MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ?

Không biết các địa phương có cung cấp được chứng cứ gì về việc có đến 99% số công chức đã hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Chỉ có 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ là kết quả sơ bộ được tổng hợp từ báo cáo của các địa phương. Đây là một con số đầy ấn tượng (được cung cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày 20.9.2013).

Thế nhưng, cho dù con số này có ấn tượng đến đâu đi chăng nữa, thì cái chúng ta vẫn tin vào nhiều hơn là tính chất rất “sơ bộ” của nó.

Thật vậy, cứ nhìn vào kết quả chữa cháy tại Trung tâm thương mại Hải Dương ngày 15.9 vừa qua, hay kết quả quản lý giá sữa, quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm… chúng ta sẽ biết ngay các công chức đang hoàn thành nhiệm vụ như thế nào.

Chúng ta hiểu Bộ Nội vụ không lấy con số “chỉ 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ” từ trên trần nhà xuống.

Đây là con số được tổng hợp từ báo cáo của các địa phương. Vấn đề là khi báo cáo, không biết các địa phương có cung cấp được chứng cứ gì về việc có đến 99% số công chức đã hoàn thành nhiệm vụ hay không, hay là họ cứ đưa đại các con số vào trong báo cáo mà không cần chứng minh gì cả?

Xác thực cho bằng được con số mà các địa phương cung cấp là rất quan trọng. Bởi vì rằng nếu chúng ta tổng hợp tất cả các con số được lấy từ trên trần nhà xuống, thì con số mà chúng ta có được cũng chỉ là một con số được lấy từ trên trần nhà xuống mà thôi. Một con số như vậy sẽ đánh lừa chúng ta, và dẫn dắt chúng ta đi lạc mất đường.

Các cơ quan dân cử ở nước ta đang tổ chức hoạt động giám sát, giải trình ngày một nhiều hơn. Các hoạt động này hy vọng sẽ góp phần làm minh bạch hóa chính sách, pháp luật cũng như hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, để hoạt động giám sát, giải trình thật sự hữu ích cho nền quản trị quốc gia, thì các số liệu được cung cấp cho Quốc hội ở trung ương và cho các cơ quan dân cử khác ở địa phương bắt buộc phải chính xác và khách quan.

Mà như vậy, thì chúng ta không thể không quan tâm đến chất lượng của hoạt động thống kê, hoạt động kế toán và kiểm toán; không thể không áp đặt một chế độ trách nhiệm rõ ràng, nghiêm khắc đối với việc cung cấp thông tin, số liệu và việc làm báo cáo.

Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng

thanhhuong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên