MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1 lô hàng “cõng” 43 triệu đồng tiền phí: Lợi nhuận của DN ở đâu?

Có hàng loạt sản phẩm xuất khẩu phải chịu mức phí hơn 40 triệu đồng/lô hàng. Theo các chuyên gia mức phí này quá lớn, mà nhiều khi bằng cả lợi nhuận của một lô hàng.

Tại hội thảo “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 18/6, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM lo ngại, vấn đề phí và lệ phí đang đè nặng lên doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, ông Cung cho biết, qua 3 tháng đầu năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 19 còn chậm và chưa thực sự bám sát tinh thần của nghị quyết này.

1 lô hàng “cõng” 43 triệu đồng tiền phí: Lợi nhuận của doanh nghiệp ở đâu?

Theo Viện trưởng CIEM, trong các Bộ, có 2 Bộ tập trung nhiều là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong khi các Bộ đang triển khai chậm như thế, lại có một dòng chảy các quy định khác đang đè lên doanh nghiệp và người dân.

“Trong khi các nước xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với các mặt hàng nhập khẩu và khuyến khích xuất khẩu thì Việt Nam đang làm ngược lại” – ông Cung chia sẻ.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Thanh Bình – chuyên gia Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của USAID Việt Nam (USAID GIG), chuyên gia về lĩnh vực hải quan – cho biết, các công ty xuất khẩu dăm gỗ ở miền Trung có văn bản phản ánh, mức thu phí kiểm dịch hiện nay không thu theo mẫu kiểm dịch mà thu theo lô.

Họ cứ quy định 500 tấn là 1 lô kiểm dịch. Một tàu 40.000 tấn dăm gỗ xuất khẩu được chia ra làm 80 lô. Với mức thu phí kiểm dịch 540.000 đồng/lô, phí kiểm dịch cho 1 tàu hàng là 43.200.000 đồng.

“Nói đến kiểm dịch, lâu nay chúng tôi vẫn áy náy, băn khoăn khi nói đến cách thu phí kiểm dịch. Người thì thu theo mẫu, người thu theo trị giá, trọng lượng... để tính vào giá kiểm dịch nói chung. Tôi cho đây là một vấn đề không minh bạch” - ông Bình nói.

Trước phản ánh của ông Bình, TS Nguyễn Đình Cung lo ngại: “Lại là vấn đề phí. Một lô hàng xuất khẩu mà phí thu tới 43 triệu đồng thì doanh nghiệp còn đâu lợi nhuận? Đây quả thật là một khó khăn đối với doanh nghiệp”.

Đồng thời, ông Bình cũng cho biết, có hàng loạt sản phẩm xuất khẩu phải chịu mức phí hơn 40 triệu đồng/lô hàng. Mức phí này quá lớn, mà nhiều khi bằng cả lợi nhuận của một lô hàng cũng. Thu phí thế này sẽ giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Chưa kể, các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường không yêu cầu phải kiểm dịch khi xuất khẩu (ví dụ thị trường Nhật Bản), nhưng cơ quan kiểm dịch thực vật trong nước vẫn yêu cầu phải thực hiện kiểm dịch thực vật tại Việt Nam theo quy định của Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 5/9/2014.

Không những thế, thời gian chờ đợi kiểm định thường kéo dài hơn 2 tuần, làm chậm trễ thời gian thông quan và phát sinh chi phí lưu bãi, lưu kho tại cảng.

Một lô hàng cần hàng trăm tờ khai hải quan

Theo ông Bình, hiện theo quy tắc của thủ tục hải quan, tờ khai hải quan không được quá 50 dòng hàng. Cho nên, với các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều đến hàng mấy trăm mặt hàng một lúc như linh kiện sản xuất ô tô, linh kiện điện tử, dệt may, trong khi thường tờ khai trước đây chỉ cần 1 tờ cho lô hàng, giờ với hệ thống thông quan tự động (VNACCS) cần hàng chục tờ khai.

Ông Bình cho biết thêm, theo khảo sát mới đây tại doanh nghiệp Toyota, thông thường 1 lô hàng cần hàng trăm tờ khai.

“Tờ khai hải quan trên điện tử thì không có vấn đề lắm. Vấn đề ở chỗ kèm theo 100 tờ khai là 100 giấy nộp tiền. Hiện 100 giấy nộp tiền này, bản thân ngân hàng chưa giải quyết được vấn đề 1 lô hàng là 1 giấy nộp tiền, mà vẫn phải cần 100 giấy nộp tiền riêng rẽ” - ông Bình nói.

Theo quy định của Hải quan, sau khi nộp thuế thì với kết nối giữa ngân hàng và kho bạc, tiền thuế hải quan đã được ngân hàng chuyển thông điệp nộp tiền tới cơ quan hải quan. Nhưng về phía doanh nghiệp, do không biết nên cứ cẩn thận đến ngân hàng lấy 100 tờ đó về.

Còn đối với mặt hàng thép, tỷ lệ lấy mẫu kiểm định lại quá cao, không theo sản lượng xuất khẩu mà theo lô sản xuất cũng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Khi lấy mẫu để kiểm định, cơ quan kiểm định cắt một phần sản phẩm (thép tấm, thép hình,…) làm cho sản phẩm đó trở thành phế phẩm và không còn giá trị sử dụng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Ví dụ như đối với thép tấm carbon, doanh nghiệp mất khoảng 5.000-10.000 USD/tấm thép” - ThS. Nguyễn Minh Thảo – Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên