MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trăn trở vì thuế, phí

Hệ thống thuế, phí đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp tư nhân, khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm đi rất nhiều.

Ngân sách tăng thu nhờ thuế, phí

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2015 mặc dù giá dầu thô giảm mạnh nhưng thu ngân sách Nhà nước vẫn “về đích” nhờ các khoản thu nội địa tăng cao.

Cụ thể, giá dầu thế giới sụt giảm sâu dưới 43 USD/thùng so với giá tính dự toán đầu năm, dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỉ đồng.

Trong đó, thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỉ đồng, thu nội địa giảm khoảng 12.000 tỉ đồng do giảm thu từ hoạt động khai thác khí, thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất..., thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm khoảng 19.000 tỉ đồng do trị giá tính thuế xuất khẩu dầu thô, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu giảm.

Tuy nhiên, thu nội địa ước vượt dự toán 48.400 tỉ đồng, tăng 7,6% so dự toán và tăng 17,7% so với thực hiện 2014. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 100% dự toán và hoàn đủ số thuế giá trị gia tăng trong năm 2015 so với dự toán.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, cơ cấu thu Ngân sách Nhà nước vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn thu có tính ổn định không cao và không bền vững. Đối với thu ngân sách hiện nay chủ yếu thu trên thuế và phí, mà chúng ta gọi là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa.

Ngoài ra, còn một khoản rất lớn từ các hoạt động liên quan đến nước ngoài, cụ thể là thu từ xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô, từ tiền sử dụng đất, khi tổng các nguồn này chiếm khoảng 35% tổng thu.

Trong khi đó, thu từ dầu thô chiếm từ 10-13%, thu từ xuất nhập khẩu chiếm trên 17%, mà đây là những khoản thu không trực tiếp phản ánh hiệu quả của nền kinh tế.

Doanh nghiệp phải nộp tới 40,8% lợi nhuận qua thuế, phí

Đánh giá tổng thể về nền kinh tế Việt Nam năm 2015, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ngoài vấn đề bất ổn nợ công tăng cao, nông nghiệp khó khăn thì ở góc độ doanh nghiệp còn “trầm trọng hơn bao giờ hết”.

Vị chuyên gia này dẫn chứng, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới trong năm qua gia tăng nhanh chóng nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng lên, ở mức kỷ lục mới.

“Số lượng doanh nghiệp tăng nhưng quy mô cứ nhỏ dần, thậm chí nhỏ li ti. Tăng trưởng số lượng doanh nghiệp qua các năm ở Việt Nam gần đây có sự trồi sụt dữ dội. Nhiều doanh nghiệp năm trước đăng ký thành lập, năm sau đã đóng cửa. Doanh nghiệp muốn tồn tại, hoạt động còn nhiều khó khăn” – bà Lan cho biết.

Theo bà Lan, một trong những lý do khiến cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn hơn là chịu sự cạnh tranh lớn của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống thuế, phí cũng đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp tư nhân, khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm đi rất nhiều.

“Doanh nghiệp phải nộp tới 40,8% lợi nhuận của mình cho Nhà nước thông qua thuế phí. Trong khi trung bình ở các nước ASEAN là 17% thuế thu nhập doanh nghiệp, Việt Nam cao gấp đôi họ như thế thì lấy đâu ra động lực để doanh nghiệp phấn đấu, lấy đâu ra phần dôi dư để họ tái đầu tư, để lớn lên” – bà Lan trăn trở.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên