MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điều chưa biết về Báo cáo Việt Nam 2035 sắp công bố

Một trong những nội dung được đưa ra trong Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh Vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” đó là sẽ hình thành một xã hội trung lưu là tầng lớp chi phối lớn nhất trên thị trường.

Thông tin trên được TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Ciem) đưa ra.

Nhìn nhận nền kinh tế đang trong vận hội mới khi đây là thời điểm có tính bước ngoặt của đất nước, TS. Võ Trí Thành cho rằng kinh tế Việt Nam là kinh tế lớn trong khối các nước Đông Nam Á. Do vậy, việc tham gia các hiệp định tự do thế hệ mới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập toàn cầu.

Điều này càng có ý nghĩa khi, Việt Nam sắp công bố báo cáo chiến lược kinh tế năm 2035. Trong đó nêu rõ, Việt Nam sẽ đi từ nước thu nhập trung bình thấp trở thành nước thu nhập trung bình cao và thuộc hàng các nước trung lưu.

“Việc hình thành xã hội trung lưu, sẽ là tầng lớp chi phối nhất trên thị trường. Đây là khát vọng 2035 để đưa nước ta từ nước có thu nhập trung bình thấp sang một xã hội có thu nhập ở mức trung bình cao” – TS. Thành chỉ rõ.

Đặt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, vị chuyên gia kinh tế trên cho rằng Việt Nam đang trong thời điểm bước ngoặt, là do Việt Nam đã trải qua quá trình 30 năm đổi. Đó là thời gian để Việt Nam hiểu mình hơn, khi chuyển từ kế hoạch hóa sang thị trường, từ kép kín sang hội nhập và từ nghèo sang trung bình thấp.

Phó Viện trưởng Viện Ciem nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với thách thức lớn hơn, nên phải nghĩ khác, sống khác và làm khác để đạt được khát vọng trên”.

So sánh với các nước trong khối ASEAN, TS. Thành cho rằng Việt Nam là nước tham gia hội nhập “máu lửa nhất”, không chỉ là xu thế mà còn tạo nên bước ngoặt cho Việt Nam. Do đó, vị này cho rằng Việt Nam và đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị “càng sớm càng tốt” và đừng để “nước đến chân mới nhảy”.

“Chúng ta không cần chờ ký hiệp định mà 3 năm qua, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư thực sự vào Việt Nam để tận dụng cơ hội. Hàng tỷ USD đã đổ vào dệt may và Mỹ có thể trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam trong thời gian tới. Hiện tất cả các tập đoàn lớn của Mỹ đã có mặt để điều tra, thăm dò, nên DN hãy chuẩn bị sớm” – TS. Thành thông tin.

Việc các hiệp định FTA giúp Việt Nam tăng cường hợp tác, đặc biệt nhiều đối tác lớn đã chuyển sang là đối tác toàn diện, chiến lược sẽ tạo điều kiện quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào sân chơi toàn cầu, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội và thúc đẩy cải thiện năng lực cạnh tranh dựa trên những yêu cầu, nguyên tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn.

Cũng theo thông tin được TS. Võ Trí Thành đưa ra, Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh Vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” sẽ được Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố chính thức vào ngày 23/2 tại Hà Nội. Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ chủ trì soạn thảo với sự tham gia của WB.

Đến năm 2035, Việt Nam kỳ vọng trở thành một nền kinh tế hiện đại, công nghiệp hóa, tăng trưởng toàn diện vì lợi ích của toàn xã hội và bền vững về môi trường, dựa trên nền tảng ổn định về quản trị nhà nước tốt và các thể chế có sự tham gia của người dân.

Thông qua quá trình phát triển đầy thử thách từ khi sau Đổi Mới, Việt Nam đã cho thấy triển vọng thực tế để có thể đạt được lộ trình này. Thành công của Việt Nam phụ thuộc vào tầm nhìn táo bạo và các hành động cải cách chính sách và cải cách thể chế đi kèm, đặc biệt là trong vòng 5-10 năm tới.

Ban chỉ đạo soạn thảo báo cáo được thành lập do Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam làm trưởng ban và Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh làm phó ban. Ngày 9/9/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Khu vực Đông Á Thái Bình Dương Axel van Trotsenburg đã khởi động báo cáo.

Ngày mai (22/2), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) ông Jim Young Kim sẽ thăm chính thức Việt Nam và công bố Báo cáo "Việt Nam 2035". Được biết, Chủ tịch của WB sẽ gặp cá nhà lãnh đạo Việt Nam để thảo luận về quan hệ giữa Việt Nam và nhóm Ngân hàng Thế giới.

Trong chuyến thăm này, ông Kim cũng dự kiến sẽ thảo luận với các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam để có thể tăng cường hỗ trợ Việt Nam nhằm đạt được như mong muốn đã đưa ra trong báo cáo.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên