MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây đường sắt Lào-Trung: Rừng hoang thú dữ không đáng sợ bằng hậu quả chiến tranh Việt Nam

31-01-2022 - 16:20 PM | Tài chính quốc tế

Xây đường sắt Lào-Trung: Rừng hoang thú dữ không đáng sợ bằng hậu quả chiến tranh Việt Nam

Mặc dù đã kết thúc cách đây gần 50 năm, nhưng các hoạt động quân sự của Mỹ tại Lào vẫn để lại những hậu quả có thể gây nguy hiểm cho người dân Lào thời hiện đại.

Vào ngày 3/12/2021 vừa qua, tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã được khánh thành, kết nối thành phố Côn Minh ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với thủ đô Vientiane của Lào.

Tuyến đường sắt Lào do Trung Quốc xây

Tuyến đường sắt là một dự án mang tính bước ngoặt thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Ngoài những khó khăn trong quá trình thi công và rủi ro của dự án, điều ít ai biết là đội công nhân xây dựng còn phải đối mặt với mối đe dọa chết người trong quá trình thi công bởi một số lượng lớn bom chưa nổ mà Mỹ để lại hiện vẫn bị chôn vùi dọc theo những khu vực xây dựng tuyến đường sắt.

Lào là quốc gia không biển duy nhất ở Đông Nam Á. Núi và cao nguyên chiếm 80% diện tích 236.000 km2 của Lào.

Trước khi hoàn thành tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào, Lào chỉ có 3,5 km đường sắt, đứng thứ 4 từ dưới lên trong số 146 quốc gia trên thế giới có đường sắt. Khi đó, Lào được biết đến như một "đất nước không giáp biển" với hệ thống giao thông lạc hậu.

Xây đường sắt Lào-Trung: Rừng hoang thú dữ không đáng sợ bằng hậu quả chiến tranh Việt Nam - Ảnh 1.

Tàu Lào mang lại lợi ích lớn cho Trung Quốc và Lào.

Sự giới hạn về địa lí không chỉ hạn chế người dân Lào đi tới các nước khác mà còn hạn chế tốc độ phát triển kinh tế của Lào.

Tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào vì vậy có ý nghĩa rất lớn, sự hợp tác hai bên cùng có lợi được cho là sẽ giúp nhân dân Lào có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào là tuyến đường sắt quốc tế đầu tiên được xây dựng với vốn đầu tư của Trung Quốc, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung Quốc, sử dụng thiết bị của Trung Quốc và kết nối trực tiếp với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc.

Dự án kéo dài 5 năm, trong đó trải qua vô số gian khổ. Chưa kể trong quá trình đàm phán kéo dài, bản thân dự án cũng gặp những khó khăn và rủi ro cực kỳ hiếm gặp, như điều kiện khí tượng địa chất kém, yêu cầu bảo vệ môi trường cao, thậm chí phải khai phá những khu vực chưa từng có người ở.

Vô số bom mìn còn sót lại

Nhưng điều khiến các công nhân cảm thấy sợ nhất chính là mối đe dọa chết người mà họ phải đối mặt: một lượng lớn bom mìn do Mỹ ném bom rải thảm tại Lào trong thời kì Chiến tranh Việt Nam.

Để chặn Đường mòn Hồ Chí Minh, con đường tiếp tế cho quân đội miền Bắc Việt Nam, theo tính toán của CIA, Mỹ đã âm thầm mở rộng chiến trường sang lãnh thổ Lào, thực hiện 580.000 phi vụ ném bom từ năm 1964 đến năm 1973, tổng cộng thả hơn hai triệu tấn bom (hoặc 270 triệu quả bom).

Trong vòng 9 năm, 270 triệu quả bom với tổng trọng lượng 2 triệu tấn đã được thả xuống Lào, tương đương với 8 quả bom mỗi phút. Tổng số bom nhiều hơn số bom được thả trong Thế chiến thứ 2.

Vào thời điểm đó, Lào có dân số khoảng hai triệu người, mỗi người Lào phải chịu hàng tấn bom đạn, khiến nước này trở thành "quốc gia bị đánh bom nặng nề nhất trên đầu người trong lịch sử nhân loại".

Xây đường sắt Lào-Trung: Rừng hoang thú dữ không đáng sợ bằng hậu quả chiến tranh Việt Nam - Ảnh 2.

Những khu vực ở Lào bị Mỹ ném bom. Màu đỏ: bom chùm, màu xanh lá: bom lớn.

Mặc dù Chiến tranh Việt Nam kết thúc từ lâu, nhưng người dân Lào vẫn phải sống trong cơn ác mộng vì hậu quả của bom mìn. Theo CBS, khoảng 80 triệu quả bom được thả xuống không phát nổ, chiếm 30% tổng số quả bom.

Trong nhiều thập kỷ, những quả bom chưa nổ này là mối đe dọa đối với cuộc sống của người dân Lào. Một số vùng đất ở Lào không thể canh tác được vì nỗi lo sợ về bom, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo thống kê của chính phủ Lào, từ năm 1975 đến năm 2008, hơn 50.000 người Lào, trong đó có nhiều trẻ em, đã thiệt mạng do bom phát nổ.

Hậu quả kinh hoàng tới ngày nay

Toàn bộ số tiền Mỹ bỏ ra để rà phá bom mìn chưa nổ ở Lào từ năm 1995 đến năm 2013 chỉ tương đương với chi phí cho 3 ngày ném bom trong Chiến tranh Việt Nam.

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Lào vào năm 2016, ông đã hứa trả thêm 90 triệu USD để rà phá bom chưa nổ.

Trong những năm gần đây, với sự giúp đỡ của các nhóm xã hội, số người dân Lào chết vì bom đã giảm xuống chỉ còn hàng chục người, nhưng những quả bom đó vẫn là một hiểm họa rất lớn.

Theo Vientiane Times, trong 25 năm từ 1996 đến 2020, các đội xử lý bom ở Lào đã phá hủy hơn 1,6 triệu vật liệu chưa nổ trên 70.000 ha đất, trong đó có hơn 4.200 quả bom lớn.

Xây đường sắt Lào-Trung: Rừng hoang thú dữ không đáng sợ bằng hậu quả chiến tranh Việt Nam - Ảnh 3.

Mỹ đã thực hiện 230.516 phi vụ bay ném bom sang lãnh thổ Lào một cách chính thức. Tuy nhiên, tổng số phi vụ ném bom sang Lào lớn hơn rất nhiều vì vào thời điểm đó, khi không quân Mỹ không kích xong ở Việt Nam, nhiều phi công bay về Thái Lan qua ngả Lào đã "tiện tay" thả số bom thừa chưa dùng tới. Ảnh: Flickr

Có thể mất đến 50 năm hoặc thậm chí một thế kỷ để loại bỏ hoàn toàn chúng. Vào cuối năm 2021, ba chuyên gia xử lý bom đã thiệt mạng trong các vụ nổ.

Vì các đội xử lý bom phải thăm dò từng cm, đồng thời bảo vệ đất canh tác, nên phải mất hơn hai tháng để thăm dò 0,4 ha đất. Do hiệu quả thấp và chi phí cao, việc gỡ bom ở Lào diễn ra khá chậm chạp.

Mặc dù đoạn Mordin – Vientiane của tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào nằm ở khu vực Tây Bắc, nơi có ít bom mìn hơn, nhưng mật độ bom ở đó vẫn ở mức đáng báo động.

Theo Hãng thông tấn Nhà nước Lào (KPL), vào tháng 12/2016, người dân đã phát hiện vật liệu nổ gần ga Nateuy thuộc tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào.

Nỗi sợ vô hình

Bộ Quốc phòng Lào thông báo với chính quyền tỉnh Luang Namtha rằng vẫn còn bom mìn ở một trong ba ngôi làng mà tuyến đường sắt đi qua. Những quả bom được tìm thấy ở làng Natu, và công ty xây dựng Trung Quốc - vốn đã hoàn thành 70% công việc khảo sát - phải dừng lại để chờ rà phá bom mìn.

Gần như cùng lúc đó, Liu Qianli, người phụ trách kỹ thuật của tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã đến Luang Prabang, Lào. Khi đến nơi, điều đầu tiên khiến anh choáng ngợp là những khu rừng nguyên sinh rậm rạp và tiếng gầm gừ của các loài động vật sống trong rừng vọng lại.

Nhưng điều khiến anh thực sự sợ hãi là bom mìn ẩn khuất trên núi. Sau khi liên lạc với Bộ Quốc phòng Lào để xử lý bom, hơn mười quả bom có chiều dài từ 30 đến 40 cm đã được dọn khỏi khu vực xây dựng.

Xây đường sắt Lào-Trung: Rừng hoang thú dữ không đáng sợ bằng hậu quả chiến tranh Việt Nam - Ảnh 4.

Tính riêng ở Lào, số lượng bom được Mỹ thả xuống đã nhiều hơn số lượng bom toàn thế giới sử dụng để tấn công lẫn nhau trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ảnh: Flickr

"Việc khai phá trên mảnh đất không người không là gì so với nỗi sợ từ những quả bom chưa nổ trong rừng, điều này khiến tôi cảm thấy áp lực chưa từng có."

Li Bin, tổng chỉ huy của dự án, người đã có 35 năm kinh nghiệm kỹ thuật, cũng chia sẻ kinh nghiệm tương tự: "Không ai có thể tưởng tượng được viễn cảnh ngày đầu tiên khi tôi tới đây. Chủ tịch xã và dân quân dẫn đường, trong khi người dân địa phương phát quang cây cối. Vì máy móc không vào được nên mọi người phải nhích từng bước".

"Những quả bom chưa nổ ở đây dù sau cả trăm năm cũng không thể phá được. Quá trình xây dựng khiến mọi người lo lắng".

Theo The Express Tribune, không quá lời khi cho rằng đây có lẽ là một trong những dự án đường sắt nguy hiểm nhất thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc và Lào đã không từ bỏ nhiệm vụ cam go và nguy hiểm này. Thay vào đó, hai bên đã làm việc chặt chẽ với nhau để hoàn thành dự án.

Theo cổng thông tin Vành đai và Con đường của Trung Quốc, để đảm bảo tiến độ dự án diễn ra suôn sẻ, Bộ Quốc phòng Lào đã phân công 6 đơn vị phù hợp với các đoạn đường sắt, với lượng công nhân, phương tiện và thiết bị cần thiết để gỡ bom chưa nổ khỏi các khu vực được đánh dấu. Quá trình giải phóng mặt bằng kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5/2017.

Để đề phòng nguy hiểm, đội xây dựng Trung Quốc đã tạm dừng công việc, điều chỉnh biện pháp thi công mặc dù chi phí cao hơn, đồng thời cử kỹ thuật viên đến hỗ trợ xử lý bom.

Số lượng bom mìn được phát hiện

Một báo cáo mang tên "Tiến độ của Sáng kiến Vành đai và Con đường và các Mục tiêu Phát triển Bền vững ở Lào" cho thấy theo thống kê của Ủy ban Quản lý Dự án Đường sắt Trung Quốc-Lào năm 2019, khoảng 459 quả bom mìn và 463.536 mảnh bom trên 2.931 ha đã được thu dọn trong quá trình xây dựng Đường sắt Trung Quốc-Lào từ tháng 1/2017 đến tháng 7/2019.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng mặc dù đó chỉ là một phần nhỏ trong số gần 80 triệu quả bom chưa nổ còn lại và cần nhiều quỹ và nguồn lực hơn, nhưng điều đó cho thấy rằng hợp tác Vành đai và Con đường có thể "tạo ra một tác động đáng kể."

Ngày 3/1/2022 đánh dấu một tháng hoạt động của tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào. Cả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa đều phát triển mạnh mẽ.

Xây đường sắt Lào-Trung: Rừng hoang thú dữ không đáng sợ bằng hậu quả chiến tranh Việt Nam - Ảnh 5.

Nhà cửa và trẻ em Lào chơi ngay cạnh bom Mỹ còn sót lại trong chiến tranh.

Theo số liệu thống kê từ Đường sắt Trung Quốc, tính đến ngày 31/12/2021, Đường sắt Trung Quốc-Lào đã hoàn thành 380 chuyến tàu hàng với tổng số 150.000 tấn hàng hóa.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu bao gồm cao su thiên nhiên, quặng sắt và phân bón hóa học, và xuất khẩu chủ yếu là rau, trái cây và các sản phẩm cơ điện. Ngoài ra, đoạn đường sắt Trung Quốc đã đón 580.000 lượt hành khách.

Tính đến ngày 20/12, đã có tổng cộng 22.000 hành khách đi trên đoạn tuyến đường sắt Lào. Hàng ngày, rất nhiều người dân Lào mua vé để trải nghiệm những thay đổi mà đường sắt mang lại trong công việc và cuộc sống, thể hiện sự ủng hộ đối với đường sắt.

Theo Vientiane Times, trong quá trình đi tàu, phóng viên nhận thấy nhiều hành khách đặt một chiếc cốc giấy gần như đầy nước trên chiếc bàn nhỏ trong toa tàu để thử nghiệm. Quan sát cho thấy không một giọt nước nào bị đổ ra ngoài trong suốt quá trình tàu chạy.

Thúc đẩy nền kinh tế Lào

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay, có ý nghĩa to lớn đối với việc thúc đẩy hơn nữa thương mại tự do nội khối, và tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào cũng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong vấn đề này - ông Bounleuth Luangpaseuth, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào, cho hay trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa xã.

Sau khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động, một số phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đang khiến Lào rơi vào bẫy nợ và thậm chí lo ngại rằng Lào sẽ ngày càng phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, và cuối cùng bị ràng buộc về mặt chính trị với Trung Quốc.

Tom Fowdy, một nhà phân tích chính trị và quan hệ quốc tế người Anh, nói rằng truyền thông phương Tây đang gửi đi một thông điệp kỳ lạ: "Quốc gia ném bom vào Lào là bạn trong khi quốc gia xây cho Lào tuyến đường sắt là kẻ thù của Lào".

Xây đường sắt Lào-Trung: Rừng hoang thú dữ không đáng sợ bằng hậu quả chiến tranh Việt Nam - Ảnh 6.

Tàu cao tốc Lào đã đi vào hoạt động 2 tháng.

"Chính Mỹ đã ném bom bi xuống Lào. Do đó, trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt mới, công nhân phải rà phá bom mìn chưa nổ. Làm thế nào mà thế giới và các phương tiện truyền thông chính thống vẫn thờ ơ với sự tàn bạo này? Và tại sao họ có thể tuyên bố rằng Trung Quốc là mối đe dọa thực sự đối với Lào còn Mỹ và các đồng minh của họ hành động vì lợi ích thực sự của Lào?".

Ông Fowdy cho rằng câu chuyện về tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào là ví dụ điển hình về cách các phương tiện truyền thông bóp méo các câu chuyện lịch sử, đồng thời gạt bỏ những thực tế tàn khốc sang một bên.

Vào ngày 21/12/2021, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo thường kỳ, nói rằng "tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào là dự án hàng đầu của hợp tác hai bên cùng có lợi và hợp tác Vành đai và Con đường".

Trong một cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Phankham Viphavanh của Lào cũng bác bỏ những lời bôi nhọ nhắm vào tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào và bác bỏ cáo buộc rằng tuyến đường sắt đã đưa Lào vào bẫy nợ, nói rằng tuyến đường sắt đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân Lào và mang lại lợi ích lớn hơn cho họ bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ những chuyến giao lưu và trao đổi thương mại.

Ông Triệu cho rằng trở ngại chính hiện nay của Lào là giao thông đi lại không thuận tiện với thế giới bên ngoài do vị trí địa lý là quốc gia không giáp biển.

"Trung Quốc có câu nói là: hương thơm của rượu ngon vẫn tỏa đi khắp nơi dù cho chai rượu bị giấu dưới vực sâu. Tuyến đường Trung-Lào có mục tiêu tiếp cận vực sâu, giúp người dân Lào nhận ra việc biến nước này từ quốc gia không giáp biển thành trung tâm kết nối trên đất liền, cải thiện sự tăng trưởng của đất nước, mang Lào tới gần hơn với thế giới, và giúp người dân khắp nơi không chỉ 'ngửi thấy mùi thơm' mà còn được nếm 'rượu ngon' từ Lào," phát ngôn viên Trung Quốc ví von.

Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên