MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPP mới chỉ là lời hứa!

Đó là chia sẻ của bà Sherry Boger – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam khi nhận định về những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi gia nhập TPP.

Sáng nay (ngày 1/12/2015), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên cuối kỳ năm 2015 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội. Với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập”, diễn đàn lần này sẽ tập trung vào việc phân tích môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Sherry Boger – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, đây là thời điểm rất quan trọng cho Việt Nam bắt đầu một chặng đường mới với sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam đã và đang thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và nâng cao kim ngạch thương mại. Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong năm 2015 sẽ có khả năng lên tới mức 45 tỉ USD, tăng trưởng hơn 20%/năm.

“Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới chỉ là một lời hứa và chưa phải là hiện thực. TPP bao gồm nhiều vấn đề mà chúng ta đã thảo luận nhiều năm tại Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là khung hành động và là trọng tâm trong năm 2016” – Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ cho biết.

Theo bà Sherry, hệ thống quy định chặt chẽ, rõ ràng; sự minh bạch và tham vấn cộng đồng có là bước đi đầu tiên cần thiết nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam đối với các kiến nghị của công chúng về quy định liên quan đến thủ tục hành chính từ phía công dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

“Giáo dục là động lực phát triển chính. Chúng ta cần một lực lượng sinh viên tốt nghiệp có khả năng sẵn sàng làm việc, khoa học và công nghệ, nghiên cứu và đổi mới. Các công ty hội viên AmCham sẵn sàng tham gia vào các dự án giáo dục tại Việt Nam” – bà Sherry khẳng định.

Cũng theo bà Sherry, hiện nay rất ít các công ty Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù Việt Nam đã và đang thu hút đầu tư nước ngoài với tăng trưởng xuất khẩu khá lớn, hơn 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là từ các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài và nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu chiếm 90% giá trị xuất khẩu.

Do vậy, Amcham đang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát triển nhà cung ứng để các công ty Việt Nam có đủ điều kiện và khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho rằng, quản lý hải quan hiệu quả và thuận lợi hóa thương mại là yếu tố cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về việc nhập khẩu thiết bị và máy móc đã qua sử dụng, bà Sherry cho biết, đông đảo các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã phản đối Thông tư 23/2015, ban hành vào ngày 13/11/2015 và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016 (thay thế Thông tư 20/2014).

Sự ra đời của thông tư này sẽ gây ra sự đình trệ trong quy trình hải quan, có tác động tiêu cực đến hiện đại hóa và công nghiệp hóa, đặc biệt là các nhà cung cấp công nghiệp, thể hiện sự đối xử phân biệt với các nhà cung cấp trong nước.

“Hạn chế này không phù hợp với quy định về rào cản kỹ thuật đối với Hiệp định Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Chương rào cản kỹ thuật thương mại trong TPP” – Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ bày tỏ.

Do vậy, Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam đề nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ hạn chế nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng dựa trên tiêu chuẩn về thời gian tùy ý, các thủ tục hành chính nhằm đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, tiết kiệm năng lượng và yêu cầu môi trường...

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên