MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2014: Những con số kỷ lục

Hoa Kỳ đang dần trở thành một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam. Chỉ tính riêng hàng dệt may đã chiếm gần 34,3% tổng kim ngạch hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ và chiếm 46,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước trong năm 2014.

Xuất siêu kỷ lục hơn 22 tỷ USD

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2014 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đã đạt hơn 298,23 tỷ USD; tăng 12,8% so với năm trước. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN hiện nay đạt 34,94 tỷ USD; chiếm hơn 11,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước năm 2014.

Điều đáng nói là, mặc dù tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Hoa Kỳ không quá lớn nhưng Việt Nam lại xuất siêu sang thị trường này rất cao.

Trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 28,655 tỷ USD; chiếm hơn 19% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 6,284 tỷ USD; chỉ chiếm khoảng hơn 4% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước năm 2014.

Như vậy, tính chung cả năm 2014, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ 22,37 tỷ USD – con số cao kỷ lục và đóng góp tỷ trọng lớn vào thặng dư thương mại của cả nước năm 2014.

Gần 50% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ

Số liệu thống kê chi tiết cho thấy , trong năm qua, Việt Nam có đến 8 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: hàng dệt may đạt 9,82 tỷ USD; giày dép các loại đạt 3,33 tỷ USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 2,23 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,12 tỷ USD; hàng thủy sản đạt 1,71 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,54 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 1,29 tỷ USD; túi xách, ví, vali, mũ ô, dù đạt 1,03 tỷ USD.

Những mặt hàng “tỷ đô” Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2014 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).

Hoa Kỳ đang dần trở thành một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam. Chỉ tính riêng hàng dệt may đã chiếm gần 34,3% tổng kim ngạch hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ và chiếm 46,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước trong năm 2014.  Nói cách khác, gần 50% kim ngạch hàng dệt may Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Trước đó, ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, năm 2014 xuất khẩu dệt may Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ ước đạt 9,8 tỷ USD; tăng 12,6% so với năm 2013.

(>>>Hàng dệt may: “Điểm sáng” về xuất khẩu của Việt Nam năm 2014)

Nếu so với các quốc gia khác cạnh tranh trên thị trường này, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng dẫn đầu với hai con số, trong khi các quốc gia khác tăng nhẹ hoặc thậm chí tăng trưởng âm. Cụ thể, Trung Quốc tăng nhẹ chưa tới 1%, Ấn Độ tăng trưởng khoảng 6%, còn lại Indonexia và Bangladesh, Pakistan, Campuchia tăng trưởng âm. Thị phần của Việt Nam tại thị trường dệt may Mỹ hiện nay đạt 8,4%; tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2013.

Tỷ trọng hàng dệt may VN xuất khẩu sang các thị trường năm 2014 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).

Tỷ trọng hàng dệt may VN xuất khẩu sang các thị trường năm 2014 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).

Năm 2015: Tiềm năng lớn từ các hiệp định thương mại

Trong năm 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại như TPP, FTA … Bên cạnh đó, việc tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 cũng hứa hẹn mở ra “cánh cửa mới” cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, việc tham gia vào các hiệp định thương mại trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu; đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như hàng dệt may, nông sản … Khi TPP được ký kết, dự kiến thuế xuất khẩu mặt hàng dệt may sang một số thị trường lớn có thể về 0% là cơ hội lớn cho hàng dệt may Việt Nam.

 

Hoa Kỳ muốn trở thành nhà đầu tư số 1 của Việt Nam

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên