MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chủ quan trước “sóng ngầm” lạm phát

“Nếu không có biến động thì Ngân hàng Nhà nước cũng đồng tình với những mô hình dự báo của các chuyên gia rằng mức lạm phát năm 2014 sẽ chỉ khoảng 5%”.

Sau nửa năm, lạm phát mới chỉ dừng ở con số 1,38% bằng 1/5 mục tiêu lạm phát cả năm và thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhận định về vấn đề này nhiều chuyên gia kinh tế lại không chủ quan khi cho rằng cần phải đề phòng sự cộng hưởng của nhiều yếu tố nguy cơ gây lạm phát tăng cao vào cuối năm.

Với mong muốn tìm những yếu tố cơ bản, nguyên nhân chủ yếu của diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm, để tìm căn cứ khoa học và thực tiễn dự báo cho 6 tháng cuối năm, sáng 30-6, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá tổ chức Hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2014.

Không còn là con ngựa bất kham

Theo TS. Ngô Trí Long, kể từ năm 2007-2011 vấn đề lạm phát đã trở nên nóng bỏng và là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong điều hành kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, lạm phát đã không còn là con ngựa bất kham khi chúng ta đã kiểm soát được nó và kết quả này lại tiếp tục được thể hiện qua CPI 6 tháng đầu năm nay.

6 tháng đầu năm, lạm phát mới dừng ở con số 1,38% , thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Nếu so cùng kỳ năm 2013, CPI 6 tháng đầu năm 2014 là 4,98%. Theo thống kê, CPI hàng tháng có dấu hiệu tăng với mức tăng tháng theo đúng quy luật vận động của giá cả trong năm. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là CPI tăng giá gần đây đều xuất phát từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có quyền số cao nhất, với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước.

Có nhiều nguyên nhân khiến lạm phát tăng thấp, song có một nguyên nhân chính được nhiều chuyên gia kinh tế thống nhất nhận định đó là do tổng cầu giảm, vì sức mua yếu và người dân hạn chế chi tiêu do đề phòng những bất ổn, rủi ro có thể xảy ra.

Tổng cầu giảm thể hiện rõ qua những số liệu đã được thống kê: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2014 ước tính đạt 1.439 nghìn tỷ, tăng 10,7% so cùng kỳ năm 2013, trong khi đó các chỉ tiêu này của năm 2013, 2012, 2011 lần lượt là 11,9%; 19,5% và 22,6%.

“Điều này cho thấy, người dân vẫn chưa tin tưởng vào sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế và họ phải đề phòng những bất ổn có thể xảy ra khi tình hình trên biển Đông có dấu hiệu ngày càng phức tạp. Kết quả có tính logic tất yếu là người dân vẫn thắt chặt chi tiêu làm cho sức mua trên thị trường càng yếu hơn”, ông Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế- Tài chính) nhận định.

Nói về kinh tế vĩ mô, nhưng ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội lại đưa ra những ví dụ hết sức cụ thể, từ giá một cân đường. Ông cho rằng, CPI phải mang tính tích cực nhiều hơn chứ không phải là công tác thống kê đơn thuần, đằng sau những con số còn chứa đựng nhiều rủi ro cho sản xuất và tiêu dùng.

“CPI 6 tháng đầu năm phải khắc phục một số mặt chủ yếu như cần cải tổ hệ thống phân phối một cách cơ bản, nghiêm trị những hành vi thao túng, đầu cơ, lợi dụng thị trường làm thiệt hại cho người sản xuất và tiêu dùng”, ông Vũ Vinh Phú nhận định.

Minh chứng cho điều này, ông Phú chia sẻ thông tin mà ông cho rằng không mới: “trong khi giá đường ăn ở nhà máy là 12.000 đồng/kg, tồn kho 600.000 tấn trong đầu năm 2014 thì ở các siêu thị và các cửa hàng bán lẻ giá đường vẫn là 21.000-25.000 đồng/kg, vô hình trung người tiêu dùng đã bị móc túi 4.000 tỷ đồng/năm. Các siêu thị hiện không mua được trực tiếp đường từ nhà máy mà phải qua ít nhất 2-3 khâu trung gian”.

Lạm phát 2014 ở mức 5%?

Dự báo về CPI cả năm 2014, nhiều con số được đưa ra. Thấp hơn cả, có chuyên gia kinh tế nhận định có thể dừng ở con số 4%. Tuy nhiên, phần nhiều ý kiến tại Hội thảo đồng tình CPI tăng khoảng 5%.

Không chủ quan trước tình hình, TS. Ngô Trí Long phân tích: Tuy CPI tăng thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây, nhưng tốc độ tăng tính theo năm so với các nước trong khu vực thì vẫn còn cao gấp đôi. Do đó, vẫn cần chú ý kiểm soát lạm phát. Hơn nữa, theo ông Long, phải đề phòng sự cộng hưởng giữa yêu cầu phục hồi đầu tư, tiêu dùng vào cuối năm; giữa việc điều chỉnh tỷ giá mới đây của Ngân hàng Nhà nước; và giữa việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình giá thị trường.

Đồng quan điểm này, bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cũng cho rằng, ở một góc độ nào đó, lạm phát thấp nhưng chưa ổn định bởi còn nhiều mặt hàng phải điều chỉnh giá theo lộ trình cộng với những tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh vẫn luôn tạo thành những đợt sóng ngầm, tác động tới thị trường và chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian tới.

Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng nhà nước) cũng cho rằng, thời gian qua chỉ số lạm phát thấp là có sự đóng góp lớn từ việc điều hành chính sách, đặc biệt là sự phối hợp nhất quán giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, vị chuyên gia này nhận định: “Nếu không có biến động thì Ngân hàng Nhà nước cũng đồng tình với những mô hình dự báo của các chuyên gia rằng mức lạm phát năm 2014 sẽ chỉ khoảng 5%”.

Theo TS. Ngô Trí Long, để đạt mục tiêu lạm phát dừng ở con số 5-6%, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đảm bảo tăng trưởng tín dụng theo đúng kế hoạch đề ra; thực hiện lộ trình giá một số hàng hóa, dịch vụ như xăng dầu, điện, dịch vụ y tế giá dục theo hướng thận trọng về liều lượng, thời điểm và lộ trình phù hợp; trong ngắn vào trung hạn cần cải thiện môi trường kinh doanh, khôi phục niềm tin của người dân và nhà đầu tư, giảm mệnh lệnh hành chính và can thiệp nhà nước trong hoạt động kinh tế…

>> Nhân chuyện CPI, nói về những chỉ số....tưởng như có thể "thở phào"

Theo Minh Anh

thunm

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên