MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình hình kinh tế sau 9 tháng của 3 tỉnh dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương ra sao?

Giai đoạn 2021-2030, cả nước sẽ có thêm 3 tỉnh là thành phố trực thuộc Trung ương gồm Bắc Ninh, Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế.

Bắc Ninh

Theo Cục Thống kê Bắc Ninh, quy mô GRDP trên địa bàn tỉnh này (theo giá hiện hành) ước đạt 158.685 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, đồng thời tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng giảm xuống.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 20.042 tỷ đồng, bằng 63,4% dự toán năm 2023 và giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 10.795 tỷ đồng, bằng 53,1% dự toán năm 2023 và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình kinh tế sau 9 tháng của 3 tỉnh dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương ra sao? - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch Đầu tư về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn FDI vào Bắc Ninh sau 9 tháng đầu năm đạt gần 1,26 tỷ USD; đứng thứ 6 trên cả nước, sau Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Bắc Giang, Bình Dương và Nghệ An.

Cụ thể, toàn tỉnh thu hút 264 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 179 dự án) so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới đạt 860,9 triệu USD (tăng 169,5 triệu USD). Ngoài ra, điều chỉnh vốn cho 97 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng 445,4 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 49 lượt với giá trị là 19,9 triệu USD; thu hồi 43 dự án với tổng vốn đầu tư là 74,8 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.040 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư được cấp phép đạt 24,6 tỷ USD.

Về một số chỉ tiêu khác, tháng 9, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục tăng so với tháng trước (+2,38%), đặc biệt so với cùng tháng năm trước bắt đầu tăng nhẹ (+0,01%) sau 8 tháng đầu năm liên tiếp bị trong xu hướng giảm so với cùng kỳ.

3 quý vừa qua, toàn tỉnh có 2.531 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 30,87% so với cùng kỳ năm 2022 với tổng vốn đăng ký hơn 25.452 tỷ đồng, tăng 61,63%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,06 tỷ đồng.

Cũng trong 9 tháng, toàn tỉnh có 723 doanh nghiệp hoạt động trở lại; 292 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình hoạt động; 1.449 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; 2.520 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể tự nguyện…

Khánh Hòa

Xét trong 9 tháng năm 2023, quy mô GRDP của Khánh Hòa tăng 9,17% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 79.305 tỷ đồng; xếp thứ 5/63 của cả nước và thứ nhất của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Thu ngân sách của tỉnh trong giai đoạn này đạt 12.000 tỷ đồng, bằng hơn 78% dự toán và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình kinh tế sau 9 tháng của 3 tỉnh dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương ra sao? - Ảnh 2.

Một chỉ tiêu quan trọng khác - FDI vào Khánh Hòa 9 tháng qua đạt gần 2,6 triệu USD; đứng thứ 44 trên cả nước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 119 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4,36 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với 6 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,65 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn đăng ký đầu tư của nước ngoài vào tỉnh.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh này đã thu hút 15 dự án ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng. Trong số này, phần lớn là các dự án bất động sản.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,1% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.196,8 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, doanh thu du lịch đạt 27.502,8 tỷ đồng, tăng 154,8% so cùng kỳ năm trước, với 5,7 triệu lượt khách, tăng 173,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 1,45 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 9,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thừa Thiên Huế

Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, 9 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 6,84%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước dự ước trên 4%.

Thu ngân sách ước đạt 7.543 tỷ đồng, bằng 76% dự toán, bằng 58% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 18,4% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã cấp mới 18 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 5.010 tỷ đồng.

Tình hình kinh tế sau 9 tháng của 3 tỉnh dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương ra sao? - Ảnh 3.

Từ đầu năm đến nay, vốn FDI chảy về tỉnh này đạt 34,57 triệu USD; đứng thứ 32/63 tỉnh thành trên cả nước. Lũy kế đến nay tỉnh có 136 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư 4,27 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp tháng 9 tiếp tục có nhiều khởi sắc hơn so với tháng 8 và 8 tháng đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 9 ước tăng 9,4% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng ước tăng 2,4%.

Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì đà phục hồi rất tốt. Lượng khách du lịch đến tỉnh trong 9 tháng đầu năm ước đạt 2,4 triệu lượt, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 745.000 lượt, gấp 7,3 lần cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Thừa Thiên Huế có 527 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.626 tỷ đồng, giảm 15,4% về lượng và giảm 33,7% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 274 doanh nghiệp, giảm 140 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 459 doanh nghiệp, tăng 13 doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Theo kế hoạch, sẽ có thêm 3 tỉnh là thành phố trực thuộc Trung ương gồm Bắc Ninh, Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế. Việt Nam hiện có 5 thành phố trực thuộc trung ương, gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP HCM và Cần Thơ.

Theo Quy hoạch, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam . Đây cũng là đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.

Cũng tới thời gian này, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng của Vùng động lực miền Trung.

Với Khánh Hòa, đến năm 2030, địa phương sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với định hướng phát triển trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế, theo quyết định của Thủ tướng .

Theo đó, đến năm 2030, Khánh Hòa có hai đô thị loại I là thành phố Nha Trang và Cam Lâm, còn Cam Ranh là đô thị loại II. Trong đó, Nha Trang sẽ là đô thị hạt nhân, Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics và huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế,…

Trong tương lai, Khánh Hoà được xác định là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. GRDP bình quân đầu người của địa phương đạt nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

Còn Bắc Ninh sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm, gắn với vùng thủ đô Hà Nội; gồm 7 trọng tâm phát triển đô thị và 3 hành lang phát triển là hành lang đô thị dịch vụ dọc Quốc lộ 1A (Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh, hành lang đô thị công nghiệp dọc Quốc lộ 18 (Yên Phong - Bắc Ninh - Quế Võ), hành lang sinh thái dọc sông Đuống, sông Cầu, bảo vệ và phát triển hành lang sinh thái dọc tuyến sông.

Nhật Minh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên