MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Năm 2022, ngành Công Thương đã vững tay chèo, vượt qua “sóng cả”

Lĩnh vực xuất khẩu đã đạt được những kỷ lục mới trong năm 2022

Lĩnh vực xuất khẩu đã đạt được những kỷ lục mới trong năm 2022

Năm 2022, dù phải đối mặt với tác động kép từ những khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, nhưng ngành Công Thương vẫn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
109 bài viết

Vượt qua dị biệt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Nhìn nhận về những khó khăn, thách thức mà "con tàu" kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Công Thương nói riêng phải đối mặt, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định: Năm 2022 là một năm đầy “bão táp, sóng gió” đối với Việt Nam nói chung và ngành Công Thương nói riêng khi ngành Công Thương là trong những ngành chủ lực, trụ đỡ của nền kinh tế. Năm 2022, bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.

Song với quyết tâm phục hồi và phát triển, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, trong đó có đóng góp rất lớn của ngành Công Thương. Trong đó phải kể đến lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam trong năm qua khi phải đối mặt với khó khăn về nguồn cung nguyên liệu nhưng chỉ số phát triển vẫn liên tục tăng. Điều này thể hiện bằng những con số khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng là 8,1%, đóng góp 38,24% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế và đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

“Phải khẳng định, nỗ lực của ngành Công Thương đã có ý nghĩa rất lớn đảm bảo ổn định vĩ mô. Cùng với đó, dù còn nhiều lúc phải đối mặt với khó khăn chưa từng có song cùng với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã hết sức trách nhiệm, nỗ lực để điều hành xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng và góp phần giữ lạm phát ổn định, không quá cao” - Tiến sĩ Võ Trí Thành chia sẻ.

Bên cạnh đó, đối với thị trường trong nước, ngành Công Thương cũng đã để lại dấu ấn rõ nét khi giữ vững được ổn định. Đồng thời, thương mại trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 20%) vượt gấp 2,5 lần mục tiêu kế hoạch của ngành, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, góp phần kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa phục hồi mạnh sau đại dịch và thị trường thế giới có biến động lớn, nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao.

Thương mại điện tử cũng là một trong những lĩnh vực phát triển rất mạnh khi tốc độ tăng trưởng đạt 20,5% và là năm thứ 2 liên tiếp nằm trong Top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất thế giới. Cùng với đó là công tác tăng cường giám sát, quản lý hàng giả hàng nhái. Hiện nay, đó vẫn là câu chuyện lâu dài nhưng trong năm nay, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý được nhiều vụ điển hình, lớn như Saigon Square... giúp củng cố niềm tin, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Thúc đẩy sáng kiến, mở rộng giao thương

Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh, năm 2022, Bộ Công Thương đã có sáng kiến mang tính đột phá khi lần đầu tiên tổ chức hội nghị giao ban thương vụ với tất cả các nước. Điều này đã góp phần rất lớn mở rộng thị trường quốc tế trong bối cảnh đầy khó khăn khi là năm tổng cầu thế giới giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại và xung đột Nga - Ukraine nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vẫn đạt 732,5 tỷ USD, tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư đạt 11,2 tỷ USD, vượt xa so với kế hoạch.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng cho rằng, năm 2022 Bộ Công Thương cũng làm rất tốt việc cung cấp, thông tin khi đã minh bạch thị trường ở mức ổn, đồng thời cung cấp thông tin để các bộ ngành khác để hoàn thiện chính sách theo tình hình phức tạp. Việc này thể hiện Bộ Công Thương đã làm rất tốt trong chỉ đạo, điều hành khi đã chủ động, linh hoạt và thích ứng với tình hình. Đồng thời, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp rất tốt với các bộ, ngành xử lý những tồn đọng vốn có nhiều năm, có những bước tiến tích cực như xử lý các dự án yếu kém, những khó khăn vướng mắc trong việc cung ứng xăng dầu của các nhà máy lọc dầu... Cùng với đó là đẩy mạnh hơn việc bắt nhịp vào những xu hướng mới, vào các chất xúc tác phát triển mới, ví dụ như chuyển đổi số, năng lượng xanh, năng lượng sạch...

“Đó là sự cố gắng quyết liệt của ngành Công Thương từ lãnh đạo đến các cấp, gắn với nhiệm vụ chung của năm 2022, vừa phát triển, vừa thúc đẩy tăng trưởng lại vừa phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo những cân đối lớn”- tiến sĩ Võ Trí Thành khẳng định.

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Năm 2022, ngành Công Thương đã vững tay chèo, vượt qua “sóng cả” - Ảnh 1.

Tiến sĩ Võ Trí Thành

Dự báo về tình hình phát triển kinh tế năm 2023, ông Võ Trí Thành cho rằng, 2 động lực tăng trưởng chính trong năm ngoái là xuất khẩu và nhu cầu nội địa đều sẽ giảm trong năm nay. Các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU sẽ tăng trưởng rất ít trong năm 2023. Đây lại là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Thực tế hiện nay xuất khẩu đã có dấu hiệu chậm lại. Một đối tác thương mại lớn khác là Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi dần, nên đây là yếu tố giúp phần nào cân bằng lại xuất khẩu của Việt Nam

Một áp lực bên ngoài khác là xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất và áp lực tỷ giá vẫn còn, các chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa.

Bối cảnh toàn cầu với đặc trưng là sự không chắc chắn và rủi ro hiện nay đặt các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần tiếp tục cân bằng giữa nhu cầu hỗ trợ chính sách để củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính mới nổi. Đây là những thách thức của nền kinh tế Việt Nam nhưng hi vọng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Theo Thái Bình

Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên