MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VDSC: “Những phiên hưng phấn của thị trường trong tháng 10 là cơ hội để NĐT giảm tỷ trọng cổ phiếu đầu cơ hoặc đã tăng quá mạnh kể từ đầu năm”

Trong bối cảnh (1) VnIndex đang ở ngưỡng cao nhất kể từ năm 2008 và (2) NĐT nước ngoài không còn giai ngân tích cực như trong nửa đầu năm thì VDSC cho rằng việc giải ngân trong tháng 10 cần thận trọng.

Điểm nhấn trên TTCK Việt Nam trong tháng 9 vừa qua là việc chỉ số VnIndex đã chinh phục thành công ngưỡng 800 điểm. Bên cạnh đó, tháng 9 cũng đánh dấu tháng bán ròng đầu tiên trong năm 2017 của NĐT nước ngoài với tổng giá trị trên HoSE và HNX gần 700 tỷ đồng.

Về diễn biến giao dịch, các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với các câu chuyện đơn lẻ của mình như VNM, SAB và BHN liên quan đến phương án thoái vốn Nhà nước, GAS với câu chuyện giá dầu, nhóm cổ phiếu ngân hàng với các kỳ vọng về chuyển biến lợi nhuận cũng như khả năng bán vốn cho NĐT chiến lược nước ngoài... là những nhân tố chính chi phối diễn biến chỉ số.

Mặc dù sự tác động của các câu chuyện trên chỉ mang tính ngắn hạn song lại khiến VnIndex bị bóp méo và bức tranh thực của thị trường trở nên không rõ ràng. Do thiếu sự đồng thuận chung của thị trường, mức độ hào hứng của NĐT cũng giảm nhiệt trước áp lực bán ròng từ NĐT nước ngoài khiến chỉ số biến động trong kênh giá hẹp trong hai tuần cuối tháng.

VnIndex biến động từ 787 – 810 điểm trong tháng 10, cơ hội cho NĐT cơ cấu danh mục

Đánh giá diễn biến của chỉ số chung trong tháng 10, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng các yếu tố trên sẽ tiếp tục chi phối VNIndex. Việc thiếu sự đồng thuận của toàn thị trường chỉ số khó có khả năng đi xa hơn mốc 810 điểm trong ngắn hạn. Trong khi đó, xét về yếu tố cơ bản, hầu như không có kỳ vọng mới hứa hẹn sẽ mang lại sự hưng phấn nhiều hơn cho NĐT. Yếu tố nâng đỡ thị trường trong giai đoạn hiện tại vẫn là sự ổn định vĩ mô và tăng trưởng GDP đang đi theo đúng kỳ vọng của nhà điều hành.

VDSC cũng thể hiện mối quan ngại trong ngắn hạn với sự tham gia kém nhiệt tình của NĐT nước ngoài. Thực tế tín hiệu đã phát ra từ tháng 8 với mức độ tham gia thị trường của khối này giảm hẳn so với mức trung bình thông thường. Sang tháng 9, NĐT nước ngoài thực sự đã bán ròng. Sự tham gia của NĐT nước ngoài vốn dĩ vẫn được xem là trợ lực rất lớn đối “tâm lý” NĐT trong nước.

Do vậy, động thái giao dịch của NĐT nước ngoài vẫn cần được quan sát chặt chẽ trong tháng 10, để xác nhận chắc chắn về sự “e ngại” của khối ngoại trước mức định giá tương đối cao hiện tại của VNIndex.

Điểm lạc quan là thanh khoản duy trì ở mức trên 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, mặc dù một số cổ phiếu đầu cơ tăng nóng trong tháng 9 nhưng càng về cuối tháng thì dòng tiền đã nhanh chóng rút khỏi nhóm này. Có thể nhận thấy tâm lý thận trọng, mang tính "bảo toàn thành quả" của nhà đầu tư khi hạn chế đua nóng theo nhóm đầu cơ đồng thời không vội vã mua đẩy giá cổ phiếu vốn hóa lớn khi thị trường tiệm cận vùng 800 điểm.

Khi quý 3 kết thúc, giới đầu tư đã bắt đầu truyền tai ước tính về KQKD quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết. Tuy vậy, bức tranh ước đoán về lợi nhuận chưa đủ làm luận cứ thuyết phục cho việc tích lũy cổ phiếu.

Biểu đồ “nhiệt” diễn tả tính chu kỳ của VnIndex của Bloomberg cho thấy xác suất chỉ số tăng điểm thấp hơn xác suất giảm điểm trong tháng 10, và xác suất rất cao là chỉ số sẽ giảm điểm trong tháng 11. Điều này cho thấy tác động của mùa công bố KQKD quý 3 thường khá mờ nhạt.

Sự tăng giảm luân phiên của các cổ phiếu vốn hóa lớn tạo nên sự cân bằng cho VnIndex, giúp mức P/E thị trường không vượt quá xa ngưỡng 16.x thiết lập trong năm nay.

Trong tháng 10, VDSC dự báo VnIndex sẽ biến động trong khoảng 787 – 810 điểm. Trong bối cảnh (1) VnIndex đang ở ngưỡng cao nhất kể từ năm 2008 và (2) NĐT nước ngoài không còn giai ngân tích cực như trong nửa đầu năm thì VDSC cho rằng việc giải ngân trong tháng 10 cần thận trọng. Những phiên hưng phấn quá mức của thị trường là cơ hội để NĐT cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu đầu cơ hoặc đã tăng quá mạnh kể từ đầu năm, đồng thời sàng lọc và tích lũy dần cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cho mục tiêu đầu tư trung – dài hạn.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên