MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toan tính của Nga khi tuyên bố Quỹ Phúc lợi Quốc gia sẽ không còn euro, chỉ tích trữ vàng, ruble và Nhân dân tệ

21-02-2023 - 16:35 PM | Tài chính quốc tế

Toan tính của Nga khi tuyên bố Quỹ Phúc lợi Quốc gia sẽ không còn euro, chỉ tích trữ vàng, ruble và Nhân dân tệ

Theo RIA Novosti, Thứ trưởng Tài chính Nga Vladimir Kolychev ngày 9/2 cho biết, Quỹ Phúc lợi Quốc gia của nước này sẽ không còn tích trữ đồng euro, mà sẽ chỉ còn vàng, ruble và Nhân dân tệ.

Mục đích thành lập Quỹ Phúc lợi Quốc gia của Nga

Theo trang tin 163 của Trung Quốc, bằng cách bán dầu khí và các loại hàng hóa chủ lực khác, Nga đã tích lũy được rất nhiều tài sản bằng ngoại tệ.

Nhưng kinh tế vĩ mô và tỉ giá hối đoái cũng gắn bó mật thiết với giá cả hàng hóa. Ví dụ, trong thời kỳ thị trường hàng hóa tăng giá, đồng ruble có xu hướng tăng giá, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trong nước, khiến cho cơ cấu kinh tế của Nga phụ thuộc quá nhiều vào ngành năng lượng.

Do đó, kể từ thế kỷ 21, Chính phủ Nga đã cố gắng bù đắp tác động này ở một mức độ nhất định bằng cách tích lũy thặng dư tài chính liên quan đến dầu mỏ và khí tự nhiên.

Ngày 1/1/2004, Nga đã thành lập Quỹ Bình ổn Liên bang Nga - quỹ đầu tư quốc gia đầu tiên của nước này; và đến năm 2008 thì chia tách quỹ này thành Quỹ Dự phòng (Reserve Fund) và Quỹ Phúc lợi Quốc gia (National Welfare Fund).

Trong hai quỹ sau khi chia tách, quỹ đầu tiên là một phần của tài sản ngân sách liên bang, được sử dụng để cân bằng ngân sách tài chính nhằm tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi doanh thu từ dầu khí giảm sút; trong khi quỹ thứ hai được sử dụng để bù đắp thiếu hụt về lương hưu nếu có.

Toan tính của Nga khi tuyên bố Quỹ Phúc lợi Quốc gia sẽ không còn euro, chỉ tích trữ vàng, ruble và Nhân dân tệ - Ảnh 1.

Quỹ Phúc lợi Quốc gia của Nga sẽ được sử dụng để bù đắp thiếu hụt về lương hưu nếu có. Ảnh: Reuters

Từ năm 2014 đến 2016, Nga lần đầu tiên phải trải qua tình trạng giá dầu mỏ và giá hàng hóa chủ lực khác giảm mạnh. Sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Crimea, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt đối với Nga trên nhiều lĩnh vực. Kết quả là Nga rơi vào khủng hoảng tiền tệ và suy thoái kinh tế trầm trọng, phải sử dụng một lượng lớn tài sản quỹ để bù đắp cho khoản thâm hụt tài chính khổng lồ, dẫn đến việc cạn kiệt Quỹ Dự phòng vào cuối năm 2017.

Theo trang tin 163, Quỹ Dự phòng hiện đã hết tiền, Nga cần sáp nhập nó với Quỹ phúc lợi Quốc gia. Đến thời điểm này, mặc dù vẫn chưa đổi tên nhưng đây không còn đơn thuần là Quỹ Phúc lợi Quốc gia nữa.

Tỷ trọng của nhiều đồng tiền giảm về 0

Trang tin 163 nhận định, mặc dù tên của Quỹ phúc lợi Quốc gia không thay đổi, nhưng ý nghĩa của việc chia tách và sáp nhập là hoàn toàn khác nhau. Quan trọng nhất, cơ sở để bù đắp thiếu hụt về lương hưu nếu có đã bị buộc phải "chuyển trạng thái”.

Ngay từ năm 2013, quỹ hưu trí của Nga đã có chênh lệch thu chi và tăng dần qua các năm. Kể từ năm 2014, tiết kiệm hưu trí của Nga đã bị đóng băng. Năm 2020, Nga một lần nữa tuyên bố sẽ kéo dài thời gian đóng băng đến hết năm 2023 (trùng với thời điểm không còn tích trữ đồng euro lần này).

Theo trang tin 163, Nga đóng băng tiết kiệm hưu trí, không chỉ để giảm bớt áp lực ngày càng tăng đối với chi tiêu của quỹ hưu trí, mà còn để giảm gánh nặng cho tài chính liên bang. Nguồn tiền bị đóng băng không trực tiếp thuộc nguồn tài chính Liên bang Nga, nhưng được sử dụng để bù đắp lương hưu của những người lao động đã nghỉ hưu trong giai đoạn hiện tại.

Toan tính của Nga khi tuyên bố Quỹ Phúc lợi Quốc gia sẽ không còn euro, chỉ tích trữ vàng, ruble và Nhân dân tệ - Ảnh 2.

Kể từ khi tiết kiệm hưu trí bị đóng băng vào năm 2014, cuộc sống của người già ở Nga đã bị ảnh hưởng. Ảnh: Thời báo Moscow

Ngay cả khi tài chính không đáp ứng được nhu cầu, quy mô của Quỹ Phúc lợi Quốc gia - được sử dụng để tích lũy doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga – vẫn tiếp tục tăng trong năm 2022. Theo báo cáo của Bộ Tài chính Nga, tính đến đầu tháng 2/2023, Quỹ Phúc lợi Quốc gia có 10,46 tỉ euro, 307,44 tỉ Nhân dân tệ, 551,27 tấn vàng và 530,1 triệu ruble trong tài khoản độc lập tại các ngân hàng Nga.

Điều đáng nói là, kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine vào năm ngoái, Bộ Tài chính Nga đã liên tục giảm tỉ trọng của một số đồng tiền. Tỷ trọng đồng bảng Anh, yên Nhật và đô la Mỹ trong tài khoản tại Ngân hàng Trung ương Nga của Quỹ Phúc lợi Quốc gia đã trở về 0.

Từ góc độ này, trang tin 163 nhận định, chỉ là vấn đề thời gian trước khi đến lượt đồng euro có lượng tích trữ bằng 0.

Trong khi đó sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Nga vào năm ngoái, Sở giao dịch Moscow bắt đầu mở rộng giao dịch bằng Nhân dân tệ sẵn có.

Tháng 11/2022, tỉ lệ Nhân dân tệ trong các giao dịch trên thị trường ngoại hối của Sở giao dịch Moscow đã tăng lên 48%, so với mức chỉ 0,2% vào đầu năm ngoái.

Ngày 13/1 năm nay, Ngân hàng Trung ương Nga đã nối lại hoạt động kinh doanh ngoại hối mua và bán Nhân dân tệ.

Theo tờ Izvestia của Nga, lượng giao dịch Nhân dân tệ ngày càng tăng ở Nga có thể ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hình thành tỉ giá hối đoái của đồng ruble.

Theo Hữu Hiển

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên