MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao các sở ngành đồng loạt phản ứng với dự thảo thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

Các Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quy định mới ban hành gây khó khăn trong công tác thực hiện.

Nghị định 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được Chính phủ thông qua ngày 17/4/2018. Trước đó, trong nhiều cuộc tiếp xúc với nông dân và doanh nghiệp, Thủ tướng luôn nhấn mạnh Chính phủ sẽ dành nhiều cơ chế ưu đãi để hướng đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến phản ứng đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) soạn thảo. Đáng chú ý, những ý kiến này lại đến từ các Sở KHĐT.

"Các doanh nghiệp chú trọng đến hiệu quả đầu tư nên dự án sẽ được họ cân nhắc kỹ trước khi đề xuất. Trong khi đó, theo quy định mới, địa phương phải lập danh mục dự án đầu tư trước, sau đó doanh nghiệp mới được triển khai dự án. Như vậy, bản danh mục cố định có khi trái với mong muốn của doanh nghiệp và là trở ngại thu hút đầu tư vào nông nghiệp" – đại diện Sở KHĐT tỉnh Cao Bằng nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, hỗ trợ vốn cũng là một khó khăn với các tỉnh. Tỉnh Hà Giang ước tính rằng, mỗi năm có thể thu xếp được khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng chỉ một dự án nuôi bò của Tập đoàn TH cũng ngốn tới 200 tỷ đồng hỗ trợ (theo quy định mới). Điều này đồng nghĩa với việc, tỉnh sẽ không bao giờ có đủ tiền hỗ trợ dù rất mong muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

"Quy định Ngân sách trung ương và Ngân sách địa phương cùng dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp. Số vốn này khó có thể đủ cho các dự án. Nếu dùng nguồn vốn lồng ghép thì phải có quy định cụ thể, nếu không sẽ khó thuyết phục Sở Tài chính" – đại diện Sở KHĐT tỉnh Hà Giang nói.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các sở KHĐT địa phương cho thấy những lúng túng hiện nay của các cấp. Trong khi đó, Bộ KHĐT chỉ soạn thảo thông tư hướng dẫn, còn nội dung đã được Chính phủ quyết định và nêu rõ tại Nghị định 57.

"Cựu Thủ tướng Anh Quốc từng phát biểu tại đây (Bộ KHĐT) rằng, đã làm thì sẽ có phản đối. Những băn khoăn về "Danh mục dự án khuyến khích" là đúng vì đây là điểm mới và mới nên khó thực hiện. Nhưng khi làm được một vài năm mọi việc sẽ đơn giản hơn. Chính phủ đã quyết thực hiện giải pháp này và việc bây giờ là triển khai" – ông Đinh Ngọc Minh,  Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế Nông nghiệp (Bộ KHĐT) phát biểu tại Hội nghị triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sáng 09/8.

Ông Đinh Ngọc Minh khẳng định, danh mục dự án do địa phương lập ra không cứng nhắc như các ý kiến đã nêu. Mỗi năm, cơ quan chức năng địa phương sẽ phải rà soát và điều chỉnh nên danh mục này luôn được làm mới. Trước đây, doanh nghiệp phải đề xuất dự án, xin chủ trương đầu tư, Sở KHĐT lấy ý kiến các ban ngành khác,… cần ít nhất 10 văn bản. Với quy định mới, các dự án đều trong danh mục đã lập trước nên việc triển khai sẽ diễn ra nhanh chóng.

"Luật đầu tư công quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án hỗ trợ. Trong khi đó, Nghị định 57 cho phép doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ đầu tư. Nguồn vốn đã quy định là 5% và địa phương phải chủ động báo cáo với HĐND địa phương. Quy định mới sẽ khó thực hiện. Tới đây sẽ thành lập ban chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này. Quan điểm của tôi là các sở cứ thực hiện theo quy định, có vấn đề gì cần tháo gỡ thì báo cáo để tìm cách tháo gỡ" - Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế Nông nghiệp (Bộ KHĐT) nói.

An Bình

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên