MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Lê Đăng Doanh: “Chủ động để kinh tế bớt tổn thương”

Các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập từ Trung Quốc để phòng ngừa rủi ro trong quan hệ thương mại đôi bên, TS. Lê Đăng Doanh đưa ra khuyến nghị.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập từ Trung Quốc để phòng ngừa rủi ro trong quan hệ thương mại đôi bên, TS. Lê Đăng Doanh đưa ra khuyến nghị trong cuộc trao đổi với BizLIVE.

Trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc liên tục là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Năm 2013, tổng kim ngạch hai chiều đạt gần 50 tỷ USD.

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 13,320 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc là 36,960 tỷ USD. Hiện Trung Quốc xếp vị trí thứ 9 trong tổng số các nước đầu tư FDI vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 7 tỷ USD.

"Biết được con số này để chúng ta có thể tính toán, xem xét được tác động trực tiếp của Trung Quốc tới nền kinh tế Việt Nam", ông Doanh nói.

Và ông nhìn nhận: "Sau hàng loạt các hành động leo thang, gây căng thẳng với Việt Nam từ phía Trung Quốc, Việt Nam cũng đề phòng khả năng hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên sẽ xấu đi".

Theo ông Doanh, "nếu họ ngừng nhập khẩu, con số 37 tỷ USD chỉ chiếm 1% xuất khẩu của Trung Quốc. Nhưng con số hơn 13 tỷ USD lại là 28% xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, tác động đối với Việt Nam sẽ không hề nhỏ".

Về phương án cụ thể để đối phó với tình hình này, theo ông Doanh, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế. Hiện Việt Nam có mối quan hệ thương mại với hơn 200 nước, do vậy những sản phẩm chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc hoàn toàn có thể tìm một nguồn khác thay thế.

"Cần phải chủ động, tỉnh táo, nắm bắt được tình hình, giảm khả năng khiến nền kinh tế đỡ bị tổn thương", TS. Doanh nhấn mạnh.

"Chúng ta hãy học hỏi tấm gương của các anh em chiến sỹ cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân Việt Nam đang ngày ngày chiến đấu trên biển… Dù họ nhỏ bé hơn, lực lượng mỏng nhưng họ luôn thể hiện tình thần kiên cường, hiệu quả".

"Trong tình hình hiện này, Việt Nam là một đất nước vừa phải phát triển kinh tế, vừa phải chuẩn bị cho những tình huống xấu. Hơn bao giờ hết, chúng ta, từ Chính phủ cho đến doanh nghiệp, người dân cần có những việc làm, hành động thiết thực…", ông Doanh nói.

Cụ thể, về phía Chính phủ, trước tình hình này cũng cần khẩn trương chủ động cải cách, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, giảm đầu tư lãng phí, tham ô, lễ hội rườm rà và tất cả những hoạt động gây nên sự lãng phí cho nền kinh tế.

Đối với doanh nghiệp thì nên tích cực chủ động tìm nguyên liệu thay thế, giảm sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.

Đối với người tiêu dùng nên hưởng ứng phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ở các tỉnh biên giới nên phát động phong trào chống buôn lậu, "tẩy chay" những hàng hóa gây độc hại từ nước ngoài, ông Doanh kiến nghị.

Trước vụ việc hai ngư dân Quảng Ngãi mới đây bị lực lượng kiểm ngư Trung Quốc đánh trọng thương, TS. Doanh chia sẻ: "Chúng ta cực lực lên án những hành động dã man, vi phạm của Trung Quốc. Việt Nam cần tố cáo hành động này của Trung Quốc ra quốc tế, kêu gọi quốc tế lên tiếng bảo vệ và ủng hộ ngư dân Việt Nam".

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam lên án hành động xâm lược, vi phạm của Trung Quốc, song chúng ta mong muốn có quan hệ hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, tiến tới hợp tác lâu dài với nhân dân Trung Quốc.

"Hãy học tập tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phân biệt giữa đế quốc, thực dân Pháp với nhân dân Pháp, phân biệt đế quốc Mỹ với nhân dân Mỹ. Chúng ta hãy bày tỏ rõ ràng muốn tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, sự bình đẳng hai bên cùng có lợi, kêu gọi họ ủng hộ chúng ta chống lại những hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam", ông Doanh nói.

Theo Mạnh Nguyễn

thanhhuong

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên