MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng kinh tế 11 tháng đầu năm: Tồn kho giảm

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ đã nâng chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 5,6%.

Đà tăng trưởng này vẫn phần lớn dựa vào sức bật của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 7,1%, đóng góp 5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Ngành dệt may dẫn đầu

Với đà tăng trưởng lên tới 21,1%, và chỉ số tiêu thụ tăng 14,2%, dệt may đang trở thành ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao nhất trong 11 tháng qua so với cùng kỳ. Tiếp đó là sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,3%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 13,4%...

Đáng chú ý, sự tăng trưởng sản xuất công nghiệp đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Trong đó, Quảng Ngãi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá 18,5%, Vĩnh Phúc 14%,… Bà Rịa Vũng Tàu và Quảng Ninh vẫn tiếp tục đà sụt giảm. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có mức tăng nhẹ, tương ứng 6% và 4,4%.

Cùng với đó, chỉ số tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Theo thống kê, chỉ số tiêu thụ toàn ngành đã tăng 10,4% so với cùng kỳ. Trong khi chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-11 chỉ tăng 9,4%. Tuy nhiên, bên cạnh những ngành hàng có chỉ số tồn kho giảm mạnh, vẫn có những ngành chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung như sản xuất đồ uống tăng 120,8%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 111,4%, sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 80,2%...

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành trong tháng 10 đạt 72,4%, tỷ lệ tồn kho bình quân 10 tháng dừng ở 74%.

Đà phục hồi sản xuất đã giúp chỉ số sử dụng lao động tại các DN tiếp tục tăng 4,5% so với cùng kỳ. Song, đáng buồn là khu vực DNNN vẫn không biến động nhiều, trong khi khu vực DN ngoài nhà nước tăng nhẹ 1,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng tới 7,8%.

Nhập siêu duy trì thấp

Ở khu vực xuất nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11 ước đạt 12,3 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng 10 và tăng 18,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 121 tỷ USD, tăng 16,2%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 39,9 tỷ USD, tăng 3,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 81,2 tỷ USD, tăng cao ở mức 23,5%.

Các mặt hàng có kim ngạch tăng cao chủ yếu vẫn là điện thoại các loại và linh kiện đạt 20,2 tỷ USD, tăng 78,4%, hàng dệt, may đạt 16,4 tỷ USD, tăng 19,7%. điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,9 tỷ USD, tăng 41,6%... Kim ngạch xuất khẩu dầu thô, gạo, cao su, than đá và xăng dầu giảm so với cùng kỳ, trong đó gạp giảm mạnh 18,8%, cao su giảm 13,4%...

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu 11 tháng ước đạt 121,1 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 52,2 tỷ USD, tăng 6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 68,9 tỷ USD, tăng 26%.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tiếp tục là ngành hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao với 17 tỷ USD, tăng 15,6%. Tiếp đó là điện tử máy tính và linh kiện đạt 16,5 tỷ USD, tăng 38,8%, điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,6 tỷ USD, tăng 70,7%...

Như vậy, điểm sáng của tháng 11 là Việt Nam đã xuất siêu được 50 triệu USD, giúp đà nhập siêu 11 tháng dừng ở mức thấp 96 triệu USD, bằng 0,1% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Thế nhưng, bài toán nan giải vẫn còn đó, khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất siêu tới trên 12 tỷ USD, và con số gần tương đương này cũng được DN trong nước đạt được nhưng ở chiều nhập siêu.

Theo Vũ Phong


cucpth

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên