MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bội chi ngân sách: Giảm dần chứ không thể giảm ngay

Bộ trưởng Bộ Tài Chính – Vũ Văn Ninh cho rằng: “dư nợ ở mức độ vừa phải, vẫn đảm bảo phát triển đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội theo chúng tôi là tích cực”

Nợ quốc gia và nợ chính phủ năm 2009 tăng

Những năm vừa qua thu ngân sách cũng đã có tăng, nhưng không tăng nhanh do nền kinh tế nước ta vẫn ở trình độ phát triển còn thấp và đang trong giai đoạn phát triển. Thêm vào đó chúng ta phải thực hiện việc giảm động viên, khuyến khích cho các doanh nghiệp, dần tích tụ tăng khả năng sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh, chủ động hội nhập.

Thu chỉ đáp ứng được cơ bản nhiệm vụ chi tiêu, an sinh xã hội, tiền lương và chi thường xuyên và có một phần nhỏ dành cho đầu tư phát triển. Do đó, vẫn phải chấp nhận bội chi để tăng đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội cũng như đẩy mạnh đầu tư để phát triển kinh tế nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Đối với vay ngoài nước, chủ yếu là vay ODA lãi xuất nhẹ, vấn đề bội chi chính là vấn đề để huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước thông qua hình thức vay để cho đầu tư phát triển.

Năm 2009, nợ quốc gia và nợ chính phủ tăng hơn so với năm trước theo Bộ trưởng Bộ Tài Chính là do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, năm 2009, Quốc hội cho tăng bội chi ở mức 7% sau đó Chính phủ đã dự báo là xin Quốc hội cho điều chỉnh phạm vi 6,9%. Ngoài ra, trong gói kích cầu tại Văn bản Số 77 Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội, có một gói giải pháp kích cầu là khoảng 145 nghìn tỷ, tương đương 8 tỷ đô la, trong đó có ứng chi ngân sách là 37.200 tỷ, cộng với phát hành trái phiếu thêm là 20.000 tỷ để tăng cho đầu tư.

Với 2 lý do đó, cho nên mức đầu tư từ trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2006 bình quân phát hành trái phiếu Chính phủ chỉ có 7.630 tỷ đồng/một năm thôi. Đến giai đoạn 2007-2010 đã tăng lên 40.770 tỷ đồng/một năm và năm 2010 này chúng ta vẫn phát hành 56.700 tỷ đồng/một năm. Chính vì thế cho nên đã tăng dư nợ Chính phủ. Phát hành trái phiếu Chính phủ này chủ yếu là cho các trục đường giao thông, đường liên xã, thủy lợi, y tế, giáo dục v.v.

Vay nợ nước ngoài và vay trung hạn, dài hạn là chủ yếu, chiếm 86,5%

Theo Bộ trưởng, cơ cấu nợ hiện nay của chúng ta là vay nợ nước ngoài và vay trung hạn, dài hạn là chủ yếu, chiếm 86,5%. cơ cấu nợ của chúng ta cũng khá bền vững và được các nước đánh giá nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ.

Vay World Bank có thời hạn 40 năm, trong đó 10 năm ân hạn lại suất 0,75%/năm, vay ADD là 30 năm trong đó 10 ân hạn lãi suất 1%/năm v.v.

Với các dự án vay ODA này chủ yếu cho các trục đường quan trọng và các công trình có tầm cỡ quốc gia. Tôi ví dụ như đường cao tốc Long Thành - Giầu Dây, cải tạo Quốc lộ 1, cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân, cảng Cái Nước, Thị Vải, các công trình điện và thủy điện, thủy lợi v.v.

Vay ngắn hạn lãi suất thương mại khoảng 13,5%, trong đó nợ Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp, cho các dự án đầu tư có hoàn vốn trên 11% tổng số dư nợ.

Được biết hiện nay, Việt Nam đã trả đầy đủ các khoản nợ, không có khoản nợ xấu, không có khoản nào đến hạn mà không trả được. Bộ trưởng cho rằng, “nếu dư nợ thấp, nhưng nếu không trả được cũng là nguy cơ rất lớn, dư nợ ở mức độ vừa phải, vẫn đảm bảo phát triển đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội theo chúng tôi là tích cực”.

Giảm bội chi ngân sách: Cần có một lộ trình

Năm 2007, bội chi là 56.500 tỷ đồng, đến năm 2009 thì con số này đã lên đến 115.900 tỷ đồng, coi như tăng gấp đôi.

Giảm bội chi ngân sách, giảm gánh nặng nợ quốc gia. Tuy nhiên, để thực hiện được theo ý kiến nhiều đại biểu nên có xây dựng lộ trình giảm bội chi ngân sách. Ở các kỳ họp Quốc hội, Quốc hội chúng ta đã thống nhất đặt ra mục tiêu trung dài hạn là có lộ trình giảm bội chi dưới 5% GDP trong trung hạn.

Tại hội trường cũng có ý kiến của đại biểu cho rằng nên ấn định con số tuyệt đối cho mức bội chi ngân sách. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết – Yên Bái: “Quốc hội khi quyết định chỉ tiêu về bội chi chính sách thì nên chăng không quyết với tỷ lệ % so với GDP nữa, mà quyết với số tuyệt đối, vì như vậy là tăng thu lên song trùng với tăng bội chi thì cũng không giải quyết được vấn đề gì”.

Trong Nghị quyết 32 của Quốc hội đã ghi: "Chấp nhận bội chi dưới 7%, phấn đấu giảm dần vào các năm sau".

Ông Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “chúng tôi muốn nói là phải giảm dần chứ không thể giảm một lúc được. Chính vì thế năm 2010 đã giảm xuống 6,2, tiếp tục những năm sau phải giảm xuống dưới 5”.



Q. Nguyễn
Theo Quốc Hội Việt Nam

quynhnn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên