MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạo sức bật kinh tế biển Hải Phòng

Đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng; cảng quốc tế Lạch Huyện; sân bay quốc tế Cát Bi... sẽ là điểm tựa để Hải Phòng tạo được đột phá

Hải Phòng là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, có lợi thế về kinh tế biển, dịch vụ cảng biển… Nhưng làm thế nào để tận dụng được những lợi thế đó vào phát triển kinh tế xã hội, đưa Hải Phòng đi lên với tốc độ tăng trưởng cao lại là một bài toán khó, đòi hỏi cách giải đồng bộ nhưng phải sáng tạo và đầy quyết tâm. 

Thực tế cho thấy, với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của Hải Phòng, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mấy năm qua không đạt như kế hoạch, nếu cứ giữ mức 7% sẽ không tạo được sự đột phá, không có điều kiện giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân.

Không những thế, việc thực hiện các mục tiêu của nghị quyết Đại hội 14 của Đảng bộ thành phố cũng rất khó khăn. Vì thế, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã bàn bạc và xác định quyết tâm cao trong việc phục hồi kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trong đó, cần khai thác, phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế, tiềm năng, các chính sách ưu đãi dành cho thành phố, thực hiện  đúng theo kết luận 72 của Bộ Chính trị: xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ… 

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng về nội dung này.

Thưa ông, năm 2014, Hải Phòng sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nào?

- Có thể nói sau hai năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố chậm lại do cơ cấu kinh tế chưa hợp lý. Năm nay, thành phố chúng tôi chọn chủ đề là phục hồi kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó chú trọng phục hồi lại tốc độ tăng trưởng cao của các năm trước, như 2 năm 2012- 2013, tốc độ tăng trưởng là 7,51 và 8,12%. 

Phục hồi tăng trưởng đạt mức sát hai con sồ, bù lại tốc độ tăng trưởng chậm trong năm trước cũng như chuẩn bị các điều kiện để thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 như Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 14 nêu.  

Không chỉ  phục hồi kinh tế, chúng tôi còn đưa ra chủ đề đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đem lại chất lượng cho phục hồi kinh tế. Để giải quyết được vấn đề này, thứ nhất chúng tôi tháo gỡ ngay khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp và  dịch vụ nhằm đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ cao hơn so với 2012, 2013.

Để đạt mục tiêu này, chúng tôi có nhiều dự án lớn, như dự án nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, nay đã sản xuất ra sản phẩm, giá trị hàng xuất khẩu cả năm có thể lên đến 3.000- 4.000 tỷ đồng; Dự án LG tại Khu công nghiệp Tràng Duệ,  vốn 1, 5 tỷ USD, tháng  8 này sẽ cho ra sản phẩm.

Chúng tôi cũng quan tâm đến các dự án của Nhật Bản với vốn đầu tư hàng trăm triệu USD vào khu công nghiệp Vship Hải Phòng.

Thứ hai là chúng tôi chú trọng phát triển thế mạnh của Hải Phòng là khâu dịch vụ, nhất là dịch vụ cảng. Năm qua, tuy khó khăn nhưng Cảng Hải Phòng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 10%, đạt  sản lượng 54 triệu tấn,  năm nay sẽ có thể đạt  60 triệu tấn. Đó chính  là 2 nhóm có tốc độ tăng trưởng cao, và chính đó đã làm cho mô hình cơ cầu kinh tế hợp lý hơn, đó là phát triền dịch vụ-cảng-công nghiệp, những ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho thành phố..

Có một vấn đề quan trọng là phải có đột phá về cơ sở hạ tầng để phục vụ cho các mục tiêu  đó. Xin ông cho biết trong năm nay  thành phố có những  đột phá gi về  hạ tầng?

Kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá lớn của thành phố mà nghị quyết đại hội 14 đã nêu, không có kết cấu hạ tầng tốt sẽ không có tăng trưởng. Được sự quan tâm của chính phủ và sự nỗ lực của thành phố,  trong vài năm gần đây thành phố đã tạo điều kiện cho các dự án  kết cấu hạ tầng lớn đối với vùng trọng điểm đông bắc: công trình đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng; cảng quốc tế Lạch Huyện; sân bay quốc tế Cát Bi; cầu Đình Vũ- Cát Hải.

Đó là các cơ sở hạ tầng rất lớn nhằm khai thác lợi thế của Hải Phòng  với trách nhiệm là cửa chính ra biển phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng trong nước, quốc tế.

Các dự án này đã khởi động, năm 2015 công trình đường cao tốc từ Hà Nội về Hải Phòng sẽ xong, rút ngắn thời gian giữa hai thành phố chỉ còn 45 phút, sẽ kết nối giữa Hải Phòng với vùng đông bắc nhanh nhất.

Dự án cảng quốc tế Lạch Huyện, sẽ xong năm 2016 góp phần để đến năm 2020 khu vực cảng đạt qui mô 100 triệu tấn.

Sân bay Cát Bi được mở rộng, đến 2015 hoàn thành, đảm bảo đón máy bay cỡ lớn, từ đó mở ra các tuyến quốc tế, tạo điều kiện cho  các doanh nhân nước ngoài vào Hải Phòng  đầu tư. Những đột phá này sẽ đảm bảo cho phát triển của Hải Phòng đến những năm 2030.

Phát triển kinh tế đi liền với các yếu tố xã hội và môi trường, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Hải Phòng trong giải quyết  vấn đề này?

- Có thể nói, 3 cực tăng trưởng: tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và xử lý môi trường là 3 cái thế của phát triển kinh tế.  Không chỉ quan tâm tăng trưởng kinh tế, chúng tôi  luôn quan tâm giải quyết vấn đề xã hội trong điều kiện kinh tế thế giới, trong nước và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Vừa tăng trưởng vừa  phải đảm bảo đời sống của người dân, giảm hộ nghèo, nâng cao mức sống người lao động, kể cả người nông dân, người bị mất đất, công nhân khu công nghiệp, khu vực phát triển.

Chúng tôi cũng quan tâm đến diện chính sách,  đối với các đối tượng chính sách để làm sao đảm bảo không chỉ các hộ gắn với tăng trưởng kinh tế cao và các đối tượng xã hội khác cũng được  hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và nó sẽ  đảm bảo được sự ổn định kinh tế và xã hội tốt hơn.

Hải Phòng không thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bằng mọi giá. Nếu phát triển quá nóng chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, sau này còn phải bỏ quá lớn tiền để  xử lý môi trường. Bởi vậy, trong việc thu hút dự án đầu tư, phát triền khu công nghiệp, chúng tôi  quan tâm đến xử lý môi trường, đó là ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, nước thải, khí thải, chất thải, không chỉ ở khu công nghiệp, mà còn là thoát nước đô thị.

Chúng tôi có các dự án  lớn vay vốn ODA để giải quyết đồng bộ vấn đề môi trường, từ đó tạo điều kiện cho Hải Phòng phát triển, như kết luận 72 của Bộ Chính về phát triển Hải Phòng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Đó là phát triển thành phố theo hướng thành phố cảng xanh, phát triển dịch vụ, phát triển công nghiệp, đảm bảo đến năm 2020, Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ du lịch công nghiệp và phát triển bền vững trong sự phát triển chung của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đặng Khanh- Hồng Hải

cucpth

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên