MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đàm phán các hiệp định thương mại tự do kiểu mới: Miếng ngon không dễ xơi

"Trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do kiểu mới, các đối tác đang đưa ra những đòi hỏi rất cao mà với mức độ cam kết như khi gia nhập WTO là không thể đủ."

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam Trần Quốc Khánh tại Hội thảo "Quốc hội với việc đàm phán ký kết FTA" diễn ra ngày 15/4 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Khánh cho biết, tới nay Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký kết 8 hiệp định thương mại tự do truyền thống tập trung chủ yếu tại châu Á, các nền kinh tế láng giềng khu vực như ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU…

Ngoài TPP, hiện Việt Nam đang có 5 FTA mới đang đàm phán, gồm: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Karzakstan (VCUFTA), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN+6 (RCEP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Khối EFTA (VEFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).
 "Các hiệp định thương mại tự do kiểu mới sẽ giúp Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. 

Số liệu thống kê cho thấy, khu vực Đông Á, bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, thường xuyên ở mức trên 60%, nếu tính riêng nhập khẩu thì lên tới trên 75%.

 Với sự gần gũi về vị trí địa lý, việc Đông Á chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại với Việt Nam là việc khó tránh. 

Tuy nhiên, tỷ trọng trên là quá lớn, có thể tiềm ẩn rủi ro khi kinh tế Đông Á có biến động bất lợi. Đàm phán và ký kết FTA với một số thị trường trọng điểm như Mỹ, EU có thể giúp chúng ta khắc phục tình trạng mất cân đối này."

 TT  Trần Quốc Khánh

Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do kiểu mới có rất nhiều điểm khác biệt cả về chiều rộng (phạm vi, lĩnh vực), và chiều sâu ( các yêu cầu cụ thể, chi tiết trong từng lĩnh vực).

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, sở dĩ gọi là FTA thế hệ mới bởi nếu trước đây, các FTA chỉ liên quan đến lĩnh vực hàng hóa đơn thuần thì nay các FTA  mới có phạm vi rộng hơn, bao gồm cả các lĩnh vực phi thương mại như: môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ...

Đồng thời, các nước tham gia đặt ra nhiều yêu cầu rất sâu về thương mại hàng hóa như xóa bỏ gần như 100% thuế nhập khẩu. Trong đó, nhiều nước mong muốn xóa bỏ ngay lập tức trên 90% thuế nhập khẩu, xóa bỏ thuế xuất khẩu, xóa bỏ thuế nhập khẩu cho mặt hàng đã qua sử dụng…

"Các vấn đề phi truyền thống khác như quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm Chính phủ, cạnh tranh, chống độc quyền, thậm chí là doanh nghiệp nhà nước cũng được đưa lên bàn đàm phán.

Doanh nghiệp nhà nước trước đây chỉ được đề cập đến trong các hiệp định thương mại truyền thống với những cái tên như là “DN của nhà nước”, “doanh nghiệp của chính phủ”. Nội dung cũng tương đối đơn giản, nhưng đến nay khi đàm phán FTA, Hoa Kỳ đưa ra hẳn một chương riêng nói đến rất sâu với nhiều yêu cầu chi tiết.

Ngoài ra, những vấn đề như chống tham nhũng trong thương mại, đầu tư cũng được nói đến rất nhiều. Thậm chí có khái niệm mới là “tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng”, trước đây chưa hề nhắc đến khái niệm này thì nay lại trở thành yêu cầu mạnh mẽ. 

Đặc biệt là mua sắm dược phẩm và thiết bị y tế. Trước đây những việc này là việc riêng của mỗi nước, bên ngoài rất khó can thiệp, nhưng nay thì nhiều tiếng nói lại muốn đưa ra minh bạch hóa.” – Ông Khánh chia sẻ.
 
 “Trên bàn đàm phán TPP, Việt Nam đang vướng với mặt hàng đã qua sử dụng là ô tô. Khi đàm phán gia nhập WTO, chúng ta đã bảo lưu được việc áp dụng thuế nhập khẩu, đặc biệt là việc áp dụng thuế tính theo gía trị tuyệt đối cho ô tô cũ nhập khẩu. Tuy nhiên, khi đàm phán TPP chúng ta phải chịu sức ép xóa bỏ thuế nhập khẩu ô tô cũ.

 Bên cạnh đó, các nước tham gia TPP cũng yêu cầu mở cửa cho hàng tân trang, không phải hàng cũ đi qua đánh bóng dọn dẹp đơn thuần, mà là hàng cũ phải qua các tân trang gần như mới nguyên, ví dụ điện thoại qua sử dụng tân trang lại.” – Ông Khánh cho biết thêm.

Về dịch vụ và đầu tư,  Trưởng đoàn đàm phán TPP cũng cho biết, hiệp định TPP cũng đưa ra đòi hỏi rất cao mà với mức độ cam kết như khi gia nhập WTO là không đủ. Rất nhiều nước tham gia đã yêu cầu mở cửa thị trường cung cấp cho các mua sắm thiết bị của Chính phủ. Tuy nhiên, với Việt Nam, các nước TPP mới chỉ đặt ra yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm của các cơ quan cấp trung ương, và tạm thời chưa đề cập đến việc mua sắm ở các cơ quan ở cấp địa phương. 

Đặc biệt, một trong những vấn đề có thể nói là mới nhất trong đàm phán các FTA thế hệ mới là bảo hộ đầu tư. 

Các nước TPP đặt ra yêu cầu nhà đầu tư được phép đưa các vụ việc tranh chấp với cơ quan Nhà nước ra xử tại Trung tâm trọng tài quốc tế và minh bạch hóa toàn bộ tiến trình giải quyết tranh chấp. Việc giải quyết tranh chấp này được áp dụng cho cả giai đoạn tiền thành lập, là giai đoạn trước khi cấp giấy phép, áp dụng cho cả các hợp đồng đầu tư BOT. 

Tuy nhiên, ông Khánh cũng chia sẻ “Dù cơ chế này Việt Nam đã đồng ý khi ký hiệp định thương mại với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi nội dung này được chốt lại, bên cạnh việc có những điều khoản bảo vệ nhà đầu tư, vẫn sẽ có một nội dung bảo đảm cho Chính phủ có khoảng không cần thiết để đưa ra chính sách vì mục tiêu công cộng”, ông Khánh cho hay.

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên