MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị lùi thời điểm thông qua Hiến pháp

Thời gian còn lại chỉ hơn ba tháng sẽ không đủ để tổng kết, kết luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo.

Ngày 5-6, thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị rút Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 6 (cuối năm nay) và đến kỳ họp thứ 7 (năm 2014) mới đưa vào để xem xét thông qua.

Đề cập những ý kiến khác nhau của các ĐB trong hai ngày thảo luận về các nội dung trong Dự thảo HP như chế định về chính quyền địa phương, Hội đồng HP, Viện kiểm sát…, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng với quỹ thời gian còn lại là hơn ba tháng sẽ không đủ để tổng kết, kết luận những vấn đề trên.

Hơn nữa, theo ông Châu, nhân dân ở nhiều địa phương vẫn đang tham gia góp ý vào bản dự thảo cũ. Do đó, cần rút việc thông qua Dự thảo HP ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 6 cuối năm 2013. “Như thế mới đủ thời gian để nghiên cứu, tiếp thu thật chín muồi, thật nghiêm túc các ý kiến đóng góp của nhân dân mà đến tháng 9 mới xong. Đồng thời, cũng là thể hiện sự nghiêm túc của QH sau khi tiếp thu tiếp ý kiến của nhân dân. Sau đó, đến kỳ họp thứ 7 năm 2014 chúng ta sẽ đưa vào chương trình để QH xem xét thông qua”- ông Châu nêu ý kiến.

Tán thành với ý kiến trên, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề xuất nên kéo dài thêm thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo HP bởi có nhiều nội dung chưa có tiếng nói chung, chưa có sự thống nhất cao. “500 ĐBQH không phải chỉ dừng lại trong hội trường này mà còn là đại biểu của 85 triệu dân. Nếu chúng ta bàn, chúng ta bấm nút thông qua thì việc đó cũng có thể có kết quả là một bản HP mới sẽ ra đời. Nhưng HP là một vấn đề hết sức hệ trọng. Do đó, cần kéo dài thêm một năm nữa để nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý một cách tốt hơn”- vị này kiến nghị.

Việc hệ trọng không nên quá gấp gáp

Nếu thấy cần phải có thêm thời gian, vì còn quá nhiều vấn đề chưa thật sự nghiên cứu kỹ và nhất trí, đồng thuận cao thì chưa nên thông qua HP sửa đổi tại kỳ họp 6, mà nên để sang kỳ họp tới trong năm 2014. Việc hệ trọng không nên quá gấp gáp.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Phát biểu trong phiên thảo luận về HP ngày 4-6)

Tận dụng cơ hội lịch sử

Sửa đổi HP là một cơ hội lịch sử, mà coi đó là cơ hội thì phải tận dụng nó, để nhân dân được thảo luận tất cả vấn đề của HP một cách rộng rãi nhất, dân chủ nhất. Tôi nghĩ QH nên thảo luận, có thể quyết định chậm lại một chút. Hãy làm trước các luật để người dân thực hiện các quyền tự do dân chủ (như quyền tự do hội họp, biểu tình; quyền tự do lập hội; quyền được trưng cầu dân ý), trang bị cho người dân công cụ pháp lý để thực hiện các quyền cơ bản của mình, qua đó phát huy những quyền tự nhiên vốn có.

Lúc ấy có lẽ sẽ chín muồi hơn, để cùng nhau xây dựng bản HP mới, thực sự trường tồn của đất nước, của dân tộc.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Trả lời riêng Pháp Luật TP.HCM)

NGHĨA NHÂN ghi

QH cần ra nghị quyết riêng về chính quyền đô thị

Tại phiên thảo luận, đề cập mô hình chính quyền đô thị, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị QH phải có nghị quyết về việc cho phép TP.HCM xây dựng đề án này trong năm 2014. Theo ông Nghĩa, việc thí điểm mô hình trên thực chất là tái cấu trúc mô hình chính quyền địa phương để đạt được bốn mục tiêu: Tăng được hiệu quả quản lý Nhà nước; phát huy hơn nữa quyền của nhân dân trong việc giám sát, khiếu nại, tố cáo; thủ tục hành chính tiện lợi, nhanh chóng ,đơn giản hơn; và cuối cùng là tiết kiệm, tinh giản bộ máy.

ĐB Đỗ Văn Đương cũng cho rằng TP.HCM là TP có tới 10 triệu dân, có nhịp sống rất hối hả, các quan hệ xã hội rất phức tạp, các quy định hiện hành bất cập nhiều vấn đề. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết cho phép chính quyền TP thí điểm một số việc phát sinh mới, chưa có quy định hiện hành. “Với TP lớn như vậy, trung tâm kinh tế như vậy, hằng năm đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước trên 30%, có thể nói là đầu tàu kinh tế của đất nước, tôi nghĩ QH nên ủng hộ để Chính phủ tổ chức triển khai việc thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM”.


Theo Thành Văn

thunm

Pháp luật Tp.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên