MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần 9,98 tỷ USD để làm đường sắt tốc độ cao đầu tiên ở TP.HCM: Cú bắt tay với các 'ông lớn' Trung Quốc?

Một doanh nghiệp Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao từ TP.HCM đi Cần Thơ.

Liên danh đầu tư với các Tập đoàn Trung Quốc

Báo Đấu thầu đưa tin, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ theo phương thức PPP.

CT Group dự kiến bắt tay với Công ty TNHH Tập đoàn thiết kế đường sắt Trung Quốc (CRECG), Tổng công ty công trình quốc tế Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), Cục 2 Đường sắt Trung Quốc (China Railway No.2 Group), Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) để hình thành 1 liên doanh đầu tư có tên là Liên doanh tàu điện tốc độ cao Đồng bằng sông Cửu Long (CMEX).

Liên danh CMEX sẽ xin nhận gói hỗ trợ tài chính cho Dự án từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Ngân hàng Thế giới WB, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank), Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc (Bank of China), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).

Trong tổng mức đầu tư dự kiến 9,98 tỷ USD (hơn 227.000 tỷ đồng), liên danh góp vốn tỷ lệ 85%, nhà nước khoảng 15%.

Cần 9,98 tỷ USD để làm đường sắt tốc độ cao đầu tiên ở TP.HCM: Cú bắt tay với các 'ông lớn' Trung Quốc? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa được tạo bởi ứng dụng AI Chat GPT

Dự án đầu tư theo hình thức PPP như sau: Nhà nước thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước.

VnExpress cho biết, trong văn bản gửi Thủ tướng, CT Group cam kết hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong 6 tháng đầu năm 2024 để trình phê duyệt; đồng thời cam kết huy động tối đa các nguồn lực để hoàn thành Dự án trước năm 2032.

Các mốc thời gian cam kết cụ thể như sau: Chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án trong năm 2024; Thiết kế chi tiết trong năm 2025; Giải phóng mặt bằng trong năm 2025 - 2026; Triển khai thi công và tổ chức vận hành trong năm 2027 - 2032.

Tập đoàn của ông Trần Kim Chung cho hay đã nghiên cứu mọi mặt của Dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ trong 10 năm. Dự án mang tính khả thi cao khi mà Liên danh tư vấn đã kinh nghiệm khi làm tuyến tàu điện quy mô tương tự ở Jakarta - Bandung (Indonesia).

Với tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên ở khu vực Nam Bộ này, CT Group dự kiến sẽ áp dụng mô hình TOD nếu được thông qua. Việc này giúp rút ngắn thời gian thu hồi vốn từ 50 năm xuống dự kiện còn 25 năm, báo Thanh Niên cho hay.

Áp dụng mô hình TOD nghĩa là, với 12 ga đường sắt tốc độ cao thuộc tuyến sẽ gắn với việc xây dựng, phát triển 12 khu đô thị mới với 5 bán kính khác nhau lần lượt từ 500m đến 10.000m, bắt đầu từ vành đai thương mại dịch vụ trong bán kính 500m đến các khu dân cư, khu công nghệ; logistic và nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng đô thị xanh, đồng bộ với sự phát triển tại địa phương nhằm, dịch chuyển địa tô, tạo nguồn đầu tư cho nhà nước.

Đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ sẽ hiện đại ra sao?

Dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ nối 2 vùng kinh tế trọng điểm phía nam là TP.HCM và Cần Thơ, có vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía nam với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ.

Việc đầu tư đường sắt TP. HCM - Cần Thơ là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trong tương lai. Dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách trên tuyến đường sắt này đến năm 2035 hơn 16,4 triệu lượt và 19,1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Đến năm 2050 là hơn 42 triệu lượt hành khách, 81 triệu tấn hàng hóa.

Đồng thời đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững giao thông vận tải, tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động trên hành lang TP. HCM - Cần Thơ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo báo điện tử Chính phủ, hồi tháng 9/2023, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt là chủ đầu tư, bố trí vốn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho tuyến đường sắt tốc độ cao này và đang tập trung phối hợp với các địa phương rà soát vị trí ga, hướng tuyến.

Cần 9,98 tỷ USD để làm đường sắt tốc độ cao đầu tiên ở TP.HCM: Cú bắt tay với các 'ông lớn' Trung Quốc? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa được tạo bởi ứng dụng AI Chat GPT

Dự kiến, tuyến này sẽ dài 174 km đối với ga hàng hóa, 135 - 140 km đối với ga hành khách, đi qua 6 địa phương Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. 

Đường sắt hàng hóa bắt đầu từ ga An Bình, Dĩ An (Bình Dương), ga hành khách bắt đầu từ ga Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM) và điểm cuối cùng là ga Cái Răng (Cần Thơ).

Trên tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe, chỉnh bị... được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi - khổ 1435 mm - điện khí hóa.

Công nghệ đường sắt được lựa chọn cho tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến; tốc độ thiết kế lớn nhất 190km/h (tàu khách khai thác tốc độ <190 km/h, tàu hàng khai thác tốc độ <120 km/h). Kết cấu tuyến chủ yếu trên nền đắp và cầu cạn.

Về mô hình quản lý khai thác, cần thành lập Công ty cổ phần Vận tải đường sắt TP. HCM - Cần Thơ để đầu tư, quản lý, bảo dưỡng công trình.

Tổng hợp

Theo Thái Hà

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên