MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh có chính sách đào tạo lao động tốt nhất Việt Nam

Tỉnh có chính sách đào tạo lao động tốt nhất Việt Nam

Địa phương này dẫn đầu về chỉ số đào tạo lao động trong báo cáo PCI, xếp trên Bắc Ninh, Bắc Giang, và các thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Báo cáo PCI 2022, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về nỗ lực đào tạo lao động.

Cụ thể, điểm chỉ số thành phần đào tạo lao động của Quảng Ninh là 7,67, cao hơn so với thủ phủ công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang, cũng như các thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và TP. HCM.

Tỉnh có chính sách đào tạo lao động tốt nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Báo cáo PCI đánh giá, trong những năm gần đây, Quảng Ninh nổi lên là một điểm sáng về đào tạo lao động. 

Không chỉ sở hữu lực lượng lao động trẻ với 51% trong độ tuổi 15-39, 85% lao động đã qua đào tạo và năng suất lao động (GRDP/lao động) thuộc top đầu cả nước, Quảng Ninh còn chú trọng đến các chính sách phát triển nguồn nhân lực tại địa phương.

Kết quả khảo sát PCI cho thấy khoảng 78% doanh nghiệp đánh giá “giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt” và 69% doanh nghiệp nhận định “giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt".

Đây là các kết quả tốt nhất trong hai chỉ tiêu PCI này trên toàn quốc. Tỷ lệ lao động tại các doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ninh đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo cũng lần lượt cao thứ hai và thứ ba cả nước. 

Những kết quả đáng ghi nhận này cho thấy hiệu quả của các chính sách đào tạo lao động tại địa phương.

Nhận xét chung về chất lượng lao động trên cả nước năm 2022, báo cáo PCI đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực là một chỉ dấu quan trọng mà chính quyền các tỉnh, thành phố cần đặc biệt quan tâm trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. 

Kết quả Điều tra PCI-FDI 2022 cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện chất lượng lao động ở các tỉnh. Có tới 54% doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức trung bình. Khoảng 1/3 doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động đáp ứng phần lớn nhu cầu của doanh nghiệp. Chỉ có 9% doanh nghiệp FDI hoàn toàn hài lòng với chất lượng nguồn nhân lực, giảm so với mức 15% năm 2021.

Tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp FDI tỏ ra khá lạc quan về chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Đánh giá của họ về chất lượng giáo dục phổ thông và chất lượng dạy nghề ngày càng tích cực. 

Cụ thể, trên thang điểm 6 (1 = “Rất kém” đến 6 = “Rất tốt”), các doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đạt mức 4,5 điểm và dạy nghề là 4,4 điểm. Dù các đánh giá của doanh nghiệp FDI là tích cực hơn hẳn so với năm 2018 song mức độ cải thiện chất lượng lao động nhìn chung có vẻ chậm lại trong vài năm gần đây.

Để Việt Nam có thể duy trì vị thế điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, việc nâng cao chất lượng lao động là cấp thiết để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp với tốc độ tăng của tiền lương. 

Theo kết quả Điều tra PCI-FDI 2022, có 33,7% doanh nghiệp FDI cho rằng chi phí lao động tăng nhanh hơn mức tăng năng suất lao động trong năm 2021. Nhìn chung, năng suất lao động không theo kịp mức tăng chi phí lao động là một thực trạng, phổ biến nhất trong ngành nông nghiệp và công nghiệp/ chế tạo. Thực tế tương tự về nguồn nhân lực ở Việt Nam có thể quan sát được từ những khó khăn mà doanh nghiệp FDI phản ánh khi tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, năng suất cao.

Cán bộ quản lý, giám sát và kỹ thuật là một số ví dụ về vị trí công việc đòi hỏi năng suất cao. Nhiều năm nay, doanh nghiệp FDI thường gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động địa phương cho các vị trí quản lý. Thực tế này vẫn không có sự thay đổi trong năm 2022. 

42% doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát cho biết tìm kiếm nhân sự cho vị trí giám đốc điều hành là “khó” hoặc “rất khó”, trong khi 30% doanh nghiệp FDI có cùng đánh giá khi tìm tuyển dụng vị trí quản lý, giám sát. Vị trí cán bộ kỹ thuật cũng khó tuyển dụng. Có tới 54% doanh nghiệp FDI phản hồi việc tuyển dụng nhân viên kỹ thuật là “khá khó khăn” và 22% doanh nghiệp FDI thậm chí đánh giá việc này là “khó” hoặc “rất khó”.

Nếu như trong năm 2021 có tới 62% doanh nghiệp FDI cảm thấy “dễ dàng” hoặc “rất dễ dàng” tuyển dụng lao động phổ thông có tay nghề thấp, một phân khúc thường có nguồn cung dồi dào trên thị trường thì con số này giảm xuống chỉ còn 49% trong năm 2022. Rất nhiều công nhân đã bỏ việc tại các khu công nghiệp về quê do không thể chống chọi với các tác động của đại dịch và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ ở những thành phố lớn. Da giày và may mặc là các ngành đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động phổ thông trầm trọng nhất.


Một tỉnh miền núi được "đại gia" Nhật Bản đầu tư dự án sản xuất vi mạch điện tử hơn 4.600 tỷ đồng


Nhã Mi

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên