MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có cơ hội được lấn biển khi Luật đất đai có hiệu lực, tỉnh "đất chật người đông" được kỳ vọng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Có cơ hội được lấn biển khi Luật đất đai có hiệu lực, tỉnh

Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình. Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sự kiện này ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi mở ra một giai đoạn phát triển mới cho tỉnh Thái Bình trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Với quy mô 67,71km2, Thái Bình có diện tích nhỏ thứ 10 cả nước, chiếm 0,5% diện tích Việt Nam. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.

Những năm qua, Thái Bình được đánh giá là tỉnh năng động, có nhiều tiềm năng khác biệt, có lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư,… Không chỉ vậy, địa phương này cũng có sự chuyển mình mạnh mẽ, từ một tỉnh với nền sản xuất nông nghiệp là chủ yếu đã vươn lên trở thành một địa phương phát triển năng động, địa điểm thu hút đầu tư hấp dẫn, với mức tăng trưởng kinh tế cao hơn so với bình quân của cả nước, đặc biệt sau khi thành lập Khu kinh tế Thái Bình.

Đến nay, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 20%. Thái Bình xếp thứ 15, 16/63 tỉnh, thành phố của cả nước về thu hút đầu tư FDI năm 2021, 2022 và đặc biệt năm 2023 thu hút FDI đạt gần 3 tỷ USD, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với mức này, Thái Bình lần đầu gia nhập nhóm tỷ đô về thu hút vốn FDI.

Khu công nghiệp Liên Hà Thái, khu công nghiệp tiên phong trong Khu kinh tế Thái Bình, sau 3 năm thành lập đến nay đã thu hút đầu tư trên 1,2 tỷ USD, trong đó có dự án nhà máy Pegavision Việt Nam.

Theo Quy hoạch tỉnh, Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao.

3 đột phá phát triển, 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế

Để đạt được những mục tiêu này, Quy hoạch tỉnh xác định 3 đột phá phát triển, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế; có nhiều điểm mới, đột phá như mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động "lấn biển"; phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển.

Trong tương lai, trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành 3 tuyến cao tốc là cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08); đường Vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế với thành phố Thái Bình và vùng kinh tế phía tây bắc thủ đô.

Tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá như: Năng lượng; cơ khí chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; điện - điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản…

Đồng thời, tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.

Về nông nghiệp, tỉnh Thái Bình vẫn xác định đây là "trụ cột quan trọng" trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của đồng bằng sông Hồng.

Tại Hội nghị, đánh giá về tiềm năng của địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Thái Bình có 4 tiềm năng, lợi thế lớn để địa phương có thể có sự bứt phá trong thời gian tới. Cụ thể, tỉnh có vị trí địa lý và tiếp cận đất đai thuận lợi; từng là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới bài bản và nghiêm túc…

Về vị trí địa lý và tiếp cận đất đai, Phó Thủ tướng cho rằng trong tương lai, khi Luật Đất đai có hiệu lực, Thái Bình sẽ có nhiều điều kiện lấn biển để triển khai các dự án khu đô thị, khu công nghiệp thân thiện với môi trường…

Đối với nông nghiệp, số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023; xuất siêu đạt 2,88 tỷ USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2023. Quan trọng hơn, giá gạo trung bình của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Những tín hiệu khả quan này có đóng góp tích cực của ngành nông nghiệp Thái Bình.

Mặt khác, ứng dụng của công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sẽ rút ngắn thời gian làm đồng của người nông dân, tạo điều kiện để Thái Bình huy động nguồn nhân lực trong nông nghiệp sang phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, một lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được như Thái Bình.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh về lâu dài Thái Bình có thể ghi điểm từ phát triển công nghiệp nhưng trước mắt, đặc biệt trong lúc khó khăn, thì nông nghiệp vẫn là nền tảng rất quý giá.

Đối với việc triển khai quy hoạch của tỉnh, Phó Thủ tướng chia sẻ với địa phương 8 chữ: Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu.

Theo Phó Thủ tướng, giá trị lớn lao nhất của quy hoạch là định hướng, mục tiêu phát triển và những giải pháp để hiện thực hóa những mục tiêu đó, vì thế về nguyên tắc trước hết phải "tuân thủ" quy hoạch.

Tỉnh cũng phải "linh hoạt" trong tổ chức thực hiện, trong trường hợp cá biệt cụ thể, có thể điều chỉnh mục tiêu vì hôm nay nói chuyện ngày mai đã khó chứ chưa nói gì câu chuyện 6 năm sau (đến năm 2030) và tầm nhìn 26 năm sau (đến năm 2050).

Bên cạnh đó, phải tổ chức thực hiện "đồng bộ" với các quy hoạch khác như Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành...

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, tỉnh Thái Bình đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên