MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPP đang gặp khó khi 2 ứng viên Tổng thống Mỹ không ủng hộ

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong quá trình phê chuẩn nhưng tình hình tại Mỹ có những diễn biến phức tạp khi 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ không ủng hộ TPP.

Báo cáo tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập về kinh tế chiều 26-8, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay Việt Nam đã hoàn thành đàm phán 12 khu vực tự do, 2 hiệp định chưa phê chuẩn và 4 hiệp định đang đàm phán. Một số hiệp định có mức tự do hóa cao như ASEAN 98%, ASEAN- Trung Quốc 90%, ASEAN- Hàn Quốc 86%, Việt Nam- Chi Lê 98%...

2 hiệp định chưa có hiệu lực là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) được đánh giá là hiệp định thế hệ mới khi mức cắt giảm thuế quan lên tới gần 100% với TPP, 99% với EU.

Thông tin cụ thể hơn về 2 hiệp định này, ông Khánh cho biết, TPP đang trong quá trình phê chuẩn nhưng tình hình tại Mỹ có những diễn biến phức tạp khi 2 ứng cử viên lên thay Tổng thống Mỹ Obama không ủng hộ TPP.

“Chúng tôi sẽ theo dõi sát diễn biến để có biện pháp ứng phó mọi tình hình. Mặt khác, để đảm bảo tính chủ động trong việc xây dựng pháp luật phù hợp với cam kết trong TPP, chúng tôi đã ban hành danh mục văn bản phải sửa đổi, bổ sung khi TPP có hiệu lực. Thời gian tới, đề nghị Ban chỉ đạo đôn đốc các bộ, ngành thực hiện đúng lộ trình theo danh sách các văn bản đó”, ông Khánh đề nghị.

Với EVFTA, các bên đàm phán đang hoàn tất việc rà soát pháp lý. Phiên rà roát pháp lý lần thứ 2 sẽ diễn ra vào tháng 9 với mục tiêu kết thúc rà soát pháp lý vào cuối năm 2016, phê duyệt hiệp định vào năm 2017 và chính thức thực thi hiệp định từ 2018.

Một điểm đáng chú ý với EVFTA là sự kiện Anh rời khỏi EU sẽ tác động như thế nào đối với Việt Nam, tới EVFTA? Trả lời câu hỏi này, ông Khánh cho hay: “Chừng nào Anh chưa rời EU thì Anh vẫn sẽ là thành viên của EU. EVFTA không có lý do gì mà bị điều chỉnh, thay đổi. Vì thế, đoàn đàm phán vẫn tích cực thực hiện các công việc để hoàn tất hiệp định. Khi nào Anh rời khỏi EU, nếu cần sửa đổi gì trong hiệp định thì chúng ta sẽ ngồi với EU”.

Đánh giá về quá trình thực thi các FTA, ông Khánh nhìn nhận, các FTA mà Việt Nam tham gia thời gian đầu chủ yếu là khu vực châu Á, trong khuôn khổ ASEAN. Thực tế quá trình thực thi cho thấy, việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định với ASEAN, ASEAN+ chưa rõ rệt, tỷ lệ tận dụng ưu đãi còn thấp. Đây cũng là vấn đề được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua.

Nguyên nhân của thực trạng này theo lý giải của vị lãnh đạo Bộ Công Thương là do những hiệp định Việt Nam tham gia trước đây chủ yếu là trong khu vực ASEAN, phần lớn là các đối tác có nền kinh tế trùng lặp, cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam nhiều hơn bổ sung. Nếu sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam yếu hơn thì sẽ khó tận dụng.

Mặt khác, tập quán làm ăn “bán tại cầu cảng”, phó mặc khâu mang hàng cho đối tác nước ngoài, không có nhu cầu ra nước ngoài tìm nguồn hàng... khiến nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến cắt giảm thuế ở nước ngoài bởi doanh nghiệp không phải người nộp thuế tại các nước.

Trong khi đó, cớ hội làm ăn ở trong nước đối với doanh nghiệp nhiều hơn, nhờ mối quan hệ mà vẫn có hợp đồng. Chính cách làm ăn kinh doanh như vậy chưa khuyến khích doanh nghiệp ra nước ngoài, vì thế khả năng nắm bắt, tận dụng cơ hội chưa rõ ràng.

Tất nhiên, vẫn có những doanh nghiệp đã tiến ra thị trường thế giới như Vinamilk, TH, Vĩnh Hoàn… lập công ty ở nước ngoài, phát triển hệ thống bán hàng riêng. Do vậy, cần khuyến khích doanh nghiệp ra thị trường bên ngoài, từ đó tận dụng tốt các ưu đãi.

Theo Phan Thu

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên