MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[TTCK tuần 11/12 - 17/12] Cổ phiếu dầu khí tỏa sáng trên TTCK Việt, TTCK thế giới điều chỉnh nhẹ ngoại trừ Mỹ

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa đi qua một tuần giao dịch thận trọng. Cùng lúc, TTCK thế giới đa phần đều có sự điều chỉnh nhẹ ngoại trừ thị trường Mỹ…

TTCK Việt Nam đi qua một tuần giao dịch thận trọng với sự tỏa sáng của cp dầu khí

Tuần qua, thị trường có một tuần điều chỉnh nhẹ. VN-Index đã có sự hồi phục nhất định vào cuối tuần sau những phiên căng thẳng nổi sóng, với áp lực thông tin về các vụ án kinh tế diễn ra trong ngành dầu khí.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 935,16 điểm, giảm 4,98 điểm (-0,52%) và HNX-Index chốt phiên ở 111,61 điểm, giảm 2,2 điểm (-1,96%) so với tuần liền trước. Khác với tuần liền kề trước, VN-Index đã kết thúc tuần trong không khí “cởi mở” hơn, sắc xanh chiếm ưu thế trên diện rộng phiên cuối tuần qua với sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu Bluechips VN30 và Large Cap như VJC, VCB, GAS, HPG, VRE, PNJ…

Sau phiên giao dịch có phần nổi sóng chao đảo ngày 12/12, thị trường lấy lại sự cân bằng khá tốt. Dù áp lực bán còn đeo bám nhưng cường độ bán tháo đã hạ nhiệt đáng kể. Sắc xanh nhờ đó cũng lan tỏa rộng trên thị trường trong những phiên cuối tuần. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng lại được đề cao, kéo theo sự sụt giảm mạnh của thanh khoản tuần qua. Thậm chí kỳ review ETF đợt này cũng khá mờ nhạt, tuy vậy lực bán ròng mạnh của các quỹ này cũng đã tác động mạnh lên nhóm cổ phiếu dẫn dắt và khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm khi kết phiên khi khối ngoại bán ròng 248 tỷ đồng.

Cổ phiếu nổi bật tuần qua không thể quên nhắc tới nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, tiêu biểu một vài mã dẫn sóng như PVD, PVS…cũng có sự hồi phục tốt trong những phiên giữa tuần qua trở đi. Đặc biệt hơn trong phiên gần cuối tuần, một số nhóm ngành tiêu biểu như thép, chứng khoán và dầu khí vẫn được đánh giá là các ngành hỗ trợ lớn nhất cho đà tăng điểm trong khi các ngành mang tính thị trường mạnh như bất động sản và ngân hàng lại đang thể hiện sự phân hóa khá rõ rệt.

Bên cạnh đó, CIG (CTCP Coma 18), đây đang là một cổ phiếu có sức tăng khá nóng trong tuần qua khi chỉ trong 1 tuần lễ rất ngắn ngủi, cổ phiếu đã tăng giá tới gần 40% lên mức 2.970 đồng/cp. Nguyên do CMG có chuỗi ngày tăng mạnh trong suốt cả tháng và tuần qua có thể là do dòng tiền đầu cơ đang ồ ạt đẩy vào sau chuỗi thời gian giá giảm mạnh thời gian trước đó.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự gia tăng đồng thuận về điểm số trong phiên cuối tuần, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự cải thiện đáng kể trong các phiên của tuần qua. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 21.943 hợp đồng (+38% so với tuần liền trước). Riêng hợp đồng VN30F1712 có mức tăng tới gần 37% so với tuần liền trước đó.

TTCK thế giới giảm nhẹ ngoại trừ thị trường Mỹ

Chứng khoán Mỹ tuần qua tiếp tục tăng điểm nhờ thông tin tích cực từ chương trình cải cách thuế của tổng thống Trump. Hầu hết các chỉ số chính đều tăng nhẹ trong tuần. Trong đó S&P 500 đóng cửa ở 2.675 điểm (tăng 0,87%), Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.651 điểm (tăng 1,3%) và Nasdaq Composite đóng cửa ở 6.936 điểm (tăng 1,3%).

Cổ phiếu của ngành hàng hóa tiêu dùng đã dẫn dắt sự tăng điểm, trước đó đã có thông tin về việc Disney mua phần lớn cổ phần của 21st Century Fox. Các cổ phiếu ngành điện và vật liệu vẫn tụt dốc, cổ phiếu năng lượng cũng yếu mặc dù giá dầu Brent leo lên mức 65 USD trong hôm thứ ba, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2015. Thỏa thuận mới vào cuối tháng 11 của OPEC và các nước không thuộc OPEC đã kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng, và việc đóng cửa một số đường ống gần đây cùng với một vài sự gián đoạn khác đã cung cấp thêm áp lực cung cho giá dầu. Cuộc họp của Fed trong tuần đã quyết định tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay, và khả năng sẽ tiếp tục tăng 3 lần nữa trong năm 2018 tới đây. Điều này đã được giới đầu tư dự tính trước từ rất lâu nên không gây được bất ngờ. Do đó thị trường Mỹ vào phiên cuối tuần không có nhiều biến động.

Các chỉ số chứng khoán chính của châu Âu nhìn chung đều giảm trong tuần, ngoại trừ chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.490 điểm (tăng 1,3%). Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.103 điểm (giảm 0,6%), chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.349 điểm (giảm 1,1%), còn chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha đóng cửa ở 10.150 điểm (giảm 1,8%).

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay chủ chốt và không thay đổi chương trình mua trái phiếu của mình trong cuộc họp tháng 12, nhưng ECB đã tăng dự báo tăng trưởng và lạm phát mục tiêu năm 2020. Trái phiếu chính phủ ở khu vực đồng euro đã chứng kiến mức giảm giá khiêm tốn. Trong tuần, lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức ít thay đổi. Trái phiếu chính phủ Ý đã bị bán ra mạnh vì các nhà đầu tư lo ngại những sự thay đổi về chính trị sau khi nước Ý đặt ra ngày 04/03/2018 là ngày bầu cử tổng thống.

Đối với thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 kết thúc tuần ở mức 22,553 điểm (giảm 1,13%) so với tuần trước đó. Trong cả năm nay, Nikkei 225 vẫn giữ vững vị trí tích cực khi đã tăng 17,99% (3.439 điểm) kể từ đầu năm 2017. Ngoài ra, chỉ số TOPIX cũng tăng 0,57% (10 điểm) trong tuần. Đồng Yên đóng cửa ở mức 112,33 yên/đô la Mỹ, giảm 1,03% so với tuần trước.

Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã hoàn thành ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế sau nhiều năm đàm phán. Hiệp định này mở ra triển vọng phát triển thương mại bao gồm 600 triệu khách hàng và gần 1/3 nền kinh tế toàn cầu, đồng thời loại bỏ thuế quan trên hơn 95% sản phẩm giữa các thị trường. Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường nông nghiệp đối với hàng nhập khẩu của châu Âu, bao gồm rượu vang và pho mát. Trong khi đó Liên minh Châu Âu sẽ giảm đáng kể các rào cản đối với các công ty công nghệ và xe hơi Nhật Bản. Các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản và Châu Âu đang kỳ vọng thỏa thuận hợp tác này là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa hai thị trường và dấu hiệu đáng khích lệ để hướng tới sự cởi mở trong nền kinh tế toàn cầu.

Chứng khoán Trung Quốc có những diễn biến trái chiều trong tuần qua. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.266 điểm (giảm 0,72%), còn chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 28.848 điểm (tăng 0,7%). Một loạt dữ liệu kinh tế trong thời gian qua cho thấy sự tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm trong tháng trước và một số biện pháp thắt chặt của ngân hàng trung ương là những dấu hiệu mới nhất cho thấy nước này có thể rơi vào trạng thái chậm lại sau khi tăng trưởng mạnh mẽ bất ngờ vào năm 2017.

Sản lượng công nghiệp - một thước đo của hoạt động kinh tế - đã tăng chậm lại 2 tháng liên tiếp. Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định trong 11 tháng đầu năm 2017 giảm so với năm trước. Cả hai dữ liệu đều khớp với ước tính của các nhà kinh tế. Doanh số bán lẻ tăng 10,2%, cao hơn mức tăng của tháng 10 nhưng vẫn còn thấp hơn mong đợi. Các nhà kinh tế cho rằng sự suy giảm sản lượng công nghiệp là kết quả một chiến dịch chống ô nhiễm chính thức đã bắt đầu hồi đầu năm nay, trong khi sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh bất động sản dường như là nguyên nhân chính làm giảm đầu tư vào các loại tài sản cố định.

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên