MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nhập mang theo cả kỳ vọng lẫn thách thức

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kỳ vọng TPP sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỉ USD vào năm 2030.

Nhận định tại Hội thảo Định hướng phát triển doanh nghiệp trong tình hình kinh tế mới (do Ngân hàng Quân đội tổ chức cuối tuần qua), hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng: Năm 2015, kinh tế Việt Nam bước sang trang mới mang theo kỳ vọng về những bước chuyển lớn trước hai cơ hội, đó là chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Từ đây, các doanh nghiệp nước ta sẽ khai thác được tối đa những ưu đãi thương mại tự do mang lại, thuế suất lưu thông hàng hóa giữa các nước sẽ được cắt giảm dần về 0%, thị trường xuất khẩu có cơ hội tăng trưởng cao, cùng các lợi thế khác, tạo đà cho kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, nhiều thách thức lớn cũng đang đặt ra trong khi nhiều doanh nghiệp không chỉ có vốn nhỏ, nhân sự chất lượng cao còn hạn chế, cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu mà tầm nhìn, chiến lược còn hạn hẹp…

Dệt may sẽ lên ngôi, nông nghiệp “5 ăn 5 thua”

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, khi hội nhập các cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường, tiếp cận nhanh hơn với các ứng dụng công nghệ cao sẽ đến nhiều hơn đối với các doanh nghiệp Việt.

Và ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng sẽ có mặt nhanh và nhiều hơn ở Việt Nam.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kỳ vọng TPP sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỉ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn ngành dệt may lo ngại về khả năng tận dụng cơ hội từ TPP với nguyên tắc “yarn forward” (từ sợi trở đi), đòi hỏi hàm lượng TPP phải đạt 55%. Đã và sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài sản xuất và dịch vụ trợ giúp dệt - may để đạt yêu cầu này.

Dệt - may, da giày, túi xách, điện tử, đồ gỗ… của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao dựa trên lao động giá rẻ, khéo tay, có thể mở rộng xuất khẩu sang EU, và TPP nhưng sẽ phải cạnh tranh trong AEC. Bởi lẽ, cơ cấu kinh tế Việt Nam tương tự như các nước trong AEC, lợi thế cạnh tranh không lớn, khả năng tăng xuất khẩu vào AEC không dễ dàng” – Ông Doanh lưu ý.

Trả lời câu hỏi, việc gia nhập sẽ tác động cụ thể như thế nào đến ngành nông nghiệp? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói: Ngành nông nghiệp sẽ “5 ăn 5 thua”.

Cụ thể như lĩnh vực trồng trọt, lương thực, thủy sản có cơ hội nhưng mía đường, đậu tương, ngô (bắp) sẽ gặp khó.

“Thái Lan và Ấn độ chưa vào TPP nên đây sẽ là cơ hội cho mặt hàng gạo của Việt Nam; Rào cản kỹ thuật đối với mặt hàng cá tra, tôm vào thị trường Mỹ 2015 đây sẽ vừa là thử thách và cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam…” – Ông Doanh lấy dẫn chứng.

Riêng lĩnh vực chăn nuôi “nguy cấp” có 3 đối tượng chính là heo, gà và bò. Chăn nuôi gà quy mô nhỏ, không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị thua thiệt.

Theo ông Doanh, đối với chăn nuôi heo, Việt Nam có ưu thế sản xuất nội địa vì người dân có thói quen sử dụng thịt tươi. Tuy nhiên xu hướng tiêu dùng này sẽ nhanh chóng thay đổi và người dân chuyển dần sang việc sử dụng thịt đông lạnh... Chính vì vậy cả ngành chăn nuôi heo và gà có thể đứng trước nguy cơ bị thua thiệt khi hội nhập

Đâu là giải pháp cho doanh nghiệp

Tham dự hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT nhấn mạnh: Tham gia hội nhập các doanh nghiệp Việt cần phải “bỏ túi” một số lưu ý sau:

Thứ nhất, học cách huy động vốn. Trước hết là tạo khả năng tiếp cận vốn hiện được chu chuyển rộng khắp, trên phạm vi toàn cầu, và thường chịu sự chi phối của các ngân hàng thương mại, quĩ đầu tư, và các tổ chức tài chính khác.

Các hình thức huy động vốn cũng trở nên đa dạng hơn, không chỉ là vay tín dụng, phát hành trái phiếu và cổ phiếu, mà còn là sự giao thoa giữa chúng. Thứ nữa là tài sản có và dòng tiền sản xuất kinh doanh. Nhiều tài sản thì khả năng thế chấp vay vốn cao; song vay vốn theo dòng tiền ngày càng được lưu tâm.

Thứ hai, học quản trị sự bất định thông qua việc hiểu và sử dụng hiệu quả các công cụ phòng chống rủi ro, “biến cái bất định thành cái xác định” (như công cụ phái sinh; bảo hiểm).

Các doanh nghiệp cần nhận thức và đảm bảo đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn, các hàng rào kỹ thuật (nhất là tại các thị trường phát triển) cũng là một cách hạn chế rủi ro đối với các nhà xuất khẩu. Bên cạnh đó cần nắm bắt mức độ bất ổn kinh tế vĩ mô để có thể tiên liệu về thay đổi chính sách (sốc chính sách) là cơ sở cho những điều chỉnh bộ phận hay điều chỉnh tổng thể chiến lược kinh doanh.

Thứ ba, hiểu thông tin cam kết hội nhập là chưa đủ cần nắm bắt cả những chính sách, cải cách hiện hành và sắp tới của chính phủ.

Ông Hòa nhấn mạnh, thực tiễn kinh doanh cũng là một cơ sở “đắt giá” để chính phủ có cam kết hội nhập, có chính sách thích hợp hơn. Và điều đó đòi hỏi phải có những trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa doanh nghiệp, hiệp hội với chính phủ…

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên