tức khoảng 10 triệu tấn. Các nước này đang hấp thụ 70% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga.

Trong đó, EU là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm tinh chế "có nguồn gốc từ Nga", đã chi 19,3 tỷ USD trong 12 tháng kể từ sau xung đột nổ ra. Xếp sau là Úc - 8,74 tỷ USD, Mỹ - 7,21 tỷ USD, Vương quốc Anh - 5,46 tỷ USD và Nhật Bản - 5,24 tỷ USD.

Đồng thời, 5 nước này đã tăng xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ lên 26% sang các quốc gia liên minh có giới hạn giá. Xuất khẩu của họ sang các nước không có giá trần chỉ tăng 2%, cho thấy phần lớn dầu của Nga được đưa đến các nước thực hiện áp giá trần.

"Việc tăng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ các nhà nhập khẩu dầu thô chính của Nga làm suy yếu các biện pháp trừng phạt dầu mỏ đối với Nga" - Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính và đồng tác giả của báo cáo, cho biết.

"Đây hiện là một cách hợp pháp để xuất khẩu các sản phẩm dầu sang các quốc gia đang áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, do nguồn gốc sản phẩm đã bị thay đổi", các nhà phân tích của CREA nhận định.

Tham khảo: BI, Forbes

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên