MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên đón thêm FDI vào dệt may?

Cơ hội sẽ đến với những công ty dệt may trong nước muốn bứt ra khỏi thị trường nội địa để tham gia chuỗi toàn cầu.

Rất nhiều công ty Đài Loan đang chọn tăng đầu tư sang Việt Nam, do có thể được hưởng nhiều ưu đãi trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Jeff Chou - chuyên viên tư vấn của Công ty kiểm toán Ernst & Young cho biết, qua khảo sát những DN Đài Loan chuẩn bị đầu tư ra nước ngoài thì mức độ quan tâm rất lớn của họ đang tập trung vào ngành dệt may và hàng công nghiệp truyền thống, thay vì đầu tư vào công nghệ cao.

Trong xu hướng đó, giới đầu tư Đài Loan rất thích đặt nhà máy dệt may ở Việt Nam. Ngoài mở rộng đầu tư những dự án hiện hữu, trong thời gian gần đây nhiều NĐT đang tham khảo giá thuê đất ở các khu công nghiệp. Một NĐT Đài Loan thừa nhận, nguyên nhân họ quan tâm đến việc đặt nhà máy dệt may ở Việt Nam chủ yếu tận dụng lượng lao động phổ thông dồi dào, chi phí nhân công rẻ... Nhưng không chỉ có Đài Loan mà còn có Hàn Quốc, Hồng Kông… đều đang chờ cơ hội để nhảy vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đó dường như là xu hướng không thuận trong quan điểm thu hút đầu tư của Chính phủ. Thời gian gần đây, một số quan điểm cho rằng, đã đến lúc nền kinh tế Việt Nam cần chọn lọc các dự án đầu tư thay vì như giai đoạn đầu đổi mới thu hút đại trà. Theo đó, đã đến lúc ưu tiên nhiều hơn cho những dự án đầu tư có sức lan tỏa lớn, áp dụng công nghệ cao... Đơn cử như một số dự án công nghệ cao đến từ Hàn Quốc thời gian qua đã góp phần tạo ra các giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam.

Đồng tình với chủ trương này, nhưng theo một số chuyên gia kinh tế, các DN trong nước cũng nên hiểu rằng, mỗi khoản đầu tư đều mang lại lợi ích riêng của nó. Trong khi đó, các lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi lực lượng lao động có chất lượng cao. Khi Việt Nam chưa đủ khả năng cung cấp lao động lĩnh vực này thì chưa thực sự hấp dẫn đối với NĐT.

Nhưng điều quan trọng mà các DN trong nước phải nhìn nhận là ngành dệt may Việt Nam đang có cơ sở phát triển rất tốt chứ không hẳn chỉ để tận dụng được nguồn nhân công giá rẻ. Minh chứng rõ nhất là NĐT Đài Loan không phải là duy nhất nhìn thấy cơ hội ở ngành dệt may Việt Nam. Thương vụ IPO 2.700 tỷ đồng tới đây của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã thu hút nhiều sự quan tâm của NĐT các nước khác. 

Bản thân Vinatex cũng cho biết, đang tập trung nguồn lực để hoàn thiện chuỗi sản xuất xuyên suốt từ bông đến hàng may mặc nhằm chuẩn bị cho Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU...

Nhưng, tiếp tục đón vốn Đài Loan, hay Hàn Quốc, Hồng Kông… để giải quyết công ăn việc làm chưa có tay nghề cao thì các DN nội địa tận dụng được gì trong chuỗi giá trị dệt may, hay NĐT lại chọn mô hình đầu tư 100% vốn nước ngoài và sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu? Ông Jeff Chou khuyến nghị, Việt Nam nên giải quyết hiệu quả hệ thống tài chính và kiểm soát vốn, nếu muốn tiếp tục đón luồng đầu tư từ các nước nói trên.

Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành “cái nôi” hoàn thiện chuỗi sản xuất xuyên suốt từ bông sợi đến thành phẩm hàng may mặc xuất khẩu. Cơ hội sẽ đến với những công ty dệt may trong nước muốn bứt ra khỏi thị trường nội địa để tham gia chuỗi toàn cầu. Từ đó, tăng sức ép cho các DN trong nước hoàn thiện mô hình quản trị, kế toán…

>>>Kinh tế Việt Nam ổn định với động lực chính từ FDI


cucpth

Theo Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên