MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam chậm hơn cả Lào và Campuchia về áp dụng chuẩn mực kế toán kiểm toán quốc tế

So sánh trong khu vực ASEAN, nếu như Singapore, Phillipines, Malaysia đã tuân chủ hoàn toàn chuẩn mực quốc tế, Indonesia, Lào và Campuchia tự nguyện triển khai tại một số ngân hàng thì Việt Nam vẫn chưa áp dụng các chuẩn mực đó.

Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập với khu vực và thế giới về mặt kế toán, kiểm toán. Bộ Tài chính đã ấp ủ kế hoạch áp dụng chuẩn mực kế toán kiểm toán quốc tế từ nhiều năm nay.

Tại hội thảo ICAEW "Ngăn chặn khủng hoảng tài chính và Tương lai của tiền tệ", ông Lưu Đức Tuyên, Phó cục trưởng Cục giám sát kế toán, kiểm toán Bộ Tài chính cho biết: "Đến thời điểm này, chúng ta mới tiến hành triển khai áp dụng một cách mạnh mẽ nhất, huy động tất cả mọi nguồn lực chúng ta đang có cho quá trình này. Với sự nhất trí và chỉ đạo sát sao của Cục, trước tiên, chúng tôi đang xây dựng đề án "Áp dụng chuẩn mực kế toán kiểm toán quốc tế vào Việt Nam". Đề án này đã được khởi động từ lâu tuy nhiên đây là giai đoạn then chốt cuối cùng để có những kết quả rõ ràng".

Chiều 15/8, Bộ Tài chính đã ký để trình chính phủ đề án này và hi vọng Chính phủ sẽ xử lý và ký chính thức đề án một cách nhanh chóng nhất. Nếu Chính phủ không có điều chỉnh gì, đề án sẽ được ứng dụng vào thực tế.

So sánh trong khu vực ASEAN, nếu như Singapore, Phillipines, Malaysia đã tuân chủ hoàn toàn chuẩn mực quốc tế, Indonesia, Lào và Campuchia tự nguyện triển khai tại một số ngân hàng thì Việt Nam vẫn chưa áp dụng các chuẩn mực đó.

Theo thống kê của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), tính đến nay đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm tỷ lệ 93% các nước được IASB khảo sát) đã tuyên bố về việc cho phép áp dụng. Ở châu Âu, 31 nước thành viên và 5 vùng lãnh thổ đã áp dụng toàn bộ chuẩn mực kế toán quốc tế. Việt Nam hiện nay là một trong số ít các quốc gia chưa có tuyên bố về việc áp dụng.

Được ban hành cách đây 14 năm, mặc dù đã có 26 chuẩn mực, trong đó cũng có chọn lọc các quy định theo chuẩn mực quốc tế nhưng so với chuẩn mực quốc tế, chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS còn thiếu khoảng 17 chuẩn mực như chuẩn mực về nông nghiệp, thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản, về tổn thất tài sản, giá trị hợp lý...

Việt Nam chậm hơn cả Lào và Campuchia về áp dụng chuẩn mực kế toán kiểm toán quốc tế - Ảnh 1.

Không theo chuẩn quốc tế khiến báo cáo tài chính của doanh nghiệp hoặc không đầy đủ, hoặc thiếu chính xác, hoặc dù có đầy đủ và viết cả bằng tiếng Anh thì nhà đầu tư nước ngoài đọc cũng không hiểu, còn doanh nghiệp thì luôn gặp khó trong công tác kế toán.

Ví dụ, nhiều tài sản nhanh chóng lạc hậu do thay đổi công nghệ nhưng chưa được ghi nhận tổn thất khiến tài sản bị đánh giá cao hơn giá trị có thể thu hồi, làm giảm khả năng bảo toàn vốn. VAS chưa có hướng dẫn, yêu cầu cụ thể về thuyết minh các thông tin rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải, gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định kinh tế của các nhà đầu tư. 

Do chưa ban hành một số chuẩn mực kế toán nên không ít giao dịch của nền kinh tế thị trường chưa có căn cứ để ghi nhận, như các giao dịch thanh toán bằng cổ phiếu, ghi nhận tổn thất tài sản…

Nếu áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện bằng việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo để đưa ra các quyết định quản lý, điều hành, đầu tư.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam có thể so sánh được với các doanh nghiệp khác trên thế giới, giúp người sử dụng báo cáo tài chính có thể so sánh tình hình và kết quả tài chính của các doanh nghiệp giữa các quốc gia khác nhau một cách dễ dàng hơn, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, việc áp dụng chuẩn mực quốc tế còn thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán tài chính, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu lao động có chuyên môn hoặc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút FDI, giảm bớt chi phí cho các doanh nghiệp FDI; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đàm phán quốc tế về kinh tế, tài chính...

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên