MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nông nghiệp dựa trên trục doanh nghiệp thì nông nghiệp mới phát triển được"

"Ưu tiên không chỉ là thuế bớt đi vài phần trăm, phí dịch vụ bớt đi vài phần trăm. Mục đích cuối cùng của các vùng kinh tế ưu tiên là làm tổ cho phượng hoàng chứ không phải làm ổ cho gà đẻ".

Sáng 24/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề “Tăng trưởng xanh và Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam”.

Tham dự diễn đàn, PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đã chia sẻ nhiều vấn đề còn tồn tại trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chiến lược phát triển kinh tế VN gắn với tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

Đánh giá về quá trình tái cơ cấu của VN trong thời gian qua, ông Thiên cho rằng kết quả tái cơ cấu chưa lạc quan, hiệu quả còn chậm và chưa đi được vào những nút cơ bản mang tính chiến lược. Tái cơ cấu yếu do phân bổ nguồn lực không hợp lý, sai khi phân bổ theo ngành, vùng.

Hiện tại VN đang định hướng vào các ngành khai thác tài nguyên, dệt may, da giày … là không ổn bởi đây không phải là những ngành thu được nguồn tiền lớn. Một ngành công nghệ khá “hãnh diện” là ngành lắp ráp, đặc biệt là lắp ráp điện thoại di động. Tuy nhiên, cho đến nay, nó vẫn chỉ là lắp ráp.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao chúng ta không hướng tới những ngành có đẳng cấp công nghệ cao hơn cho đất nước? Trong khi việc phân bổ nguồn lực đầu tư của Việt Nam đã giảm nhiều so với trước đây.

Giảm đầu tư có thể đồng nghĩa với hiệu quả tăng lên, chỉ số ICOR giảm. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy nền kinh tế gặp khó khăn. Đầu tư của khu vực trong nước giảm, đầu tư của khu vực FDI ngày càng tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.

Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp FDI, nhưng vốn đầu tư trong nước yếu đi cũng là một vấn đề cần cân nhắc. FDI có đảm bảo hội nhập tốt với khu vực kinh tế trong nước và góp phần kéo nền kinh tế đi lên? Hay chúng ta chỉ quan tâm FDI chủ yếu ở khía cạnh sản lượng, giải quyết vấn đề tăng trưởng GDP? Đó là câu hỏi khó trong phân bổ nguồn lực mà Việt Nam cần phải giải quyết để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. 

Lý giải nguyên nhân của những tồn tại trên, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, có ba vấn đề mấu chốt: mô hình tăng trưởng không còn phù hợp với thời đại; cơ chế thị trường chưa tập trung ưu tiên khuyến khích phát triển; hạn chế trong điều hành, quản trị nhà nước.

Vì vậy, chúng ta phải nghĩ đến việc xoay chuyển tình thế, chứ không phải cải thiện tình hình. Phát triển kinh tế gắn tăng trưởng xanh với tái cơ cấu được coi là bước đi chiến lược trong thời gian tới.

Việt Nam ưu tiên phát triển công nghiệp theo logic chuỗi, hướng tới chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Hiện tại chúng ta đang phát triển không theo hướng nào hết, môi trường kinh doanh chỉ mang tính đầu cơ, chụp giật và bất ổn. Chuỗi ở đây phải gắn với chuỗi phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các ngành có hàm lượng công nghệ cao, chứ không phải kiểu sản xuất xi măng, sắt thép.

Theo ông Thiên, vì ưu tiên phát triển theo logic chuỗi, mà chúng ta lại đi sau, nên cần đặt vấn đề tiếp cận bài bản. VN phải hướng đến công nghiệp hỗ trợ với hàm lượng công nghệ cao.

“Thử thách của tập đoàn Samsung trong việc lựa chọn doanh nghiệp vệ tinh tại VN là một minh chứng cụ thể nhất. Rõ ràng là có hàng nghìn doanh nghiệp VN tham dự cuộc họp, nhưng khi được hỏi là có doanh nghiệp nào đáp ứng được tiêu chuẩn của Samsung không thì chỉ có vài doanh nghiệp mới chỉ gần đáp ứng, chứ chưa đáp ứng được hoàn toàn. Từ đó có thể thấy được, VN đang ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Làm thế nào để Việt Nam được nhà đầu tư chọn, chứ không phải Việt Nam được đi lựa chọn” – ông Thiên nói.

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp cần ưu tiên tập trung đột phá phát triển kinh tế vùng. Chúng ta đã nỗ lực nhiều, đột phá các kiểu, từ khu công nghiệp đến khu kinh tế ven biển, nhưng các kiểu đột phá của chúng ta đều chưa thành công như mong đợi.

Ông Thiên cũng cho biết thêm, hiện tại chúng ta đang đặt ưu tiên công nghiệp, tuy nhiên, ưu tiên cao nhất của Việt Nam là mức vô cùng thấp của thế giới. Ưu tiên chủ yếu tập trung vào cơ chế ưu đãi, chứ chưa phải là ưu tiên tạo ra các điều kiện hạ tầng, điều kiện vật chất kỹ thuật và điều kiện thể chế cho vùng ấy.

Ưu tiên không chỉ là thuế bớt đi vài phần trăm, phí dịch vụ bớt đi vài phần trăm. Đối với nhà đầu tư chiến lược, họ không đặt quá nặng vấn đề này. Ưu tiên cao nhất phải là ưu tiên về mặt thể chế, sau đó là hạ tầng kết nối tốt, đấy mới gọi là ưu tiên vùng. Mục đích cuối cùng của các vùng kinh tế ưu tiên là làm tổ cho phượng hoàng chứ không phải làm ổ cho gà đẻ. Tất nhiên những khu vực khác có thể làm ổ cho gà đẻ, còn vùng ưu tiên thì phải là làm tổ cho phượng hoàng” – PGS. TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Về nông nghiệp, theo ông Thiên, cơ cấu nông nghiệp VN hiện nay vẫn theo kiểu tít mù, chạy vòng quanh. Nền nông nghiệp nước ta bao nhiêu năm qua vẫn cây đấy, con đấy; nông nghiệp vẫn hướng tới sản lượng cao nhưng giá trị thấp. Nông nghiệp hướng tới sản lượng thì sẽ tác động tới môi trường, cần nhiều nước, phân bón, thuốc trừ sâu ...

Do đó, chúng ta cần thay đổi căn bản, đưa ra định hướng mới về phát triển nông nghiệp, giá trị gia tăng cao. Khi nào nông nghiệp dựa trên cái trục doanh nghiệp thì nông nghiệp mới phát triển được.

Về dịch vụ và du lịch, hiện Việt Nam vẫn hướng tới sản lượng khách lớn. Tuy nhiên, theo ông Thiên, du lịch mà nói đến sản lượng thì không ổn. “Khách du lịch rửa chân sẽ dẫn đến hết nước, ăn cá sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn thủy sản ... Chúng ta cần đặt ra vấn đề khan hiếm tài nguyên khi phát triển du lịch” – ông Thiên nói.

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

Trở lên trên