MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ TN&MT: Có lợi ích nhóm trong khai thác khoáng sản

“Tài nguyên là tài sản của quốc gia, tại sao “ông” cứ vào lấy bình thường? Đây là hành động ngang nhiên ăn cắp tài sản của nhà nước."

Trong một phát biểu ngày 18/7/2013 của ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra chính phủ, thì khoáng sản là một trong bốn lĩnh vực tham nhũng tinh vi nhất. Theo lẽ thường, sự tinh vi đó thuộc về nhóm lợi ích của các nhà tài phiệt mới và nhà cầm quyền.

Sự tham nhũng tinh vi

Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc trong buổi Tọa đàm ngày 03/12/2013 cũng đã thừa nhận vấn nạn này. Theo ông, có sự thật rằng ở đâu đó có “cái mỏ này của đồng chí này, cái mỏ này của đồng chí kia” hay nói cách khác là có lợi ích nhóm ở đây.

Điều này xuất phát từ thực tế “tập quán” hoạt động khai thác khoáng sản, là khi giao quyền khai thác cho một doanh nghiệp, một cá nhân nào, thì người ta cho rằng cái mỏ ấy thuộc về doanh nghiệp, cá nhân đó.

Đánh giá thêm về ý kiến này, theo ông Nguyễn Mạnh Quân – Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ công thương), tham nhũng trong khai thác khoáng sản bao gồm gian lận thương mại, xuất khẩu lậu khoáng sản, trốn thuế. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tham nhũng là do hệ thống pháp luật có nhiều bất cập. Sự bất cập còn thể hiện trong việc phân cấp quản lý giữa địa phương - Trung Ương và việc thực thi chính sách. Các quy định về xử phạt chưa nghiêm, chưa mang tính chất răn đe.

Trong khi đó, ý thức trách nhiệm của DN cũng chưa cao. Những điều này dẫn đến sự tiêu cực trong khai thác khoáng sản.

Sự tinh vi trong hoạt đông khai thác khoáng sản cũng bắt nguồn từ đặc thù của ngành. Hoạt động này tiến hành trên diện tích rộng và bao gồm rất nhiều khâu. Quan trọng hơn, khối lượng khoáng sản nằm trong lòng đất nên việc xác định khối lượng tin cậy rất khó. Ông Quân cho biết, kết quả thăm dò cũng chỉ đảm bảo được độ chính xác khoảng 80-90%, chưa kể công tác điều tra cơ bản có thể sai số nghiêm trọng.

Đây là những yếu tố khách quan tạo ra kẽ hở cho các đối tượng tham nhũng. Và quả thực nếu không có hệ thống kiểm tra kiểm soát, không có hệ thống pháp luật đồng bộ thì chuyện này là tất yếu.

Lỗ hổng của ngành khoáng sản

Hiện nay, ở Việt Nam, việc thu thuế của doanh nghiệp khoáng sản chỉ dựa trên sản lượng khai thác mà doanh nghiệp khai báo và không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế.

Ông Linh nêu ý kiến, hầu hết các nước tiên tiến đều để doanh nghiệp tự khai báo nhưng ở Việt Nam thì không thể trông chờ vào ý thức tự giác của doanh nghiệp. “Bộ đã ra một văn bản yêu cầu đối với DN với nội dung: một năm DN khai thác được bao nhiêu, DN vẫn tự khai báo nhưng cơ quan chức năng sẽ kiểm tra lượng còn lại trong mỏ.”

Trước ý kiến cho rằng “để hạn chế thất thu thuế phải chuyển thuế tài nguyên theo sản lượng khai thác hay tính theo trữ lượng được phê duyệt tùy thuộc vào loại khoáng sản, miễn giảm thuế đối với phần trữ lượng khai thác tăng thêm trong trường hợp DN tăng cường tận thu khai thác khoáng sản”, ông Quân cho biết nếu tính theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt thì trữ lượng đó phải được xác định một cách tin cậy. “Nếu không có thì thôi, không thì hoặc DN hoặc Nhà nước sẽ bị thiệt thòi.”

Vụ trưởng cũng đánh giá, cơ chế thuế hiện nay chưa khuyến khích tận thu khai thác Khoáng sản. Ví dụ nhu thuế Tài nguyên đang đổ đồng đánh theo chủng loại khoáng sản, chưa tính đến điều kiện khai thác, chất lượng khoáng sản. Thuế tài nguyên đối với quặng sắt là 12% nhưng có nhiều loại quặng sắt, có loại chất lượng cao, có loại chất lượng thấp. Cùng một loại quặng sắt, mỏ có thể khai thác lộ thiên, có thể khai thác hầm. Có mỏ có giá trị cao, có mỏ chỉ có giá trị thấp.

Cơ chế đó tạo ra sự bất công khiến DN không muốn khai thác tận thu. Vì vậy, việc này phải rà soát lại để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích DN và NN, đảm bảo tận thu khoáng sản.

Thuế cao “buộc” DN gian lận

Theo Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Quân, ngoài những loại thuế như thuế TNDN thì DN khoáng sản còn phải chịu thuế tài nguyên, phí môi trường, phí quyền khai thác khoáng sản…

“Chúng ta đề ra chính sách thuế phải đảm bảo lợi ích hài hòa DN và Nhà nước. DN có trách nhiệm đóng góp cho nhà nước nhưng cũng phải để người ta tồn tại, người ta sống được mới nuôi được nguồn thu từ đó. Nhưng để xác định mức thuế đảm bảo được điều này thì Bộ tài chính cũng thấy rất khó.”

Ông cũng đánh giá, hiện nay cách mà chúng ta xác định tính thuế là định tính chứ không phải định lượng.

“Tôi cảm giác như là chúng ta đang chịu sức ép tăng khoản thu từ thuế nên chỉ có tăng mà không có giảm. Trong khi DN đang ngày một khó khăn, nên người ta “phải kêu”. Kể cả Vinacomin cũng phải kêu. Ông này là Doanh nghiệp nhà nước, ông ấy không dám trốn nhưng đối với các DN khác, người ta sẽ gian lận để tồn tại.”

Theo đó, Vụ trưởng cho rằng thuế cao là một nguyên nhân dẫn đến gian lận thương mại, xuất khẩu lậu.

Phải đưa việc khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản vào xử lý hình sự

Rõ ràng mọi tiêu cực trong xã hội này đều cần phải có một cơ chế đủ mạnh để giải quyết. Hiện nay trong chế tài về khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, chưa có chế tài xử lý hình sự.

“Tài nguyên là tài sản của quốc gia, tại sao “ông” cứ vào lấy bình thường? Đây là hành động ngang nhiên ăn cắp tài sản của nhà nước. Vì vậy quan điểm của Bộ Tài nguyên môi trường là cho thêm xử phạt hành vi khai thác trái phép tài nguyên môi trường vào bộ Luật hình sự để tăng tính răn đe.” – Vụ trưởng Quân phát biểu.

Mỹ Chi

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên