MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietjet, Masan, Vingroup, Thaco… hiến kế gì để tháo gỡ khó khăn vì dịch Covid-19?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân trong sáng 12/3. Cuộc gặp này theo Thủ tướng chủ yếu để lắng nghe ý kiến, hiến kế và động viên, chia sẻ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để Việt Nam giành được thắng lợi kép: chống dịch thành công và giữ vững kinh tế xã hội.

Các tập đoàn đều thể hiện đồng tình, ủng hộ, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đề ra. Các doanh nghiệp đều thể hiện chung ý kiến: Thấy niềm tin ở Chính phủ, Thủ tướng chắc chắn lãnh đạo vượt qua khó khăn này.

Về mục tiêu đầu tiên, các doanh nghiệp cho biết, rất tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ và đã nhanh chóng có kịch bản ứng phó, để khi dịch xảy ra thì không bị thất thủ.

Hãng hàng không Vietjet đã khởi động Uỷ ban khẩn cấp phòng chống dịch vào ngày 21/1/2020. "Chúng tôi đã góp một phần trách nhiệm của mình để giải quyết phương tiện đi lại tuyệt đối an toàn cho hành khách, kiểm soát dịch bệnh", bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó TGĐ Vietjet nói.

Một số doanh nghiệp cho biết, hầu như đã chuyển sang làm việc online, hạn chế làm việc trực tiếp; tuyên truyền cho các công nhân lao động, trong đó có chuyên gia nước ngoài, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là cách ly y tế.

Mặc dù bày tỏ trăn trở trước sự ảnh hưởng nặng nề của dịch đối với ngành du lịch, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng, các biện pháp của Chính phủ về giảm bớt luồng khách từ nước ngoài là cần thiết bởi, "chống được dịch, ổn định tâm lý, có môi trường an toàn thì du khách mới an tâm, mới đi du lịch", như ý kiến của đại diện Vietravel, công ty vừa đưa ra chương trình "Việt Nam an toàn".

Hiện sức nén tâm lý trong dịch rất lớn thì sau dịch, cần có biện pháp truyền thông "giải tỏa tâm lý", doanh nghiệp góp ý. Cùng quan điểm, một số ý kiến cho rằng, ổn định tâm lý là điều quan trọng, cần chống tâm lý hoang mang, lo lắng bởi cái đáng sợ nhất chính là nỗi sợ hãi.

Tập đoàn thực phẩm Masan cho biết, các nhà máy của doanh nghiệp đang chạy hết công suất để bảo đảm cung ứng thực phẩm cho người dân. Đại diện doanh nghiệp kiến nghị, đây là thời điểm thúc đẩy thương mại điện tử. Tập đoàn có kế hoạch để làm sao ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà mua hàng mà không cần trực tiếp đến siêu thị.

Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như các giải pháp miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí, thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cơ cấu lại các khoản nợ…

Vietjet kiến nghị miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay, miễn giảm từ 50% tới 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không. Chính phủ cần rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch chấm dứt, doanh nghiệp "rộng tay, rộng chân hơn để phát triển", như kiến nghị của đại diện Tập đoàn Vingroup.

Ủng hộ chính sách của Nhà nước coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, bà Hương Trần Kiều Dung, TGĐ Tập đoàn FLC cho rằng, Luật Đầu tư chưa có điều nào xếp các dự án du lịch được ưu đãi đầu tư, mong được Chính phủ quan tâm vấn đề này, nhất là các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, có vốn trên 10.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này khẳng định, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để ngay sau khi dịch kết thúc thì phát triển mạnh hơn, bù đắp lại thiệt hại kinh tế do dịch gây ra, như lò xo bị nén lại, nay bật lên.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đồng thời là Chủ tịch HĐQT TPBank chia sẻ, là chủ của doanh nghiệp có hàng triệu khách hàng (Doji), vừa thường xuyên tiếp xúc với hàng nghìn doanh nghiệp (TPBank), ông thấy rằng, khả năng trả nợ của nhiều doanh nghiệp – nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ- đang thực sự khó khăn.

"Thống kê của chúng tôi cho thấy, từ khi bắt đầu có dịch Covid-19 (từ 27/1) tới nay, đã có khoảng 1000 khách hàng của chúng tôi với dư nợ xấp xỉ 10.000 tỷ có khả năng đến hạn không trả được đúng hạn. Đây là thách thức rất lớn bởi vì các doanh nghiệp SME là lực lượng tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động", ông Phú nói.

Theo ông Phú, gói tín dụng 250.000 tỷ đồng của các NHTM có thể là chưa đủ. Tuy nhiên, tùy theo tình hình cụ thể, các NHTM có thể đóng góp thêm để đảm bảo cùng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. "Chúng tôi đã chủ động tính toán giảm phần lợi nhuận của mình để bù đắp cho các doanh nghiệp", ông Phú cho biết.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO Trần Bá Dương cho rằng, các địa phương cũng cần học tinh thần của Thủ tướng, mời các doanh nghiệp đến lắng nghe ý kiến, hiến kế, vừa về biện pháp chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.

Sự đồng hành, chia sẻ giữa chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh có dịch bệnh. Ông cho biết, trong khó khăn nhưng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, vì thế, THACO đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.

Không chỉ kiến nghị sự hỗ trợ, có tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng khẳng định, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Nhà nước, có thể trích bớt lợi nhuận để giảm lãi suất.

Vietjet, Masan, Vingroup, Thaco… hiến kế gì để tháo gỡ khó khăn vì dịch Covid-19? - Ảnh 2.

T.Công

VGP

Trở lên trên