MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm soát CPI không đạt yêu cầu

Nếu không có sự thay đổi về chính sách trong thời gian tới, CPI sẽ tiếp tục tăng, khả năng kiểm soát CPI của Việt Nam là khó đạt được như mục tiêu đề ra.

Ông Bùi Kiến Thành – Chuyên gia kinh tế - tài chính cao cấp đã có cuộc trao đổi với CafeF về những vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là khả năng kiểm soát chỉ số CPI.

Ông đánh giá tác động của lãi suất tới vĩ mô, doanh nghiệp trong quý IV năm nay và năm 2011 (trong bối cảnh lạm phát cao, VND mất giá,...)?

Vừa qua Ngân hàng Nhà nước thay đổi chính sách lãi suất từ ổn định và khuyến khích giảm sang thả nổi. Với chính sách này, thời gian qua lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng theo.

Chính sách này không những sẽ không kiềm chế được lạm phát mà còn đẩy lạm phát tăng lên. Bởi vì khi lãi suất tăng  sẽ kéo theo chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng theo, giá bán sẽ được đẩy lên. Điều này sẽ tác động xấu đến nền kinh tế, không khuyến khích nền kinh tế phát triển ổn định bền vững.

Trong thời gian qua, tỷ giá luôn là vấn đề nóng và có những biến động mạnh, ông có bình luận gì về vấn đề tỷ giá của Việt nam?

Vấn đề tỷ giá bị đẩy lên, một phần là đồng VND yếu so với đồng USD, một phần nữa là do cán cân thương mại bị thâm hụt.

Tuy nhiên, nhờ có FDI và Kiều hối, Việt Nam đã giải quyết được phần nào thâm hụt cán cân thanh toán. Thay vì âm hơn 12  tỷ USD của cán cân thương mại, thì theo Bộ kế hoạch và Đầu tư  chỉ còn âm khoảng 4 tỷ USD cán cân thanh toán, nhờ có Kiều hối và giải ngân FDI  bù vào.

Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của nước ta không được tốt, năm 2008 với hơn 20 tỷ USD, dự trữ ngoại hối năm nay chỉ đạt 9 tuần nhập khẩu (xem lại bài viết "Nhiều mối lo từ dự trữ ngoại hối giảm" - SGTT - PV). Nếu như, cán cân thương mại và thanh toán không bị âm thì còn tăng được dự trự ngoại hối, nhưng cán cân thanh toán tiếp tục âm thì Việt Nam lại mất thêm tiền trong dự trữ ngoại hối.

Hiện Nhà nước đang thực hiện chính sách bảo vệ tỷ giá. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách cung USD, tức là bơm ngoại tệ ra thị trường để bình ổn tỷ giá, không để chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu ngoại tệ. Nhưng liệu NHNN có đủ dự trữ ngoại hối để thực hiện chính sách này?

Ngân hàng Nhà nước nói rằng sẽ cung cấp đủ USD cho các nhà sản xuất kinh doanh nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế con số bơm ngoại tệ ra thị trường lại không được cụ thể hóa.

Đánh giá của ông như thế nào về khả năng kiểm soát lạm phát (CPI) năm 2010 trong bối cảnh VND mất giá, nhập siêu, thâm hụt cán cân thương mại...?

Cho đến này có thể thấy rằng việc kiểm soát chỉ số CPI năm 2010 như mục tiêu đề ra là không đạt yêu cầu. Các chính sách tiền tệ và tài khóa trong thời gian qua luôn có sự mâu thuẫn và bất hợp lý. Đương nhiên, nó đã có tác động đến chỉ số CPI.

CPI tăng cao trong năm 2010 có nhiều nguyên nhân, nhưng có 3 nguyên nhân chính đó là:  năng lực kiểm soát giá cả hàng hóa, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Thứ nhất, chính sách bình ổn giá trên thị trường thời gian qua với quy định hạn mức % được phép tăng trong mỗi kỳ hạn, đã không khống chế được việc tăng giá mà vô hình chung đã tạo kẽ hở cho các tổ chức kinh doanh tăng giá bán.

Đơn cử như vấn đề tăng giá sữa trong thời gian qua, ngoài ra nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm cũng tăng giá mạnh trong đợt vừa rồi, trong khi đó nhóm hàng hóa này có quyền số để tính CPI chiếm 40%. Như vậy, giá lương thực thực phẩm tăng cao đương nhiên sẽ tác động làm tăng CPI nhiều nhất. Trong khi đó, việc hạn chế tăng giá nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm bởi chính sách bình ổn giá thị trường lại không đem lại kết quả như mong muốn.

Thứ hai là vấn đề tỷ giá, Việt Nam là nước nhập siêu, khi tỷ giá tăng lên là tác động ngay đến hai vấn đề. Một là, tác động đến hàng hóa nhập về để sử dụng trực tiếp, hai là tác động đến nguyên liệu nhập về để gia công, chế biến (loại hàng hóa này khá nguy hiểm vì tỷ lệ nguyên liệu nhập về chiếm đến 85-90% còn lại 10-15% là giá trị gia tăng từ nhân công), khi tỷ giá tăng cao thì giá nguyên liệu tăng lên, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên và đương nhiên giá bán ra thị trường sẽ tăng theo.

Vấn đề thứ ba là lãi suất: Trong thời gian dài, Việt Nam thực hiện chính sách bình ổn lãi suất, khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất. Nay đột nhiên xoay chiều thả nổi lãi suất.

Điều này đã dẫn đến các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động lên 13-13,5%/năm (trước kia thì khống chế ở mức 10%, 11%). Lãi suất huy động tăng cao như thế, đương nhiên lãi suất cho vay cũng tăng theo. Mới đây, nhiều ngân hàng đã thông báo lãi suất cho vay tăng lên đến 19% thậm chí là 20%. Điều này sẽ làm cho CPI tăng lên qua chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến giá dịch vụ, và các hoạt động thương mại,…

Chính sách tài khóa hiện nay cũng là  một vấn đề cần xem xét, trong khi chính sách tiền tệ thắt chặt, thì chính sách tài khóa của Chính phủ lại mở, tăng tốc đầu tư công vào các dự án lớn, hiệu quá kinh tế chưa cao, còn nhiều lảng phí.

Kết luận, cả 4 vấn đề kiểm soát giá cả hàng hóa, lãi suất, tỷ giá và chính sách tài khóa của Chính phủ đều có vấn đề, và bất hợp lý. Như phân tích ở trên những nhân tố này đều có tác động trực tiếp đến CPI, và đã đẩy CPI tăng cao trong thời gian qua. Nếu không có sự thay đổi về chính sách trong thời gian tới, CPI sẽ tiếp tục tăng, khả năng kiểm soát CPI của Việt Nam là khó đạt được như mục tiêu đề ra.

K.T

thuatvk

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên