MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Vết sẹo mau lành” của nền kinh tế lớn nhất thế giới: Tất cả do may mắn?

30-10-2023 - 11:33 AM | Tài chính quốc tế

“Vết sẹo mau lành” của nền kinh tế lớn nhất thế giới: Tất cả do may mắn?

Có một điều rõ ràng rằng quốc gia này đã thành công, ngay cả khi không ai tin vào điều đó.

*Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của ông Paul Krugman, giáo sư kỳ cựu của trung tâm Luxembourg Income Study Center thuộc Đại học New York. Ngoài ra, ông còn là giáo sư danh dự tại Trường Quan hệ Công chúng và Quốc tế Princeton.

Ban đầu, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Hầu hết các quốc gia đều đóng cửa, một phần vì các lệnh phong toả và vì mọi người sợ bị nhiễm bệnh. Tại Mỹ, 20 triệu việc làm đột nhiên biến mất.

Vào thời điểm đó, người ta lo ngại rằng đại dịch sẽ để lại những vết sẹo sâu cho nền kinh tế. Vì trước đây, các quốc gia phục hồi rất yếu ớt sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. GDP thực ở nhiều nước thấp hơn nhiều so với dự đoán trước khủng hoảng. Thật vậy, khi thế giới sắp tiến đến kỷ niệm 4 năm xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn.

Nhưng đó không phải là câu chuyện của nước Mỹ, vì Mỹ phục hồi mạnh mẽ nhất trong số các quốc gia phát triển. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ kể từ năm 2019 đến nay đã vượt quá dự đoán trước Covid-19.

“Vết sẹo mau lành” của nền kinh tế lớn nhất thế giới: Tất cả do may mắn? - Ảnh 1.

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số người Mỹ, và 60% thành viên Đảng Cộng hoà nói rằng tỷ lệ thất nghiệp đang gần mức cao nhất trong 50 năm. Nhưng thực tế, tỷ lệ này đang ở gần mức thấp nhất kể từ thập niên 1960.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ tăng mạnh. Tỷ lệ người lao động tự nguyện nghỉ việc cao, điều thường cho thấy một thị trường lao động tốt vì mọi người tự tìm được việc làm mới.

Vậy còn lạm phát thì sao? Khi so sánh, Mỹ cũng có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn. Ông Paul Krugman gần đây có tham gia một dự án có tên Truflation. Dự án này được cho là sử dụng blockchain và được hỗ trợ một phần bởi các loại tiền số. Tưởng rằng dự án nhằm mục đích chứng minh lạm phát thực còn cao hơn nhiều, những con số lại cho thấy lạm phát đã giảm mạnh trong năm qua.

“Vết sẹo mau lành” của nền kinh tế lớn nhất thế giới: Tất cả do may mắn? - Ảnh 2.

Tỷ lệ lạm phát của các quốc gia G7 từ quý 1/2021 đến quý 2/2023. Nguồn: Nhà Trắng

“Vết sẹo mau lành” của nền kinh tế lớn nhất thế giới: Tất cả do may mắn? - Ảnh 3.

Tỷ lệ lạm phát lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) của các quốc gia G7 từ quý 1/2021 đến quý 2/2023. Nguồn: Nhà Trắng

Thành công về kinh tế của Mỹ liệu có thật và có đáng chú ý? Và nước Mỹ đã làm điều đó như thế nào?

Công bằng mà nói, một phần thành quả là do may mắn. Xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra cú sốc năng lượng ở châu Âu, vì họ vốn phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Trong khi đó, Mỹ là quốc gia xuất khẩu khí đốt nên ít bị ảnh hưởng hơn nhiều.

Yếu tố thứ hai quan trọng hơn là Mỹ đã tích cực theo đuổi các chính sách tài khoá mở rộng. Đầu năm 2021, chính quyền tổng thống Biden ban hành một dự luật chi tiêu rất lớn. Nhiều nhà kinh tế học chỉ trích và cảnh báo rằng khoản chi tiêu này sẽ thúc đẩy lạm phát trong một thời gian. Nhưng lạm phát đã hạ nhiệt và nền kinh tế dồi dào việc làm. Đây được cho là lần đầu tiên nước Mỹ có đầy đủ việc làm thực sự sau nhiều thập kỷ.

Mặt khác, thị trường việc làm mạnh mẽ có thể mang lại những lợi ích to lớn về lâu dài bằng cách thu hút những người bên lề xã hội tham gia vào lực lượng lao động. Trên thực tế, tỷ lệ người Mỹ trưởng thành trong độ tuổi lao động hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 20 năm. Một con số đặc biệt đáng chú ý là sự tham gia lao động của người khuyết tật đã tăng vọt.

“Vết sẹo mau lành” của nền kinh tế lớn nhất thế giới: Tất cả do may mắn? - Ảnh 4.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người từ 25-54 tuổi.

Một điều cuối cùng là cách nước Mỹ ứng phó trong đại dịch. Khi Covid bùng phát, các quốc gia tiên tiến đều áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế khó khăn kinh tế, nhưng cách tiếp cận mỗi nước lại khác nhau. Các quốc gia châu Âu thường trả thêm tiền để giữ chân người lao động, ngay cả khi họ tạm thời không làm việc. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp Mỹ quyết định sa thải, nhưng bảo vệ người lao động bằng các khoản trợ cấp thất nghiệp mở rộng.

Mỗi cách tiếp cận có lý riêng. Cách tiếp cận của Châu Âu đã giúp người lao động kết nối với công việc cũ của họ. Cách tiếp cận của Mỹ tạo ra sự linh hoạt, giúp người lao động dễ dàng chuyển sang các công việc khác hơn nếu nền kinh tế hậu đại dịch thay đổi so với trước kia.

Và giáo sư Paul Krugman đoán rằng cách tiếp cận của Mỹ đã đúng. Covid đã tác động lâu dài đến công việc cũng như chi tiêu của mọi người, chẳng hạn như việc làm từ xa vẫn tồn tại. Vì vậy, phản ứng của Mỹ đối với Covid-19 mặc dù sẽ tạm thời khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nhưng có lẽ điều đó đã tạo tiền đề cho sự phục hồi mạnh mẽ.

Và chắc chắn là còn nhiều yếu tố khác đằng sau câu chuyện hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Nhưng có một điều rõ ràng rằng quốc gia này đã thành công, ngay cả khi không ai tin vào điều đó.

Theo The New York Times

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên