MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn FDI của Australia tại Việt Nam: Hơn 62% đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo

Tính lũy kế đến hết năm 2014, Australia có 320 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,65 tỷ USD; đứng thứ 19 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 12 tháng năm 2014, Australia đã có 24 dự án đầu tư tại Việt Nam, đứng thứ 16/60 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư ở Việt Nam, tổng vốn đăng ký 30,73 triệu USD; có 6 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 112,11 triệu USD. Tính chung trong năm 2014, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các nhà đầu tư Australia là 142,84 triệu USD.

Nhìn chung, quy mô dự án của Australia không lớn; khoảng 5,2 triệu USD - nhỏ hơn so với quy mô dự án FDI chung của cả nước là 14,3 triệu USD.

Phân theo ngành, tính đến ngày 15/12/2014, các nhà đầu tư Australia đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Vốn FDI của Australia tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 119 dự án, tổng vốn đầu tư 1,03 tỷ USD (chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký của Australia vào Việt Nam). 

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đứng thứ hai với 15 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 115,42 triệu USD (chiếm 7% tổng vốn đầu tư đăng ký của Australia vào Việt Nam). Tiếp theo là các lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, ...

Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ cũng thu hút khá nhiều dự án, đứng thứ 2 (sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo) về số dự án của Australia đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô bình quân của các dự án này khá nhỏ; chỉ khoảng 0,42 triệu USD/dự án.

Phân theo hình thức đầu tư, các nhà đầu tư Australia chủ yếu đầu tư vốn vào hai hình thức là 100% vốn nước ngoài và liên doanh. Hiện nay, có 233/320 dự án đầu tư của Australia vào Việt Nam theo hình thức 100% vốn nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,09 tỷ USD (chiếm 66,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của Australia vào Việt Nam), 74 dự án theo hình thức liên doanh với tổng vốn đăng ký gần 471,3 triệu USD (chiếm 28,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của Australia vào Việt Nam). Các dự án còn lại theo hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh và hình thức công ty cổ phần.

Về địa phương, các nhà đầu tư Australia đã đầu tư vào 39/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tính cả khu vực dầu khí ngoài khơi). Trong đó, Australia đầu tư nhiều nhất vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với 11 dự án và tổng vốn đầu tư lên tới 252,17 triệu USD (chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của Australia vào Việt Nam).

Thủ đô Hà Nội đứng thứ 2 với 63 dự án, tổng vốn đăng ký là 236,8 triệu USD (chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của Australia vào Việt Nam). Thành Phố Hồ Chí Minh thu hút nhiều dự án đầu tư của Australia nhất với 125 dự án, song chỉ đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư là 161,9 triệu USD (chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của Australia vào Việt Nam)…

Một số dự án lớn của Australia tại Việt Nam phải kể đến như: Dự án thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, xuất khẩu quặng của Công ty TNHH mỏ Nikel Bản Phúc với tổng vốn đăng ký 136 triệu USD tại tỉnh Sơn La; Dự án của Công ty TNHH Foster’s - Tiền Giang với tổng vốn đầu tư đăng ký 126,4 triệu USD tại tỉnh Tiền Giang; Dự án của Công ty TNHH Bluescope Steel Việt Nam với tổng vốn đăng ký 105 triệu USD tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu…

Theo đánh giá của Cục đầu tư nước ngoài, Australia là đối tác quan trọng về đầu tư của Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đầu tư của Australia vào Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với Australia, hai nước cần tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư.

Với chủ trương đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ kinh tế đối ngoại, với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI, dưới tác động tích cực của quá trình thực hiện các hiệp định song phương của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, có thể dự báo rằng, trong những năm tới dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng, trong đó sẽ có nhiều hơn các dự án của các nhà đầu tư đến từ Australia.

>>>Năm 2014, Singapore đã “rót” gần 3 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam

Nguyệt Quế

huongtt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên