MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải thiện môi trường đầu tư

Rõ ràng, nếu không quyết liệt cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kỳ vọng “đuổi kịp và vượt” có thể chỉ là mơ ước không bao giờ thành hiện thực!

Sau 1 năm thăng trầm, nhiều lời khen, nhưng cũng không ít tiếng chê, lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đã khởi động năm 2013 với những tín hiệu khả quan. Bên cạnh mức tăng 74% về vốn đăng ký tháng 1, so với cùng kỳ năm ngoái, một số dự án khổng lồ cũng đã rục rịch chuyển động ngay từ những ngày đầu năm.

Nổi bật hơn cả là dự án trị giá 30 tỷ USD được ví như “Phố Wall Hà Nội”, một đô thị hiện đại trên diện tích 35km2 cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 4km của Tập đoàn Global Sphere (trụ sở chính tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất). Tập đoàn Global Sphere không phải là một cái tên xa lạ với giới kinh doanh Việt Nam: tuy đây là dự án độc lập đầu tiên, nhưng trước đó, doanh nghiệp này đã tham gia vào nhiều hợp đồng hàng trăm triệu USD với các đối tác ở Việt Nam, trong đó có nhiều hạng mục đang được thực hiện; phần lớn đều thuộc lĩnh vực hạ tầng như xây dựng đường sá, các giải pháp về điện tử, công nghệ... “Đầu xuôi”, nhưng liệu năm 2013 có là một năm khởi sắc với FDI?

Theo kết quả khảo sát hoạt động năm 2012 của ngành công nghiệp hỗ trợ tiến hành tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương, tỷ lệ doanh nghiệp quyết định không đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh là khá cao, lên tới 16,3%. Điều đáng nói là trong một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp còn lưỡng lự chưa quyết định có mở rộng sản xuất kinh doanh trong 3 năm tới hay không (chiếm 42,3%), tỷ lệ doanh nghiệp FDI cao hơn mức chung (44,5%), cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam còn ít chắc chắn hơn các nhà đầu tư nội.

Trong diễn biến khác, theo báo cáo điều tra tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố cuối tháng 1 vừa qua, dù đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản, nền kinh tế đứng đầu danh sách đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, vẫn chưa hài lòng về những điều kiện hiện có. Có 34,2% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tin rằng năm 2013 sẽ tốt hơn đối với họ, tăng 13,8% so với năm ngoái.

Thế nhưng, họ không quên chỉ ra rằng chi phí nhân công ở Việt Nam hiện nay là 18,3% giá thành sản phẩm, cao hơn mức 16,8% của toàn khối ASEAN. Quan trọng hơn, tỷ lệ nội địa hóa chỉ ở mức 27,9%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung là 47,8% và so với mức 60,8% của Trung Quốc hay 52,9% của Thái Lan, thậm chí cả Indonesia (43,3%); đồng nghĩa với việc thiếu chủ động trong sản xuất; đồng thời chi phí cũng bị đẩy lên cao. Đó là chưa kể những lời phàn nàn quen thuộc về “con đường thủ tục” và thái độ làm việc của nhân viên công quyền...

Ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, nhận xét, so với Thái Lan, Việt Nam đang “chậm hơn khoảng 20 - 30 năm”. Năm 2011, đầu tư của Nhật Bản vào Thái Lan gấp 2,3 lần về số dự án và gấp 2,8 lần về vốn so với đầu tư vào Việt Nam. Dẫu vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút khoảng 20 tỷ USD mỗi năm và vượt qua Thái Lan.

Rõ ràng, nếu không quyết liệt cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kỳ vọng “đuổi kịp và vượt” có thể chỉ là mơ ước không bao giờ thành hiện thực!

Theo Anh Thư

SGGP

thunm

Trở lên trên