MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam cán mốc 1.822 km cao tốc: Loạt dự án nghìn tỷ về đích sớm, tạo nên kỳ tích năm 2023

Tính đến năm 2020, cả nước đưa vào khai thác được 1.074 km đường cao tốc. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm, số đường cao tốc toàn quốc đã cán mốc 1.822 km.

Kỷ lục về xây dựng cao tốc đường bộ đạt được trong năm nay

Sáng 23/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT – XH năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm và sản phẩm cụ thể. 

Việt Nam cán mốc 1.822 km cao tốc: Loạt dự án nghìn tỷ về đích sớm, tạo nên kỳ tích năm 2023 - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu tại Quốc hội sáng 23/10. Ảnh: VGP

Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc , nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành thêm 78 km.

Cụ thể, các tuyến cao tốc đã hoàn thành là: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu. Đồng thời, nhiều dự án lớn, trọng điểm được khởi công, khánh thành; phấn đấu khởi công thêm 5 dự án vào cuối năm 2023.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ thông qua các chương trình hành động, hạ tầng giao thông đất nước đang chuyển mình từng ngày, những tuyến cao tốc dần được nối dài từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, dần hoàn thiện các mảnh ghép để hình thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh.

Việt Nam cán mốc 1.822 km cao tốc: Loạt dự án nghìn tỷ về đích sớm, tạo nên kỳ tích năm 2023 - Ảnh 2.

Ảnh: PV

Vietnamnet dẫn lời Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Lê Quyết Tiến cho biết giai đoạn 2001 - 2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường cao tốc. Giai đoạn 2011 - 2020, đưa vào khai thác thêm 1.074 km đường cao tốc.

Nếu đúng mục tiêu đề ra, đến hết năm 2023, cả nước sẽ có 1.900km đường cao tốc được thông suốt. Như vậy, chỉ trong 3 năm, nước ta đã hoàn thành số km đường cao tốc bằng 2/3 số km cao tốc hoàn thành trong 10 năm trước đây.

Loạt dự án nghìn tỷ về đích sớm

Theo báo cáo từ Chính Phủ, các tuyến cao tốc đã hoàn thành gồm có: 

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn với tổng chiều dài tuyến chính là 15,2 km; đường gom 22 km; 7 cầu và 3 hầm chui dân sinh, tổng mức đầu tư dự án là 1.162 tỉ đồng.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng chiều dài tuyến 63,37 km, tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị (37,7 km), Thừa Thiên Huế (61 km), có tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tổng mức đầu tư là 12.668 tỷ đồng.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài hơn 80 km, tổng vốn đầu tư gần 12.771 tỉ đồng.

Việt Nam cán mốc 1.822 km cao tốc: Loạt dự án nghìn tỷ về đích sớm, tạo nên kỳ tích năm 2023 - Ảnh 3.

Ảnh: PV

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km nối hai tỉnh Bình Thuận với Đồng Nai, tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỉ đồng.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1km với tổng đầu tư 5.524 tỉ đồng.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100 km với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.

Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài tuyến 43,28 km, tổng vốn đầu tư hơn 5.534 tỷ đồng

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 7.293 tỷ đồng. 

Các tuyến cao tốc sắp hoàn thành gồm có:

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có tổng mức đầu tư hơn 3.712 tỷ đồng, được chia thành 2 giai đoạn với chiều dài toàn tuyến 40,2 km (tỉnh Tuyên Quang dài 11,63 km, tỉnh Phú Thọ 28,57 km).

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Long (12,53km) và Đồng Tháp (10,44km) với tổng mức đầu tư Dự án là 4.826 tỷ đồng.

Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn dài 15km, tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng bằng ngân sách đầu tư công.

Từ nay đến cuối năm 2023, phấn đấu khởi công thêm 5 dự án gồm: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Hòa Liên - Túy Loan).

Mục tiêu "khủng" về phát triển hạ tầng giao thông 

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV sáng 23/10, Thủ tướng cũng đề cập việc đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng…

"Hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng, đồng thời thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000km vào năm 2025", Thủ tướng nói.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã có những chương trình hành động, ban hành hàng loạt Nghị quyết nhằm giải quyết vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai các dự án thành phần.

Việt Nam cán mốc 1.822 km cao tốc: Loạt dự án nghìn tỷ về đích sớm, tạo nên kỳ tích năm 2023 - Ảnh 4.

Ảnh: VGP

Theo Bộ GTVT, trước đây bình quân 1 dự án quan trọng quốc gia, sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, tổng thời gian triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và khởi công mất khoảng 2 năm. Thế nhưng với tư duy mới, cách làm mới đã tiết kiệm, rút ngắn thời gian phê duyệt dự án. 

"Dưới sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo cũng như sự tháo gỡ kịp thời về chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, toàn ngành phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau và cả nước sẽ có 3.000km đường bộ cao tốc; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra. Những con đường sẽ mở ra cơ hội mới, đưa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường thành hiện thực", VTC dẫn lời Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sáng 8/9.

Theo T.Hà

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên