MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ủy ban Tài chính ngân sách: Sẽ khoán xe công cho một số chức danh

Bí thư tỉnh, Phó Bí thư và Chủ tịch tỉnh, với mức lương phải từ 1,25 trở lên. Những đối tượng tại Trung ương được khoán xe công cũng được tính từ mức lương 1,25 - 1,3 trở lên.

Để chấn chỉnh lại việc sử dụng hiệu quả xe công, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết đang đề xuất giao cho Chính phủ thực hiện khoán xe công cho một số chức danh.

Cụ thể, để thể hiện tinh thần đổi mới và tiết kiệm chi tiêu, Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ giao cho Chính phủ thực hiện khoán xe công cho một số chức danh nhất định. Tuy nhiên, việc khoán xe sẽ không thực hiện ở tất cả các xe công, đặc biệt với những xe hoạt động mang tính thường xuyên, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước như xe công an, quân đội, xe cứu thương… Việc quản lý những loại xe công này sẽ tập trung vào tiết kiệm xăng xe, sử dụng xe đúng mục đích.

Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, việc khoán xe công cho các chức danh là phương thức khởi đầu trong việc quản lý và tiết kiệm việc sử dụng ngân sách đối với cán bộ. Trên cơ sở đó, sau này cải cách tiền lương sẽ tính toán cơ chế tiền lương bao gồm cả những khoản chi phí xe công cho những chức danh được tiêu chuẩn, chế độ sử dụng xe công có nguồn kinh phí nhất định.

“Việc khoán xe công sẽ tiết kiệm hơn nhiều, giảm chi phí xăng xe, giảm biên chế của những hợp đồng lái xe, chi phí bảo dưỡng… Tất cả tính trên cơ sở chi phí Nhà nước bỏ ra thì khoán tiết kiệm nhiều” – ông Phùng Quốc Hiển đánh giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng thông tin thêm, các chức danh được khoán xe công sẽ được tính toán kỹ lưỡng. Đơn cử như tại các tỉnh, số chức danh là có thể chỉ bao gồm Bí thư tỉnh, Phó Bí thư và Chủ tịch tỉnh, với mức lương phải từ 1,25 trở lên. Những đối tượng tại Trung ương được khoán xe công cũng được tính từ mức lương 1,25 - 1,3 trở lên.

Dự kiến, chủ trương này sẽ được đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, nếu các Đại biểu Quốc hội thống nhất thông qua thì đây là việc phải thực hiện. Lộ trình triển khai sẽ giao cho Chính phủ và có thể thực hiện vào năm 2016.

Trước đó, Bộ Tài chính thông tin cả nước hiện có khoảng 40.000 xe công. Ước tính mỗi năm, chi phí để “nuôi” xe công có thể ngốn 12.800 tỷ đồng. Như vậy, chi phí trả lương lái xe, hao mòn, sửa chữa, xăng dầu… trong một nưm cho mỗi xe công tương đương khoảng 320 triệu đồng.

Câu chuyện lãng phí xe công không phải là mới, Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng sự lãng phí xe công là do cơ chế. Theo đó, chỉ nên cấp xe công cho những cán bộ chức vụ cấp Bộ trưởng trở lên, còn cấp Thứ trưởng thì nên đưa vào tiền lương. Đồng thời, Bộ Tài chính cần mạnh tay hơn trong việc xử lý lãng phí xe công.

Còn theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), vấn đề là cần phải đánh giá về hiệu quả sử dụng xe công, tổ chức bộ máy trong sử dụng xe công, mang lại hiệu quả như thế nào, có xứng đáng với sự cống hiến của người được sử dụng xe công hay không?

Mặc dù số lượng xe công đã giảm qua từng năm song mức giá bình quân lại tăng. Năm 2013, bình quân một ô tô phục vụ chức danh có giá 889 triệu đồng thì con số này đã được nâng lên 923 triệu đồng trong năm 2014.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên