MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng ngộ nhận “chất xúc tác”

Do cách tiếp cận về chức năng và vai trò của Nhà nước không rõ ràng cũng như những quan điểm và triết lý khác nhau, rất nhiều loại hình doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ra đời để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau Nhà nước trao cho.

DNNN được thành lập ban đầu để cung cấp tiện ích công cộng hay để theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, nhưng đôi khi cạnh tranh với khu vực tư nhân.

Cạnh tranh không công bằng

Cạnh tranh là một chất xúc tác tốt để các DN trở nên mạnh và hiệu quả hơn. Cạnh tranh công bằng, bất luận là Nhà nước hay tư nhân cũng thường mang lại tác động tích cực hơn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để lập DNNN trở thành một đối trọng cạnh tranh với khu vực tư nhân nhằm làm cho cả hai tốt lên Chính phủ không nhất thiết phải lập ra DNNN để có đối thủ cạnh tranh với khu vực tư nhân, thay vào đó khuyến khích đầu tư tư nhân, đảm bảo một môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh hiển nhiên sẽ tồn tại những DN tư nhân (DNTN) cạnh tranh với nhau.

Một khi Nhà nước vẫn giành quyền sở hữu DNNN thì mục tiêu và động cơ hoạt động của DNNN sẽ xa rời so với một DNTN hoạt động theo hướng thương mại và cạnh tranh thuần túy. Cổ phần hóa và hơn nữa là cổ phần hóa sâu (tức Nhà nước bán hết hoặc chỉ nắm một sở hữu hạn chế) mới tạo động cơ để DN hướng mục tiêu vào thương mại và cạnh tranh.

Sẽ rất khó để đảm bảo một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN với DNTN mà không hề được sự bảo hộ hay can thiệp nào của Chính phủ nhằm dành phần thắng về cho DNNN.

Từ đó, động cơ để DNNN thay vì tập trung nâng cao năng lực bản thân và khả năng cung cấp hàng hóa dịch vụ tốt nhất, lại chuyển hướng sang tìm kiếm đặc quyền đặc lợi, tìm lấy sự bảo hộ và trợ cấp của Chính phủ.

Rõ ràng, lợi ích của cơ quan nhà nước trong vai trò là đại diện sở hữu DNNN hiển nhiên không phải là khả năng cạnh tranh, mà là khả năng đóng góp của DN đó cho cơ quan chủ quản hay lợi ích chính trị của lãnh đạo địa phương, chẳng hạn như nộp thuế cho ngân sách địa phương hay thực hiện các nhiệm vụ bảo trợ xã hội, hoặc đảm bảo duy trì khối lượng công ăn việc làm cho người dân bất kể năng suất và hiệu quả lao động. Bản thân các DNNN này thay vì tìm động cơ để cải cách và sáng tạo nhằm đáp ứng khả năng cạnh tranh, thì lại tìm cách làm “hài lòng” các mục tiêu mà lãnh đạo địa phương hay cơ quan chủ quản theo đuổi.

Quá dễ dãi với nguồn vốn

Các DNNN không chỉ được bơm nguồn lực như đất đai, tài nguyên, nguồn vốn ngân sách, mà còn cả nguồn vốn tín dụng để có thể theo đuổi các mục tiêu Nhà nước giao như công nghiệp hóa, cung cấp tiện ích công cộng hay định hướng thương mại. Với ý nghĩa đó, Chính phủ sẽ nắm giữ cổ phần chi phối trong các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm giành quyền quyết định việc phân bổ vốn tín dụng của các NH đó.

Trong khi hoạt động của các NHTM thường ẩn chứa nhiều rủi ro nên đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ tiêu hoạt động an toàn do cơ quan giám sát tài chính ban hành. Bản thân các NHTM cũng sẽ tìm cách để cho vay một cách có hiệu quả trong giới hạn có thể kiểm soát được rủi ro. Tuy nhiên, một khi Chính phủ tham gia vào lĩnh vực NHTM với tư cách là chủ sở hữu, gần như mọi chức năng trung gian vốn có của NHTM bị tê liệt và các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn NHTM bị vô hiệu.

Các khoản cho vay của NH khi đó thường được Chính phủ chỉ định và các tiêu chí phân bổ vốn đều không dựa trên nguyên tắc thị trường. Các dự án đầu tư công không hiệu quả hay các DNNN yếu kém không thể đi vay được các NHTM cổ phần lại được Chính phủ rót vốn tài trợ. Các khoản cho vay như vậy không còn là mối nguy tiềm ẩn nữa, mà có thể được xem là nợ xấu. Do khả năng tiếp cận nguồn vốn quá dễ dàng nên các DNNN gần như không chịu sự giám sát của thị trường tài chính, tức không hiệu quả vẫn đi vay, đồng thời cũng không chịu kỷ luật của thị trường một khi không trả được nợ do không thể bị phá sản.

Tiếp cận vốn dễ dàng vô hình trung lại làm cho các DNNN không có động cơ để nỗ lực lựa chọn nguồn vốn với chi phí thấp nhất, đồng thời sử dụng vốn vay một cách có hiệu quả nhất. Nguồn vốn này, thay vì được DN dùng để đầu tư đổi mới và nâng cấp công nghệ, mở rộng sản xuất nhằm thu hút thêm lao động, hay tăng khả năng cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cho người dân, thì lại đem đầu tư ngoài ngành vào bất động sản và chứng khoán, thậm chí được dùng để góp vốn thành lập NH khác để tiếp tục biến NH đó trở thành kênh tài trợ cho DNNN.

Cổ phần hóa NH là một yêu cầu tối thiểu nhằm làm giảm vai trò can thiệp của Chính phủ. Tuy nhiên, một khi chính phủ vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối trong các NH sau cổ phần hóa thì việc cổ phần hóa không hề có ý nghĩa, thực tế cổ phần hóa các NHTM có vốn nhà nước đang cho thấy điều này.

Để các DNNN này có thể sóng sót và cạnh tranh được trong thời kỳ đầu, Chính phủ thường bơm rất nhiều nguồn lực và trợ cấp đi cùng với các chính sách bảo hộ khác. Các nguồn lực và trợ cấp dành cho DNNN rất đa dạng, từ đất đai và tài nguyên cho đến nguồn vốn tín dụng và khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, như kinh nghiệm công nghiệp hóa của Hàn Quốc thập niên 1960-1970, thường các khoản trợ cấp và ưu đãi đó luôn đi kèm với các mục tiêu và ràng buộc cụ thể thay vì là trợ cấp vô điều kiện và có tiêu chí đánh giá thành công rõ ràng. Tương tự, các hình thức bảo hộ cũng phải được thiết kế phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia trong điều kiện hội nhập. Ngày nay, khi điều kiện hội nhập ngày càng cao thì các hình thức trợ cấp và bảo hộ thường rất khó áp dụng, bởi nó có thể vi phạm các điều ước quốc tế.

Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên